23/11/2024

G7 tìm lối thoát cho khủng hoảng Ukraine

G7 tìm lối thoát cho khủng hoảng Ukraine

Căng thẳng Nga – Ukraine có diễn biến mới đáng chú ý vào cuối tuần qua, khi ngoại trưởng Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ra tuyên bố chung gồm 10 điểm.

 

G7 tìm lối thoát cho khủng hoảng Ukraine - Ảnh 1.

Các ngoại trưởng G7 chụp ảnh với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba (hàng sau, ngoài cùng bên trái), Cao ủy EU phụ trách an ninh và đối ngoại Josep Borrell (ngoài cùng bên phải) sau Hội nghị Ngoại trưởng G7 và bên lề Hội nghị An ninh Munich ở Đức vào hôm 19-2 – Ảnh: Reuters

“Chúng tôi kêu gọi Nga chọn con đường ngoại giao, giảm leo thang căng thẳng, thật sự rút quân khỏi khu vực gần biên giới Ukraine và tuân thủ đầy đủ các cam kết quốc tế bao gồm giảm thiểu rủi ro và minh bạch hóa các hoạt động quân sự”, ngoại trưởng các nước G7 (Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ) nêu trong tuyên bố chung hôm 19-2.

Trong tình huống khủng hoảng, điều không phù hợp nhất là phỏng đoán và giả định.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu bên lề Hội nghị An ninh Munich vào hôm 19-2.

Quan ngại sâu sắc

Các ngoại trưởng G7 cho biết họ “không thấy bằng chứng” cho thấy Nga đang giảm hoạt động quân sự gần biên giới với Ukraine và họ vẫn “quan ngại sâu sắc” về tình hình. G7 đề xuất “bước đầu tiên” là Nga cắt giảm các hoạt động quân sự gần biên giới như đã công bố và họ sẽ “đánh giá Nga dựa trên hành động của nước này”.

Các ngoại trưởng G7 nhắc lại cam kết tìm kiếm giải pháp hòa bình và ngoại giao cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh: “Mặc dù chúng tôi sẵn sàng tìm kiếm các giải pháp ngoại giao để giải quyết những lo ngại an ninh chính đáng, nhưng chắc chắn nếu Nga có bất kỳ hành động gây hấn nào đối với Ukraine thì họ sẽ chịu những hậu quả to lớn”.

Những hậu quả mà G7 cảnh báo bao gồm các biện pháp trừng phạt tài chính và kinh tế áp lên một loạt mục tiêu, gây ra những tổn thất “nghiêm trọng và chưa từng có” đối với nền kinh tế Nga. G7 nói thêm họ sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả mang tính phối hợp nếu Nga tấn công quân sự Ukraine.

Có thể thấy tuyên bố của các ngoại trưởng G7 đã nêu lên những quan ngại của các nước này, bày tỏ ủng hộ Ukraine, đưa ra đề xuất và cũng gửi thông điệp răn đe Nga. Tuy nhiên, họ chưa giải quyết được những lo ngại an ninh của Nga, trong đó có việc NATO mở rộng về phía đông.

Không chỉ các ngoại trưởng G7, một loạt chính khách các nước cũng ra các tuyên bố về cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine vào cuối tuần qua khi diễn ra Hội nghị An ninh Munich (Đức). Giữa lúc chưa tìm ra lối thoát cho khủng hoảng, có bên kêu gọi xuống thang căng thẳng, có bên tỏ ra thận trọng, nhưng cũng có bên tiếp tục đưa ra các dự báo khiến tình hình nóng thêm.

Hôm 19-2, Nhà Trắng lại cảnh báo Nga có thể tấn công Ukraine bất kỳ lúc nào và cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định triệu tập cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia vào ngày 20-2 để thảo luận về tình hình. Cùng ngày, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng tất cả các dấu hiệu cho thấy Nga “đang lên kế hoạch tấn công với quy mô toàn diện vào Ukraine”

Ukraine muốn hoà bình

Đến nay, không ai có thể nói chắc chắn chiến tranh sẽ nổ ra liên quan cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine hay không. Tuy nhiên, chắc chắn một bầu không khí căng thẳng và hồi hộp lo lắng đang phủ lên châu Âu. Những thông tin tình báo của phương Tây càng bơm thêm dầu vào lửa.

Phát biểu bên lề Hội nghị An ninh Munich, hôm 19-2 Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cảnh báo không nên giả định hoặc phỏng đoán các quyết định của Nga về Ukraine. “Chúng ta vẫn chưa biết liệu một cuộc tấn công đã được quyết định hay chưa. Tôi khẩn cấp kêu gọi tất cả các bên cần quan sát các diễn biến thật trên thực địa”, bà Baerbock nói.

Ngay cả Ukraine cũng không tin vào các thông tin tình báo của Mỹ. “Chúng tôi không nghĩ rằng chúng tôi cần phải hoảng sợ”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trước dàn khán giả gồm các quan chức cấp cao và các chuyên gia an ninh từ khắp nơi trên thế giới khi ông dự Hội nghị An ninh Munich.

Nhà lãnh đạo Ukraine cho biết “khó đánh giá” tình báo Mỹ, nhưng khẳng định ông “tin vào tình báo Ukraine, vốn hiểu được những gì đang diễn ra dọc theo biên giới của chúng tôi”.

Cũng tại hội nghị ở Munich, Tổng thống Zelensky kêu gọi các đồng minh bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga ngay bây giờ thay vì chờ đợi một “cuộc xâm lược”. “Chúng tôi không cần các biện pháp trừng phạt sau khi nền kinh tế sụp đổ và các khu vực của chúng tôi bị chiếm đóng”, Tổng thống Ukraine nói gay gắt.

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã gặp Tổng thống Zelensky bên lề hội nghị Munich và nói với ông: “Chúng tôi đánh giá nghiêm túc bất kỳ mối đe dọa nào đối với đất nước của ông”. Tuy nhiên, ông Zelensky đáp: “Chúng tôi hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra. Đây là vùng đất của chúng tôi. Và điều duy nhất chúng tôi muốn là hòa bình”.

Nga: Phớt lờ yêu cầu sẽ không có lợi

Điện Kremlin cho biết trong cuộc điện đàm ngày 20-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thảo luận về sự cần thiết phải đẩy mạnh tìm kiếm các giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng đang leo thang ở miền đông Ukraine.

Trước đó, hôm 19-2 Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian, trong đó ông Lavrov nhấn mạnh việc phương Tây phớt lờ các yêu cầu an ninh của Nga không có lợi cho sự ổn định ở châu Âu và các nơi khác.

Ngoại trưởng Lavrov nói rằng tất cả các nước cần tuân thủ các cam kết của họ để đảm bảo nguyên tắc “an ninh bình đẳng và không thể chia cắt”. Trước đó, Nga muốn phương Tây cam kết đưa các lực lượng NATO ra khỏi Đông Âu và không mở rộng sang Ukraine.

BẢO ANH
TTO