24/12/2024

An ninh năng lượng: Đừng chỉ phụ thuộc Nghi Sơn

An ninh năng lượng: Đừng chỉ phụ thuộc Nghi Sơn

Nhiều chuyên gia cho rằng việc phụ thuộc vào nguồn cung từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh năng lượng, đồng thời đề nghị có chế tài trách nhiệm của nhà máy này với nhà mua hàng.

 

 

An ninh năng lượng: Đừng chỉ phụ thuộc Nghi Sơn - Ảnh 1.

Quang cảnh Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hoá – Ảnh: TL

Theo thông tin từ Bộ Công thương, sau khi được Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) bổ sung tạm thời về tài chính, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã nâng công suất hoạt động nhưng cũng chỉ sản xuất với công suất khoảng 60% và dự kiến sẽ nâng dần công suất lên 85% từ ngày 12-3 và lên mức 100% từ ngày 15-3. Tuy nhiên, việc duy trì sản xuất này chỉ mang tính “tạm thời” đến khoảng tháng 5-2022.

Chờ Nghi Sơn, phải mua xăng dầu giá cao

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Duy Đông, vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho hay với công suất vận hành hiện nay là 55%, tiến độ giao hàng của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn trong tháng 2 cũng chưa được bổ sung hoàn toàn và kịp thời theo nhu cầu của thị trường. Do đó, dù tình hình có cải thiện hơn nhưng thị trường xăng dầu vẫn chưa thể “hoàn toàn chấm dứt tình trạng có nơi thiếu hàng cục bộ”.

“Một nhà máy lọc dầu chiếm 35% thị phần, giảm công suất xuống 55-60% thì thị trường thiếu hụt là đương nhiên. Chúng tôi đã làm việc với PVN, chờ đến cuối tháng 3, khi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn có câu trả lời rõ ràng về kế hoạch vận hành của Nghi Sơn sau thời điểm tháng 5 để có sự chủ động hơn về nguồn, tránh phụ thuộc và trông chờ hoàn toàn vào nhà máy này” – ông Đông nói.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Bùi Ngọc Bảo, chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho rằng việc khôi phục sản xuất của Nghi Sơn chỉ được đảm bảo đến tháng 5-2022 nên cần phải có một “câu trả lời rõ ràng” để có giải pháp tổng thể. Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn dừng sản xuất hay tiếp tục kế hoạch cung ứng cũng cần phải có thông báo rõ ràng để các doanh nghiệp phân phối có sự chủ động phương án nhập khẩu, tạo nguồn thay thế vì để cận ngày lại nói “không có” sẽ tiếp tục gây nên nguy cơ đứt gãy hệ thống.

Cũng theo ông Bảo, thông thường các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn đều có kế hoạch kinh doanh bài bản. Trên cơ sở đánh giá tình hình nhu cầu thị trường và giá cả, các doanh nghiệp này sẽ đàm phán để có giá tốt với những hợp đồng dài hạn, chiếm từ 40-50% lượng mua vào.

Các hợp đồng mua theo quý sẽ chiếm từ 20-30%, còn lại tỉ lệ nhỏ hơn sẽ mua theo chuyến. “Nếu nguồn cung bị đứt gãy mà không xác định rõ thời gian thì sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch cung cấp hàng, khi chuyển hướng nhập khẩu sẽ phải chấp nhận mua giá cao và bị ép giá”, ông Bảo nói.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), khi thừa xăng dầu thì Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đề xuất hạn chế nhập khẩu. Và khi thị trường có biến động mạnh về nguồn cung, giá cả thì nhà máy này lại kêu khó khăn về tài chính và giảm công suất, dừng hoạt động là điều không thể chấp nhận được.

“Cần có hướng xử lý rõ ràng hơn, rút kinh nghiệm khi thực hiện liên doanh liên kết, đặc biệt liên quan đến những mặt hàng quan trọng, ảnh hưởng tới an ninh năng lượng. Qua đây cũng phải khuyến nghị với doanh nghiệp mua xăng dầu cần có hợp đồng chặt chẽ hơn, sử dụng công cụ bảo hiểm để tránh rủi ro từ nhà cung cấp”, ông Long nói.

Cần ràng buộc trách nhiệm lớn hơn

Chia sẻ trước đó, ông Trần Ngọc Năm, phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cho hay theo hợp đồng, sản lượng mà Petrolimex mua của Nghi Sơn chiếm từ 50-80% trong tổng sản lượng. Tuy nhiên, nhà máy này chỉ cung cấp được 30% và tăng lên hơn 60% trong tháng 3 nên Petrolimex phải nhập khẩu để bù vào. Tuy vậy, các nhà cung cấp không phải có sẵn lượng hàng khi doanh nghiệp này có nhu cầu mua tăng thêm.

