25/12/2024

Đề xuất 6.600 tỉ đồng hỗ trợ 3 tháng tiền trọ cho người lao động

Đề xuất 6.600 tỉ đồng hỗ trợ 3 tháng tiền trọ cho người lao động

Người lao động đang phải thuê nhà, ở trọ được hỗ trợ 500.000 – 1.000.000 đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng. Điều kiện là người lao động có BHXH trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm.

 

Đề xuất 6.600 tỉ đồng hỗ trợ 3 tháng tiền trọ cho người lao động - Ảnh 1.

Nhiều công nhân tại KCN Thăng Long (Hà Nội) sống trong nhà trọ từ 5 – 10m2 có giá từ 500.000 – 1.000.000 đồng/tháng – Ảnh: HÀ QUÂN

Bộ Lao động – thương binh và xã hội đang lấy ý kiến rộng rãi chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Đối tượng áp dụng là lao động khu vực chính thức, có đóng bảo hiểm xã hội. Tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 6.600 tỉ đồng từ ngân sách trung ương.

Về hỗ trợ lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, bộ đề xuất mức 500.000 đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng. Điều kiện là người làm việc tại các khu công nghiệp, chế xuất, vùng kinh tế trọng điểm; đang thuê trọ từ ngày 1-1-2022 đến 30-6-2022.

Người được hỗ trợ phải có hợp đồng lao động ký trước ngày 1-1-2022, đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước lúc doanh nghiệp lập danh sách đề nghị hỗ trợ.

Chính sách hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng/người, tối đa 3 tháng áp dụng cho người đi làm trở lại. Những người này phải làm trong khu công nghiệp, chế xuất, vùng kinh tế trọng điểm; đang phải ở nhà thuê, ở trọ từ ngày 1-1-2022 đến 30-6-2022.

Người lao động cần có hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên, thời điểm ký từ 1-1-2022 đến 30-6-2022, đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc có tên trong danh sách trả lương của doanh nghiệp tại tháng liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ.

Dự thảo nêu rõ, người lao động làm đơn đề nghị hỗ trợ theo mẫu nộp lên công ty. Doanh nghiệp lập danh sách, công khai tại nơi làm việc trong 5 ngày.

Trường hợp có ý kiến phản ánh hoặc cần xác minh thêm, thời hạn giải quyết trong 2 ngày. Trước ngày 15 hằng tháng, doanh nghiệp gửi danh sách đề nghị hỗ trợ tới cơ quan bảo hiểm xã hội để xác nhận lao động đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong 2 ngày.

Hồ sơ gửi về UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở chậm nhất là 31-7-2022. Sau 2 ngày, UBND cấp huyện sẽ trình lên UBND cấp tỉnh. Đến 2 ngày kế tiếp, UBND cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt và cập nhật kết quả vào hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư. Người lao động nhận hỗ trợ sau 2 ngày nữa, khuyến khích qua tài khoản ngân hàng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Quang Long – trưởng Ban quản lý khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội – cho hay người lao động luôn kỳ vọng có thêm kinh phí để trang trải cuộc sống. Do vậy, đề xuất của Bộ Lao động – thương binh và xã hội hứa hẹn kích cầu kinh tế, hạn chế tình trạng tín dụng đen do người lao động khó khăn, thiếu thốn…

“Hỗ trợ người lao động thì càng nhiều càng tốt, hết khả năng vì nhu cầu người lao động khi ở quê lên thành phố rất lớn. Họ phải chi tiêu cuộc sống đã khó khăn cộng với dịch bệnh nên một đồng hỗ trợ cũng quý”, ông Long nhận định.

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm 7 địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm: TP.HCM, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang. Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long gồm: Cần Thơ, Cà Mau, An Giang, Kiên Giang.

HÀ QUÂN
TTO