23/11/2024

Vì sao xin làm cao tốc Khánh Hoà – Buôn Ma Thuột bằng 100% ngân sách trung ương?

Vì sao xin làm cao tốc Khánh Hoà – Buôn Ma Thuột bằng 100% ngân sách trung ương?

Thay vì xin 50% ngân sách trung ương (50% còn lại sẽ cân đối từ ngân sách địa phương và kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp theo hình thức đối tác công tư – PPP) như đã hứa, tỉnh Đắk Lắk xin luôn 100% ngân sách trung ương để đầu tư cao tốc này.

 

Vì sao xin làm cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột bằng 100% ngân sách trung ương? - Ảnh 1.

Quốc lộ 26 dù đã được nâng cấp nhưng đang khá nhỏ hẹp, nếu được đầu tư cao tốc Buôn Ma Thuột – Khánh Hòa, việc kết nối rừng và biển sẽ thuận lợi hơn – Ảnh: TRUNG TÂN

Ngày 21-2, ông Phạm Ngọc Nghị – phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk – cho biết Tỉnh ủy vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành trung ương xem xét, bố trí 100% vốn ngân sách trung ương để đầu tư dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột và giao tỉnh Đắk Lắk quản lý dự án đoạn qua địa phận tỉnh Đắk Lắk.

Văn bản do ông Nguyễn Đình Trung, bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, gửi Thủ tướng cho rằng dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đã được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng có văn bản báo cáo tiền khả thi của dự án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Theo đó, dự án sẽ đầu tư theo quy mô phân kỳ (4 làn xe, bề rộng nền đường 17m) với chiều dài khoảng 117,5km (trong đó, đoạn qua tỉnh Khánh Hòa khoảng 32,7km và qua tỉnh Đắk Lắk khoảng 84,8km), tổng mức đầu tư khoảng 21.935 tỉ đồng và đề xuất đầu tư theo hình thức đầu tư công.

Sau khi dự án hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước. Đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng.

Tuy nhiên, do tỉnh còn nhiều khó khăn, không thể cân đối ngân sách địa phương, nên xin được đầu tư dự án từ nguồn đầu tư công 100% ngân sách trung ương, khởi công trong giai đoạn 2021 – 2025.

Tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận giao cho tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Khánh Hòa là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý qua địa phận tỉnh (lộ trình từ km32+700 đến km117+500).

Trước đó, ngày 7-5-2021, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản gửi Thủ tướng xin trung ương 10.000 tỉ đồng để thực hiện dự án. Số còn lại 9.500 tỉ đồng tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa sẽ cân đối từ nguồn ngân sách của 2 địa phương và kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Trả lời về việc tỉnh “mới xin nửa vốn, nay xin toàn bộ”, ông Phạm Ngọc Nghị cho biết việc huy động vốn địa phương để làm một dự án lớn, đặc biệt quan trọng như cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột là không đảm bảo, khó khả thi.

“Khả năng ngân sách của tỉnh là rất khó nên đề nghị 50/50 nguồn trung ương và địa phương trước đây để làm PPP là không còn bảo đảm được. Nếu Thủ tướng đồng ý, phê duyệt cho 100% ngân sách trung ương thì tính khả thi của dự án sẽ tốt hơn”, ông Nghị nói.

Về việc trước đây tỉnh đã có phương án xây dựng các khu đô thị ven cao tốc để thực hiện ‘đổi đất lấy công trình’, ông Nghị nói lúc đó nguồn kinh phí hạn hẹp, Chính phủ và Bộ GTVT đề nghị như vậy để tạo vốn. Muốn có cao tốc này thì phải thực hiện phương án như vậy.

“Đến thời điểm này thì khá hơn, kinh phí trung ương đủ nguồn để bố trí. Bộ GTVT cũng đã đưa dự án cao tốc này vào kế hoạch trung hạn 2021-2025 nên khả năng xin được cấp vốn sẽ khả thi”, ông Nghị giải thích.

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, cao tốc này sẽ là tuyến đường chiến lược, có vai trò quan trọng trong việc đánh thức và khai thác tiềm năng du lịch sinh thái Tây Nguyên và kết nối Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ.

Đây còn là tuyến vận chuyển nông sản của vùng Tây Nguyên xuất khẩu đến các nước trên thế giới thông qua cảng biển Vân Phong (Khánh Hòa). Vì vậy, việc xây dựng tuyến đường sẽ đáp ứng việc kết nối, phát triển mạnh hơn nữa kinh tế Đắk Lắk nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung.

TRUNG TÂN

TTO