23/11/2024

Doanh nghiệp nước ngoài lạc quan về tương lai tại Việt Nam

Doanh nghiệp nước ngoài lạc quan về tương lai tại Việt Nam

Dù vẫn còn những tiếc nuối nhưng hầu hết đại diện các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Việt Nam đều lạc quan về môi trường đầu tư và triển vọng phát triển.

 

 

Đó là thông điệp được đại diện doanh nghiệp (DN) các nước bày tỏ hôm qua 21.2 tại phiên đối thoại cấp cao của Diễn đàn DN VN (VBF) thường niên với chủ đề “Phục hồi kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới”, với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Doanh nghiệp nước ngoài lạc quan về tương lai tại Việt Nam - ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với các đại diện doanh nghiệp tại diễn đàn  GIA HÂN

VN có vị thế để phát triển mạnh mẽ hậu đại dịch

Đây là diễn đàn thường niên, do Bộ KH-ĐT, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Liên minh Diễn đàn DN VN tổ chức, năm nay diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại các điểm cầu.

Chia sẻ tại diễn đàn, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại VN (KoCham) Kim Han-yong bày tỏ, VN đang đạt được những thành tựu quan trọng trong việc lấy lại đà tăng trưởng nhờ gia tăng kim ngạch thương mại và phục hồi nền kinh tế nhanh chóng bất chấp những hoàn cảnh khó khăn do đại dịch gây ra trong và ngoài nước. Bước vào năm 2022, khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức có hiệu lực, VN sẽ vươn lên trở thành trung tâm của thương mại Đông Nam Á và châu Đại Dương, quan hệ thương mại VN – Hàn Quốc sẽ được tăng cường hơn nữa trong tương lai.

“Tuy nhiên, thật đáng tiếc là các DN không thể tận dụng Hiệp định RCEP có hiệu lực từ ngày 1.1 năm nay. Chúng tôi hy vọng những thủ tục liên quan như mẫu chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, phương thức cấp, chứng nhận nhà xuất khẩu hay thủ tục áp dụng thuế suất nhập khẩu RCEP sẽ sớm được thực hiện”, ông Kim Han-yong bày tỏ, đồng thời nhấn mạnh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phục hồi đầu tư trong tương lai thì “cần phải cung cấp một môi trường đáp ứng được các tiêu chuẩn toàn cầu” để có thể nhanh chóng thích ứng được với những thay đổi của hoàn cảnh, và đặc biệt là để cho các DN có thể đầu tư được một cách thuận lợi.

VN đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số (xây dựng hạ tầng số, Chính phủ số, công dân số, phát triển kinh tế số) và đẩy mạnh chuyển đổi xanh, trên tinh thần không đánh đổi môi trường, tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Các DN, hiệp hội tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ VN trong quá trình phục hồi nhanh, phát triển bền vững trên tinh thần “đồng cam cộng khổ”, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại VN (EuroCham), cũng khẳng định VN đang ở một vị thế mạnh mẽ nhất để phát triển thịnh vượng trong thời kỳ hậu đại dịch khi mà các nền tảng cho 3 thập kỷ tăng trưởng kinh tế gần như không bị gián đoạn và vẫn còn vững chắc.

“Việc triển khai tiêm phủ vắc xin nhanh chóng đã giúp đất nước dần mở cửa trở lại. Lãnh đạo các DN đã đưa ra những tín hiệu lạc quan và tự tin đối với môi trường thương mại và đầu tư bình thường mới của VN, thể hiện qua Chỉ số Môi trường kinh doanh của EuroCham (BCI) khi đã tăng 42 điểm lên 61 điểm vào tháng 1.2022”, ông Alain Cany dẫn chứng.

Tuy nhiên, vị này nhấn mạnh Chính phủ hiện đại là tiên phong định hướng dịch vụ công, vì vậy không có chỗ cho sự lãng phí nguồn lực hành chính. Do đó, cần tiếp cận nhanh chóng với các công nghệ đơn giản hóa quy trình, giảm chi phí và cho phép đổi mới. Ngoài ra, EuroCham cũng thúc giục VN thúc đẩy các quy trình kỹ thuật số hiệu quả để trao đổi hàng hóa và dịch vụ quốc tế.

Tương tự, ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội DN Mỹ (AmCham), bày tỏ “rất lạc quan về tương lai tại VN”. Ông nói: “Đại dịch đã nêu bật tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng quy mô lớn, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng, để duy trì tăng trưởng kinh tế và chuỗi cung ứng linh hoạt. Các thành viên của chúng tôi đánh giá cao các khoản đầu tư mà VN đang thực hiện để cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, bao gồm cảng, sân bay, đường bộ và cầu. Chúng tôi khuyến nghị các biện pháp bổ sung để hợp lý hóa thủ tục thông quan và các thủ tục hậu cần cảng khác, cũng như xem xét các thủ tục nhập cảnh linh hoạt hơn cho nhân viên vận chuyển hàng không”.

“Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng các ý kiến trên là tâm huyết, trách nhiệm và hiểu VN. Ông dẫn chứng tăng trưởng GDP quý 4/2021 đã hồi phục, đưa GDP cả năm tăng 2,58%, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm… Điều này càng có ý nghĩa hơn trong hoàn cảnh cùng lúc chúng ta thực hiện và đã bảo đảm an sinh xã hội cho hàng chục triệu người.

Thủ tướng nhìn nhận kết quả này bên cạnh nguyên nhân chính là sự lãnh đạo của Đảng khi linh hoạt, thay đổi tư duy và biện pháp phòng chống dịch, sự hưởng ứng của người dân và cộng đồng DN thì không thể không nhắc đến sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè, đối tác quốc tế với tinh thần “đồng cam cộng khổ”, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Thủ tướng khẳng định VN quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng, phối hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác.

Nhấn mạnh yêu cầu phục hồi nhanh, phát triển bền vững, Thủ tướng cho biết Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội với quy mô 350.000 tỉ đồng (khoảng trên 4% GDP) sẽ tập trung cho các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính như mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch bệnh; đảm bảo an sinh xã hội, việc làm; hỗ trợ phục hồi DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vào các dự án quan trọng, cấp thiết, có tính lan tỏa lớn; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, đối với hạ tầng, VN tập trung cho hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu…

Thủ tướng giao các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, phản hồi và xử lý các ý kiến, kiến nghị xác đáng tại diễn đàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giải quyết những tồn tại, hạn chế trong khâu thực thi, tháo gỡ các rào cản về thể chế, quy định pháp luật, hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng DN và các tổ chức quốc tế, thúc đẩy phát triển và phục hồi chuỗi sản xuất.

 

CHÍ HIẾU

TNO