23/11/2024

Tăng tàu cá nằm bờ vì giá xăng dầu

Tăng tàu cá nằm bờ vì giá xăng dầu

Thường sau Tết Nguyên đán là thời điểm thuận lợi cho những chuyến đánh bắt xa bờ, hay gặp những mẻ cá lớn. Nhưng xăng dầu tăng giá khiến nhiều ngư dân phải tính lại việc ra khơi vì chi phí nhiên liệu chiếm hơn 50%.

 

 

Tăng tàu cá nằm bờ vì giá xăng dầu - Ảnh 1.

Ghe cá đậu tại cảng cá Phan Thiết, Bình Thuận chờ mua dầu để chuẩn bị cho chuyến biển mới – Ảnh: ĐỨC TRONG

Tại Cà Mau, Kiên Giang, không tiền xoay đủ chi phí cho một chuyến khơi xa, nhiều chủ đã neo tàu.

“Ra khơi lúc này sợ thua lỗ…”

Thông thường, trước ngày 21 (âm lịch) hằng tháng, ngư dân làm nghề tàu cá ở Cà Mau, Kiên Giang bắt đầu ra khơi đánh bắt cho kịp “con trăng”. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi tại các cửa biển lớn như Sông Đốc, Rạch Gốc, Khánh Hội… (Cà Mau) hay ở Kiên Giang thì nhiều tàu cá vẫn nằm bờ.

Ông Phan Văn Khánh, chủ 3 chiếc tàu hành nghề câu mực ở cửa biển Khánh Hội (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), cho biết giá dầu trên 20.000 đồng/lít thì mỗi chuyến đi biển 20 ngày tốn khoảng 60 triệu đồng/ghe nên ông sợ lỗ.

Ông Châu Minh Đảm, chủ tịch UBND xã Khánh Hội (huyện U Minh), cho hay do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên giá hải sản có giảm. Dù gần đây có tăng trở lại nhưng không thấm so với giá dầu tăng nên ông Đảm cho rằng nếu tình trạng này tiếp diễn kéo dài thì tàu cá ở địa phương nguy cơ nằm bờ ngày càng nhiều.

Ông Trương Văn Ngữ, chủ tịch Hội Nghề cá TP Rạch Giá (Kiên Giang), khẳng định giá xăng dầu lên thì người làm nghề tàu đánh cá ở Kiên Giang đã khó lại càng khó. Hộ nào chưa có đủ điều kiện thì bà con vẫn chờ giá xăng dầu giảm xuống mới tính đến chuyện ra khơi. Hộ nào có tàu, ghe đi lúc này cũng hy vọng tàu mang về nhiều tôm, cá để ổn định cuộc sống gia đình.

Tại Bình Thuận, ông Đỗ Văn Thanh – giám đốc Công ty TNHH Bích Thanh, đơn vị thu mua tại cảng cá Phan Thiết – cho hay mấy ngày qua giá dầu đã tăng mà còn khó tiếp cận. Trong khi đó, giá bán các mặt hàng hải sản ra thị trường lại giảm so với trước Tết.

Ông phân tích: “Trước Tết giá mực khoảng 120.000 đồng/kg nhưng giá dầu khoảng 17.500 đồng/lít. Còn nay giá mực giảm chỉ còn khoảng 100.000 đồng/kg nhưng giá dầu lại tăng hơn, muốn mua cũng khó”, nên ông Thanh lo lắng nhiều chủ ghe cá cho tàu nằm bờ, không còn hàng thu mua.

Còn bà Nguyễn Thị Nhất (chủ ghe Thanh Tú) cho biết chi phí mỗi chuyến biển bây giờ tăng 35% nhưng giá bán không tăng được. Bà Nhất tính toán: “Tổng phí tổn phát sinh thêm mỗi chuyến biển đối với cặp ghe cá khoảng 100 triệu đồng. Nếu trước khoản tiền này chia cho khoảng 20 bạn biển và chủ ghe thì nay chẳng còn. Đó là chưa tính đến chuyện chuyến ra khơi không đánh bắt được cá”.

Phải tìm cách thích ứng

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 năm trước đến nay ngư dân chưa nguôi ngoai thì đầu năm lại lao đao vì giá nhiên liệu tăng. Để ứng phó với tình hình giá dầu tăng cao, nhiều ghe cá ở TP Phan Thiết đang đánh bắt xa bờ phải kéo dài thời gian bám biển từ 20 – 30 ngày. Họ kết nối với các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá để thu mua kịp thời trên biển, tiết kiệm một phần nhiên liệu.

Ngư dân Hùng (ở phường Phú Tài, TP Phan Thiết) cho biết ghe cá của ông thường đánh bắt ở vùng biển Trường Sa. Mỗi chuyến đi tiêu thụ hơn 8.000 lít dầu, chiếm gần 140 triệu đồng, tăng khoảng 30% so với trước. Nhưng những năm gần đây, ngư trường không còn dồi dào nên ghe cá của ông phải vươn khơi xa hơn, đi dài ngày hơn. Ông than hiệu quả khai thác bây giờ không ổn định, giá hải sản bấp bênh nên nhiều ngư dân không mặn mà nữa.

Trước những khó khăn trên, nhiều ngư dân kiến nghị cơ quan chức năng cần có chính sách bình ổn giá xăng dầu, tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi mua sắm phương tiện, ngư cụ… để an tâm vươn khơi.

Ông Nguyễn Đình Triểu – phó chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) – đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, làm sao có chính sách hỗ trợ các hộ làm nghề khai thác biển. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang ảnh hưởng, gây nhiều khó khăn như hiện nay, ngư dân rất cần được hỗ trợ.

Miền Trung: nhiều tàu nằm bờ

Ngày 19-2, có mặt tại cảng cá Cửa Sót, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh ghi nhận hàng trăm tàu cá nằm bờ. Đây là cảng cá lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh, tàu cá các tỉnh lân cận như Quảng Bình, Nghệ An cũng cập cảng để bán hải sản. Ít có năm nào sau Tết tàu thuyền lại nằm bờ nhiều như năm nay, nguyên nhân do thời tiết xấu, cộng với giá dầu đang tăng cao.

Ông Lương Hồng Hải (49 tuổi, ngụ xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh), chủ tàu cá 350CV, cho biết sau Tết Nguyên đán đến nay, tàu của ông ra khơi được 3 chuyến thì 2 chuyến có lãi, 1 chuyến chỉ đủ trả tiền công.

Theo ông Hải, tàu của ông mỗi chuyến ra khơi khoảng 1 tuần nhưng do thời tiết không thuận lợi cộng với giá dầu tăng cao nên nay chỉ ra khơi khoảng 2 ngày rồi vào bờ.

“Giờ giá dầu tăng cao, trong khi do dịch COVID-19 nên giá hải sản không tăng, ra khơi chỉ xác định lỗ. Hơn nữa tôi có muốn ra khơi cũng không tìm được bạn thuyền vì thu nhập thấp nên không ai muốn đi”, ông Hải nói.

Ông Nguyễn Văn Tìm (47 tuổi, ngụ huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), cùng với gia đình 4 người có tàu hơn 70CV, chia sẻ: “3 ngày nay ra khơi không trúng mẻ hải sản nào cộng với việc giá dầu tăng nữa nên chuyến nào cũng lỗ. Cứ tình trạng như thế này thì cả gia đình tôi phải đưa tàu về quê neo đậu thôi”.

LÊ MINH

NGUYỄN HÙNG – CHÍ CÔNG – ĐỨC TRONG
TTO