24/12/2024

Chi tiền triệu xét nghiệm nhanh COVID-19 định kỳ, có cần thiết?

Chi tiền triệu xét nghiệm nhanh COVID-19 định kỳ, có cần thiết?

Ngày 18-2, số mắc COVID-19 cả nước lập đỉnh với 42.200 ca mới. Ca nhiễm tăng cao khiến nhu cầu tự test nhanh của người dân tăng lên. Nhiều người đã chi hàng triệu đồng để test nhanh định kỳ cho bản thân và gia đình. Việc này có cần thiết?

 

 

Chi tiền triệu xét nghiệm nhanh COVID-19 định kỳ, có cần thiết? - Ảnh 1.

Theo khảo sát, giá kit xét nghiệm nhanh COVID-19 ở nhiều địa phương bình ổn hoặc có tăng nhưng không nhiều (chỉ tăng 5.000 – 10.000 đồng/kit). Hình ảnh là bộ xét nghiệm nhanh có nguồn gốc Hàn Quốc có giá 80.000 đồng/kit – Ảnh: XUÂN MAI

Giá test xét nghiệm tăng nhẹ, “cháy hàng”

Theo ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ Online sáng 19-2 tại một số cửa hàng thuốc trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Đông (Hà Nội), giá bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 không tăng ồ ạt, một số loại chỉ tăng nhẹ 5.000 – 10.000 đồng/bộ dù số ca COVID-19 những ngày qua trên địa bàn luôn cao nhất nước.

Theo đó, trung bình giá kit xét nghiệm nhanh dao động từ 50.000 – 100.000 đồng tùy loại. So với thời điểm dịch còn “ổn” ở Hà Nội, giá bộ xét nghiệm nhanh có tăng nhưng không nhiều. Tuy nhiên do nhu cầu sử dụng bộ xét nghiệm nhanh tăng cao khiến chi phí test nhanh tăng lên.

Còn tại TP.HCM, một tiệm thuốc tây trên đường Dương Quang Trung (quận 10) giới thiệu kit xét nghiệm nhanh nguồn gốc từ Hàn Quốc có giá 95.000 đồng/bộ, hàng Singapore là 75.000 đồng/bộ. Nếu mua một hộp (20 kit) sẽ được giảm 5.000 – 10.000 đồng/hộp.

Cũng là bộ xét nghiệm nhanh có nguồn gốc Hàn Quốc nhưng tại tiệm thuốc tây trên đường Hòa Hảo (quận 10) có giá 80.000 đồng/kit. Nhân viên tiệm thuốc này cho biết chỉ bán kit xét nghiệm lẻ, không bán sỉ vì mặt hàng này đang bán chạy và hiện chưa có nguồn hàng về.

Tương tự Hà Nội, giá bộ xét nghiệm nhanh tại TP.HCM vẫn bình ổn và ghi nhận có nhu cầu người dân sử dụng kit xét nghiệm nhanh nhiều hơn.

Chi tiền triệu xét nghiệm nhanh COVID-19 định kỳ, có cần thiết? - Ảnh 2.

Xét nghiệm nhanh cho trẻ em TP.HCM hồi tháng 6-2021 – Ảnh: XUÂN MAI

Tốn tiền triệu để test nhanh định kỳ, có cần thiết?

Từ khi học sinh THPT trở lại trường, chị Nguyễn Thị Thơm (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã tốn hơn 1 triệu đồng mua bộ xét nghiệm nhanh. Do tâm lý lo lắng con mắc COVID-19 trong những ngày đầu con trở lại trường học, ngày nào chị Thơm cũng test cho con.

“Mỗi que test nhanh là 70.000 đồng, ngày nào con đi học về tôi cũng test cho con để chắc chắn con chưa bị nhiễm bệnh. Do gia đình bán hàng tạp hóa, tiếp xúc với nhiều người nên một tuần, gia đình gồm 5 người lại test nhanh một lần. Tôi nghĩ việc test nhanh là cần thiết vì hiện tại ở Hà Nội đang rất nhiều F0, cẩn thận vẫn hơn”, chị Thơm chia sẻ.

Cũng như chị Thơm, nhiều người dân tại Hà Nội đang “sống chung” với dịch cũng dự trữ kit xét nghiệm nhanh trong tủ thuốc gia đình để test định kỳ.

Anh Trương Văn Sơn (quận Hà Đông, Hà Nội) vừa mua một hộp test nhanh 20 bộ với giá hơn 1 triệu đồng. “Cũng xót ruột lắm nhưng công việc của tôi tiếp xúc với nhiều người nên vẫn phải mua. Cứ 3 ngày tôi lại test nhanh một lần để yên tâm, nếu dương tính còn cách ly để không lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình”, anh Sơn nói.

Dù số ca nhiễm tại TP.HCM những ngày qua đã giảm, nhưng nhiều phụ huynh vẫn lo lắng vì con họ trở lại trường học trực tiếp. Chị Kim Ngân (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) là một trong số đó. Từ ngày con gái út (học lớp 2) đến trường, chị cứ thấp thỏm, lo lắng con có thể nhiễm COVID-19.

