24/11/2024

COVID-19 thế giới ngày 16-2: Tiêm đủ vắc xin, giảm nguy cơ bị ‘hậu COVID’

COVID-19 thế giới ngày 16-2: Tiêm đủ vắc xin, giảm nguy cơ bị ‘hậu COVID’

Nghiên cứu mới của Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA) và CDC Mỹ cho thấy những lợi ích của việc tiêm vắc xin đủ liều cơ bản với cả người trưởng thành và trẻ sơ sinh trong những tháng đầu đời.

 

 

 

COVID-19 thế giới ngày 16-2: Tiêm đủ vắc xin, giảm nguy cơ bị hậu COVID - Ảnh 1.

Các nghiên cứu mới tại Anh và Mỹ cho thấy hiệu quả của vắc xin cao hơn các nguy cơ tiềm tàng – Ảnh: REUTERS

Trong bản đánh giá về 15 nghiên cứu do UKHSA thực hiện và công bố ngày 15-2, các nhà nghiên cứu khẳng định lợi ích của việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 nói chung và tiêm đủ các liều cơ bản là rất nhiều.

“Tiêm phòng là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi các triệu chứng nghiêm trọng khi bị nhiễm bệnh và cũng có thể giúp giảm tác động của bệnh về lâu dài”, tiến sĩ Mary Ramsay, người đứng đầu bộ phận tiêm chủng tại UKHSA, đưa ra nhận định.

Theo UKHSA, những người đã tiêm 2 mũi vắc xin của Pfizer/BioNTech, AstraZeneca hoặc Moderna, hay vắc xin phác đồ 1 mũi của J&J có nguy cơ bị COVID kéo dài (Long COVID) thấp hơn 50% so với những người chưa tiêm.

Trung bình Anh có khoảng 50.000 ca mắc bệnh mỗi ngày và những ca nhiễm COVID-19 nhẹ vẫn có thể dẫn đến “Long COVID”, theo Hãng tin Reuters. Người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, sức khỏe và tinh thần suy giảm sau khi khỏi bệnh.

Trong số 4 nghiên cứu so sánh các triệu chứng “Long COVID” trước và sau khi tiêm chủng, 3 nghiên cứu nhận thấy các triệu chứng được cải thiện sau khi tiêm. 3 nghiên cứu khác chứng minh người đã tiêm sẽ ít gặp hoặc triệu chứng “Long COVID” đỡ hơn người chưa tiêm.

UKHSA ước tính có khoảng 2% dân số Anh bị “Long COVID”, với các triệu chứng phổ biến nhất là mệt mỏi, khó thở và đau cơ hoặc khớp.

Trẻ có mẹ tiêm vắc xin ít nhập viện nếu mắc COVID-19

COVID-19 thế giới ngày 16-2: Tiêm đủ vắc xin, giảm nguy cơ bị hậu COVID - Ảnh 2.

Một thai phụ được tiêm vắc xin COVID-19 tại bang Pennsylvania (Mỹ) ngày 11-2 – Ảnh: REUTERS

Theo một nghiên cứu mới của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, trẻ sơ sinh có mẹ được tiêm hai liều vắc xin mRNA trong thai kỳ ít có khả năng phải nhập viện nếu mắc COVID-19 trong 6 tháng đầu đời.

Nhìn chung việc tiêm phòng cho bà mẹ có hiệu quả 61% trong việc ngăn ngừa việc nhập viện ở trẻ sơ sinh. Nghiên cứu cũng cho thấy việc tiêm phòng muộn hơn trong thai kỳ – sau 20 tuần đầu tiên – dường như mang lại sự bảo vệ tốt hơn cho trẻ sơ sinh so với việc tiêm phòng sớm hơn.

Theo báo New York Times, đây là bằng chứng dịch tễ học thực tế đầu tiên cho thấy việc tiêm phòng cho bà mẹ có thể bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi COVID-19, có thể là do chúng sinh ra đã mang kháng thể của mẹ.

CDC khuyến cáo phụ nữ đang mang thai, đang cho con bú hoặc đang muốn mang thai nên tiêm vắc xin phòng COVID-19 trước, vì nếu không may mắc phải có thể gây nguy hiểm cho họ và con của họ.

Nghiên cứu không được thực hiện đủ lớn để so sánh mức độ hiệu quả của vắc xin trên trẻ em nếu chẳng may mẹ của chúng mắc các biến thể khác nhau, theo New York Times.

Một số câu hỏi như thời điểm tiêm tối ưu nhất, liệu có cần mũi nhắc lại trong thai kỳ hay không được kỳ vọng sẽ có trong các nghiên cứu lớn hơn trong tương lai.

Một số tin tức liên quan COVID-19 khác:

Bộ trưởng Y tế Hà Lan Ernst Kuipers cho biết chính phủ nước này sẽ dỡ bỏ hầu hết các hạn chế phòng dịch từ ngày 18-2. Dù số ca nhiễm tăng vọt do biến thể Omicron, số ca nhập viện lại không tăng mạnh so với các đợt dịch trước.

“Đất nước sẽ mở cửa trở lại. Thật hạnh phúc khi chúng ta đang ở trong một giai đoạn khác”, ông Kuipers nói trong một cuộc họp báo ngày 15-2.

Ngày 15-2, các nhà khoa học của Đại học Oxford (Anh) thông báo sẽ đánh giá tác động của các biến thể virus mới đối với phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, cũng như tác động của vắc xin COVID-19 đối với các biến chứng trong thai kỳ và sau khi sinh.

Nghiên cứu được tiến hành chưa đầy một năm sau khi họ phát hiện ra phụ nữ mang thai mắc COVID-19 và con mới sinh của họ phải đối mặt với nguy cơ biến chứng cao hơn so với những gì đã biết trước đây.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo một làn sóng lây nhiễm mới do biến thể Omicron đang di chuyển đến Đông Âu, thúc giục các nước cải thiện việc tiêm chủng và các biện pháp khác.

Trong hai tuần qua, các trường hợp nhiễm COVID-19 đã tăng hơn gấp đôi ở Armenia, Azerbaijan, Belarus, Georgia, Nga và Ukraine, theo giám đốc khu vực châu Âu của WHO Hans Kluge.

BẢO DUY
TTO