“Khi mình tăng nhu cầu, khả năng đáp ứng của họ cũng có mức độ. Nói là nhập khẩu nhưng cũng có khó khăn nhất định. Mình cần hàng gấp nên sẽ bị ép giá, mà nhập giá cao sẽ bị lỗ. Chúng tôi đang phải sử dụng nguồn lực của mình để can thiệp vào thị trường, là trách nhiệm doanh nghiệp nhà nước nhưng nhiều rủi ro. Khi nhu cầu tăng, chúng tôi tiếp tục nhập khẩu. Nếu giá xăng dầu thế giới đảo chiều giảm, chúng tôi sẽ chịu rủi ro lớn vì đã nhập khẩu lúc giá cao”, ông Năm chia sẻ.

Một lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối chiếm thị phần lớn tại TP.HCM cũng chia sẻ là đang “chết dở” khi chuyển hướng nhập khẩu sau khi Nghi Sơn đứt nguồn cung, phải chịu mua với giá cao, trong khi việc điều chỉnh giá bán lẻ trong nước có hạn và theo chu kỳ. Việc mua được nguồn xăng dầu từ các nước có ưu đãi thuế (nhập xăng dầu trong ASEAN theo form D – PV) là rất khó do nguồn này có hạn. “Dù mua giá cao nhưng hàng về rải rác từng tàu, không kịp đáp ứng nhu cầu thị trường”, vị này nói.

Một chuyên gia xăng dầu cho biết trong khi phải bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, PVN lại không có quyền hạn trong vận hành nhà máy hay điều hành sản xuất trực tiếp nên trách nhiệm của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn với các nhà mua hàng bị hạn chế. “Cơ chế mua bán này không chỉ khiến cho các doanh nghiệp mua hàng từ nhà máy này bị thua thiệt mà còn ảnh hưởng lớn tới cung cầu thị trường trong trường hợp nhà máy giảm cung, đứt đoạn sản xuất như vừa qua…”, vị này nói.

Ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng là một trong những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu trên thị trường nên cần thực hiện các nghĩa vụ cam kết với nhà mua hàng. Việc dừng hoạt động đột ngột vì lý do khó khăn về tài chính là “không chấp nhận được”. “Doanh nghiệp này cũng phải hoạt động theo cơ chế thị trường, phải chịu chế tài phù hợp, không thể giảm sản lượng với lý do khó khăn về tài chính mà bắt các doanh nghiệp, người dân phải chiều theo được”, ông Bảo nói.

PVN phải bù chênh lệch nếu VN giảm thuế nhập xăng

Theo thỏa thuận, Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) được áp giá bán buôn các sản phẩm tại cổng nhà máy bằng giá xăng dầu nhập khẩu và còn được cộng thêm thuế nhập khẩu là 7% với xăng và 3% với sản phẩm hóa dầu.

Đặc biệt, nếu Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xuống mức thấp hơn mức ưu đãi trên, PVN sẽ có trách nhiệm bù cho NSRP số tiền chênh lệch này trong 10 năm. Ngoài ra, NSRP còn được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho cán bộ, nhân viên làm việc tại Khu kinh tế Nghi Sơn…

Trong khi đó, theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) mà Việt Nam tham gia cam kết, mức thuế nhập khẩu xăng sẽ giảm xuống 5% vào năm 2023 và về 0% vào năm 2025.

3 năm, lỗ hơn 3,3 tỉ USD

Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn được triển khai tại Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), với sự góp vốn của PVN cùng ba đối tác nước ngoài là Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait – KPE, Công ty Idemisui Kosan Nhật Bản – IKC và Công ty hóa chất Mitsui Nhật Bản – MCI). Trong đó, số vốn góp của PVN chỉ chiếm 25,1%, thấp hơn nhiều so với 2 đối tác liên doanh.

Được đưa vào vận hành thương mại từ ngày 14-11-2018, nhưng đây là lần thứ 2 Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn phải giảm sản lượng sản xuất. Trước đó, vào năm 2019, nhà máy này cũng từng giảm sản lượng khi gặp sự cố về phát điện. Và theo thông tin của Tuổi Trẻ, tổng lỗ lũy kế của Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) trong 3 năm, kể từ khi vận hành thương mại (năm 2018) đến nay, là 3,3 tỉ USD.

Nguồn tin này cũng khẳng định tình hình tài chính của NSRP khá căng thẳng và những khó khăn về tài chính là nguyên nhân chính gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của NSRP. Bên cạnh mức lỗ hằng năm lên tới hàng tỉ USD, NSRP đang phải chịu sức ép trong khấu hao và trả lãi các khoản vay nên thiếu dòng tiền để hoạt động sản xuất kinh doanh.

Và đầu năm 2022, PVN đã phải cấp tiền hỗ trợ tài chính ngắn hạn cho đơn vị này để đảm bảo cho hoạt động đến tháng 5-2022 thông qua gia hạn thỏa thuận (cơ chế RPA) và thanh toán sớm hợp đồng bao tiêu sản phẩm (FPOA) để cải thiện dòng tiền. Tuy vậy, PVN nhấn mạnh: “Theo điều lệ công ty, ban điều hành NSRP phải chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm công tác nhập dầu thô và công suất vận hành nhà máy…”.

NGỌC AN
TTO