Chị Ngân đã mua một hộp kit xét nghiệm giá hơn 1,5 triệu đồng để xét nghiệm định kỳ cho con cũng như các thành viên trong gia đình. “Trước giờ mua 3-4 que thôi. Từ lúc con nhỏ đến trường lại, tôi mua một lúc nhiều que cho tiện và an toàn, chứ chi phí test như thế là cao”, chị Ngân nói.

Tuy nhiên, việc test nhanh COVID-19 định kỳ có cần thiết hay không? Ông Nguyễn Văn Thường – giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) – cho rằng việc này gây tốn kém và không cần thiết.

“Chúng ta chỉ cần test nhanh COVID-19 trong hai trường hợp: thứ nhất là có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 như ho, sổ mũi, đau họng, sốt…; thứ hai là khi có yếu tố dịch tễ rõ ràng, là khi chúng ta có tiếp xúc với F0.

Hiện chúng ta đã mở cửa và thích nghi linh hoạt với dịch bệnh COVID-19. Thay vì test thường xuyên để biết mình có nhiễm bệnh hay không, người dân nên tuân thủ khuyến cáo 5K và chấp hành tốt quy định cách ly khi là F0, F1”, ông Thường khuyến cáo.

ThS.BS Đỗ Cao Vân Anh – phó trưởng bộ môn nhiễm Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) – cho rằng việc tự test nhanh là quyền của người dân.

Tuy nhiên, việc test nhanh chỉ có hiệu quả khi người dân có triệu chứng nghi ngờ. Bên cạnh đó, khi test cần đưa que đến vùng tỵ hầu thì khả năng “tìm” virus mới cao. Nếu chỉ dùng que ngoáy vùng mũi trước thì không hiệu quả.

“Khi người dân xét nghiệm nhanh nhiều lần nhưng chưa đúng cách thì không những không đạt hiệu quả mà còn gây tốn kém không cần thiết”, ThS.BS Vân Anh chia sẻ.

Chi tiền triệu xét nghiệm nhanh COVID-19 định kỳ, có cần thiết? - Ảnh 3.

Kit xét nghiệm COVID-19 nhanh tràn lan trên chợ mạng – Ảnh: D.LIỄU chụp màn hình

Cẩn trọng với bộ xét nghiệm nhanh “xách tay” trên chợ mạng

Trên mạng xã hội, nhiều tài khoản rao bán kit test nhanh với giá từ 50.000 – 90.000 đồng. Nhiều loại kit xét nghiệm nhanh không nằm trong danh mục được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Tài khoản K.A. đăng tải với nội dung: “Kit test nhanh của Thổ Nhĩ Kỳ về, giá 60.000 đồng/kit, 1 hộp 20 kit”.

Ngoài ra, nhiều tiểu thương quảng cáo các loại kit xét nghiệm nhanh được “xách tay” từ Đức, Singapore, Pháp… kèm theo lời đảm bảo “cam kết hàng chuẩn”. Tuy nhiên khi được hỏi về các giấy tờ nguồn gốc liên quan thì các tiểu thương đều từ chối. “Em bán hàng trăm kit từ đầu mùa dịch đến giờ rồi, chưa kit nào hỏng hay nhòe, chị cứ yên tâm”, tiểu thương này trấn an.

Bộ xét nghiệm nhanh được bán trên chợ mạng có vẻ giá rẻ hơn so với các hiệu thuốc từ 5.000 – 10.000 đồng/kit. Còn về chất lượng thì “hên xui”.

Anh T.T. mua 10 kit test nhanh trên chợ mạng với giá 60.000 đồng/kit. Tuy nhiên khi test thì hai vạch bị nhòe mực, không rõ là âm tính hay dương tính. Anh T. cảnh báo: “Tốt nhất mọi người nên ra nhà thuốc mua, nếu có lỗi do nhà sản xuất còn bắt đền được chứ mọi người đừng ham rẻ mà mua trên chợ mạng”.

ThS.BS Vân Anh nhấn mạnh, kit xét nghiệm nhanh nào cũng cần phải có độ nhạy và độ đặc hiệu tốt. Bà khuyến cáo, người dân không mua kit xét nghiệm trôi nổi, trên mạng xã hội vì “không ai đảm bảo được chất lượng”.

Theo ông Thường, người dân nên tự trở thành người tiêu dùng thông minh. “Hiện nay thông tin đại chúng đã nói rất nhiều. Bộ Y tế đã cấp phép cho những loại kit test nhanh nào chỉ cần tìm kiếm là biết được. Người dân nên mua tại các hiệu thuốc uy tín và các loại kit test nhanh có trong danh mục được Bộ Y tế cấp phép tại Việt Nam”, ông Thường khuyến cáo.

DƯƠNG LIỄU – XUÂN MAI
TTO