25/12/2024

Không ngồi yên chờ xây cầu, làm đường

Không ngồi yên chờ xây cầu, làm đường

Trong thời gian chờ các dự án giao thông trọng điểm về đích, hoàn thiện khung hạ tầng, TP.HCM đang từng bước chuyển đổi kết cấu phương tiện nhằm giảm thiểu ùn tắc và ô nhiễm môi trường.

 

 

Chuyển hướng giao thông xanh

UBND TP.HCM vừa có văn bản đồng ý chủ trương thí điểm 5 tuyến xe buýt trên địa bàn TP.HCM theo đề xuất trước đó của Sở GTVT. Theo phương án từ phía nhà đầu tư là Tập đoàn Vingroup, sẽ có 5 tuyến xe buýt điện được mở mới, khoảng 77 xe được đầu tư, mỗi xe 65 – 70 chỗ (đứng, ngồi), chạy bằng điện; hoạt động 5 – 21 giờ mỗi ngày. Nhà đầu tư dự kiến sử dụng vé điện tử và đầu tư trung tâm điều khiển, phần mềm quản lý trực tuyến, giám sát tài xế… trên các tuyến. Sở GTVT TP.HCM đánh giá việc mở mới tuyến xe buýt sử dụng năng lượng điện nhằm góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, đa dạng hóa phương tiện xe buýt sử dụng năng lượng sạch, phù hợp với các chủ trương, chính sách của Chính phủ và TP.

Không ngồi yên chờ xây cầu, làm đường - ảnh 1
Xe buýt điện Vinfast chạy thử nghiệm tại TP.HCM  VG

Trước đó, TP.HCM cũng đã tổ chức thí điểm 3 tuyến buýt điện loại 12 chỗ do doanh nghiệp khai thác phục vụ khách tham quan, dân cư ở Q.1 và khu Phú Mỹ Hưng, Q.7. Đồng thời, TP vừa chấp thuận thí điểm 2 năm cho ô tô dưới 15 chỗ chạy bằng điện ở H.Cần Giờ, chở khách đến các khách sạn, khu du lịch theo hình thức hợp đồng, du lịch.

Đáng chú ý, Sở GTVT TP cùng các đơn vị tư vấn vừa họp khởi động nghiên cứu kế hoạch phát triển GTVT bằng phương tiện giao thông điện tại TP.HCM. Sau khi khảo sát thực trạng tại 8 TP lớn, dựa vào những cơ hội và thách thức, đơn vị tư vấn đã chọn TP.HCM là địa phương khởi nguồn để triển khai nghiên cứu xây dựng kế hoạch phát triển phương tiện giao thông điện, từ đó mở rộng ra các địa phương khác.

GS-TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Bách khoa Hà Nội – Trưởng nhóm tư vấn, đánh giá tỷ lệ đất dành cho giao thông hiện ở mức thấp, chỉ đạt 12,2%, tốc độ phát triển hạ tầng khá chậm và có giới hạn. Trong khi đó, số lượng phương tiện có xu hướng ngày càng tăng, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đòi hỏi bắt buộc phải có sự thay đổi. Song, thời gian để chờ đợi các dự án xây cầu, làm đường quá lâu, hạ tầng không thể theo kịp sự tăng trưởng của phương tiện. Do đó, TP bắt buộc phải nghĩ cách chuyển sang phương tiện xanh sạch.

Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Hòa An cũng khẳng định mục tiêu giảm khí thải từ giao thông, phát triển giao thông xanh là chủ trương chung của TP.HCM. Từ thí điểm xe đạp công cộng cho tới hệ thống xe buýt điện, ngành giao thông TP đang từng bước đa dạng nhiều loại hình để thực hiện chủ trương này, song song với quá trình hoàn thiện khung kết cấu hạ tầng. Những phương tiện giao thông công cộng (GTCC) xanh không chỉ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân trong hoạt động GTVT mà còn góp phần từng bước chuyển đổi nhu cầu di chuyển của người dân TP từ phương tiện cá nhân sang phương tiện GTCC.

“Thay máu” xe buýt

Trong bối cảnh các dự án trọng điểm chật vật gỡ vướng từ vốn tới cơ chế, GTCC không ít lần được kỳ vọng “tạo phép màu” cho hệ thống giao thông đang quá tải nghiêm trọng của TP có mật độ dân số lớn nhất cả nước. Thế nhưng, những đề án quan trọng “thay máu” mạng lưới GTCC nâng lên đặt xuống mãi chưa thể triển khai, cùng hệ thống xe buýt ngày càng èo uột đang khiến người dân TP mất dần hy vọng.

Mới đây nhất, việc Sở GTVT TP.HCM tiếp tục xin hoãn tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên ngay trước thềm khai trương vì sợ “ế”. May mắn, sau khi rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) và Sở GTVT TP.HCM đã thống nhất đề xuất UBND TP.HCM không ngưng dự án buýt nhanh BRT mà chuyển sang làm tuyến buýt xanh chất lượng cao. Theo đó, tuyến buýt xanh sẽ sử dụng phương tiện nhiên liệu sạch (CHG hoặc xe điện), chất lượng cao (có đầy đủ dịch vụ wifi, hệ thống soát vé thông minh có tích hợp với metro trong tương lai). TP.HCM sẽ không triển khai làn đường riêng mà tổ chức đường ưu tiên, có thể khai thác thêm các loại phương tiện công cộng khác hoặc linh động ưu tiên theo giờ. Với việc chuyển đổi mô hình này, TP.HCM sẽ giảm đầu tư mua sắm đội xe và một số công trình hạ tầng phục vụ đội xe. Điều này giúp TP dư được 480 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư đã tính toán trước đó. Số tiền trên sẽ được xoay vòng đầu tư cho những công trình phục vụ GTCC cấp bách hơn.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, thừa nhận hệ thống GTCC mà điển hình là xe buýt đang ngày càng thất thế. Quy hoạch của TP.HCM cần 8 tuyến metro, 6 tuyến BRT mới đảm đương được lượng khách như mong muốn. Không thể kỳ vọng 1 tuyến buýt nhanh hay 1 tuyến metro lẻ loi có thể thay đổi cục diện, đạt hiệu quả cao ngay khi đưa vào vận hành.

“Nhưng, không có tuyến 1 làm sao có tuyến 2, tuyến 3? Chờ cho đủ lượng khách đi mới làm thì chờ đến bao giờ? Nếu không cho người dân lựa chọn mới thì không thể vận động họ rời bỏ phương tiện cá nhân. Song song với tuyến buýt xanh này, đề án tái cấu trúc mạng lưới xe buýt cũng cần nhanh chóng đồng bộ. Nếu các dự án quan trọng cứ liên tục xin lùi thì người dân sẽ dần mất niềm tin vào quyết tâm thay đổi bộ mặt đô thị của TP.HCM. Dù khó cũng phải cố gắng làm, không thể lùi mãi được!”, ông Phúc khẳng định.

 

THANH NIÊN

TNO