24/11/2024

Chuyên gia nêu câu hỏi: ‘Cứ đóng cửa thì biết bao giờ học sinh mới được đi học lại?’

Chuyên gia nêu câu hỏi: ‘Cứ đóng cửa thì biết bao giờ học sinh mới được đi học lại?’

Chuyên gia cho rằng Hà Nội nên mạnh dạn mở cửa trường học cho trẻ tới trường, bởi ‘nếu cứ cho học sinh nghỉ học thì không biết bao giờ trẻ mới được quay trở lại trường’.

 

 

 

Chuyên gia nêu câu hỏi: ‘Cứ đóng cửa thì biết bao giờ học sinh mới được đi học lại? - Ảnh 1.

Một trường tại Hà Nội bố trí ‘phòng dự phòng’ trong trường hợp có học sinh F0 – Ảnh: NAM TRẦN

 

UBND TP Hà Nội vừa đồng ý với đề xuất của Sở GD-ĐT Hà Nội hoãn cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 12 quận nội thành trở lại trường vào ngày 21-2.

Xoay quanh vấn đề có nên cho học sinh lớp 1 đến lớp 6 quay trở lại trường, có nhiều ý kiến trái chiều. Một số phụ huynh tỏ ra lo lắng, số khác mong con được sớm tới trường.

Phụ huynh phản ứng khác nhau

Có con nhỏ đang học lớp 4 tại một trường thuộc nội thành Hà Nội, anh Phạm Quốc Bảo (38 tuổi, ngụ Thanh Xuân) cho rằng hiện tại gia đình đã sẵn sàng chuẩn bị mọi phương án cho việc học của con, kể cả học trực tiếp hay online.

Chuyên gia nêu câu hỏi: ‘Cứ đóng cửa thì biết bao giờ học sinh mới được đi học lại? - Ảnh 2.

Học sinh một trường THCS tại Gia Lâm (Hà Nội) quay trở lại trường học – Ảnh: NAM TRẦN

“Về việc học trực tuyến, mình có thể lo được việc này vì mình đã quen với việc trang bị thiết bị và lớp học online cho con.

Con đang học khá tốt nên mình thấy thế này cũng yên tâm, khi tới trường các bạn còn quá nhỏ để tự lo cho bản thân dù đơn giản từ cái khẩu trang. Bạn nhà mình là con trai thích đá bóng và đùa nghịch thì dễ vứt khẩu trang đi nên mình vẫn muốn con học online tại nhà trong thời gian tới” – anh Bảo nói.

Có hai con nhỏ đều trong độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 6, anh T.T.P. (sinh sống tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng nên sớm cho các con trở lại trường học trực tiếp.

Theo anh P., hiện nay dịch bệnh tại Hà Nội đang diễn biến phức tạp, trong thời gian vừa qua mỗi ngày có trên 3.000 ca COVID-19. Vì vậy, bất kỳ người dân nào cũng có khả năng trở thành F0.

“Số lượng trẻ em mắc COVID-19 cũng tăng cao, không chỉ những trẻ em được đến trường mà nhiều trẻ em ở nhà cũng bị lây nhiễm từ người thân (bố mẹ, ông bà) hoặc hàng xóm.

Do vậy, không có căn cứ để xác định rằng trẻ em ở nhà có nguy cơ lây nhiễm ít hơn trẻ đi học, nếu ở trường học tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng dịch” – anh P. nêu quan điểm.

Nếu tiếp tục duy trì việc học online, anh P. lo ngại sẽ gây nên hệ quả xấu cho các con, đơn cử như việc tiếp thu kiến thức không tốt, ảnh hưởng đến sức khỏe, nguy cơ các con tiếp cận các trang web đen, đồi trụy là rất lớn, khả năng bị mắc bệnh tự kỷ tăng cao.

Với cương vị là một phụ huynh, anh P. mong muốn các cơ quan chuyên môn cần phải đánh giá đầy đủ và chính xác tình hình dịch bệnh và khả năng lây nhiễm, chống chọi của từng lứa tuổi.

“Giải pháp phòng chống dịch COVID-19 cần phải đồng bộ. Nếu đã chấp nhận mở cửa phát triển kinh tế và chấp nhận miễn dịch cộng đồng thì cũng cần chấp nhận trẻ em có thể bị nhiễm COVID-19.

Quan trọng là phải phân tích tỉ lệ trở nặng cũng như khả năng miễn dịch của trẻ đối với virus này như thế nào” – anh P. mong muốn.

“Cứ đóng cửa thì bao giờ học sinh mới được quay lại trường?”

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) – cho rằng nếu cứ dựa vào lý do tình hình dịch phức tạp mà không cho trẻ tới trường thì không biết lúc nào các em mới được đi học.

Chuyên gia nêu câu hỏi: ‘Cứ đóng cửa thì biết bao giờ học sinh mới được đi học lại? - Ảnh 3.

Phòng dịch ở trường nếu thực hiện tốt, chuyên gia cho rằng nguy cơ lây nhiễm COVID-19 có thể thấp hơn ở nhà – Ảnh: NAM TRẦN

“Mình đã nới lỏng, đã mở cửa, mà càng nới lỏng thì số ca mắc sẽ còn tăng cao. Thay vì cấm đoán để kiểm soát rủi ro thì nên tăng cường các biện pháp dự phòng, việc này vô cùng quan trọng.

Nếu cứ dịch tăng cao là cho nghỉ thì sẽ gián đoạn việc học của các cháu, rủi ro không đi học sẽ lớn hơn nhiều so với rủi ro của việc mắc COVID-19.

Bây giờ số ca mắc trong cộng đồng đã rất cao, trẻ ở nhà cũng có nguy cơ dương tính, nếu nhà trường phòng dịch tốt thì tôi nghĩ đi học có khi nguy cơ lây nhiễm còn thấp hơn ở nhà” – ông Phu nói.

Về những lo lắng của phụ huynh khi cho trẻ tới trường, ông Phu trấn an: “Khi thích ứng, sống chung với dịch bệnh, chúng ta nên chấp nhận trong nhà trường cũng có ca nhiễm. Cũng không nên quá lo lắng, đa phần trẻ mắc bệnh đều có triệu chứng nhẹ, nên cho các em tới trường.

Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần phối hợp tốt với nhà trường, y tế địa phương để xử lý tốt khi con em mình bị F0. Ví dụ trẻ bị nhẹ thì cứ yên tâm điều trị tại nhà, nếu có dấu hiệu trở nặng thì phải kịp thời đưa trẻ tới cơ sở y tế để theo dõi, điều trị”.

PGS.TS Trần Đắc Phu mong muốn các bậc phụ huynh nên có ý thức phòng dịch cho các con, không chỉ ở trường học mà cả ở gia đình.

PGS.TS Hoàng Bùi Hải – phó giám đốc Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) – cho rằng thời gian vừa qua có nhiều ca COVID-19 hơn, tuy nhiên đa số đều ở thể nhẹ.

“Phần lớn trẻ khi bị F0 chỉ sốt vài ngày là hết, tỉ lệ trẻ chuyển nặng rất thấp.

Là một người làm trong lĩnh vực y tế, đồng thời tôi cũng có con trong độ tuổi tới trường, bản thân tôi cũng mong muốn con mình được đi học” – ông Hải nói.

Ông Hải cho biết mình đồng cảm và thấu hiểu với những lo lắng của một số phụ huynh khi cho trẻ tới trường thời điểm này. Tuy nhiên, đây là thời điểm để phụ huynh chuẩn bị tâm lý để sẵn sàng cho việc trẻ tới trường trong thời gian tới.

PHẠM TUẤN
TTO