23/11/2024

Công giáo và chính phủ Pakistan nỗ lực chống cưỡng ép cải đạo

Công giáo và chính phủ Pakistan nỗ lực chống cưỡng ép cải đạo

Trong những ngày qua, Giáo hội Công giáo và chính phủ Pakistan đã có buổi họp, liên quan đến việc cộng tác trong các hoạt động chống cưỡng ép các thiếu nữ cải đạo và kết hôn Hồi giáo.

Theo báo cáo về quyền phụ nữ do Uỷ ban Quốc gia về Công lý và Hoà bình của Hội đồng Giám mục Pakistan công bố, mỗi năm có khoảng 1.000 vụ bắt cóc thiếu nữ Kitô giáo và Ấn giáo, với mục đích kết hôn và buộc phải cải đạo sang Hồi giáo.

Về dữ liệu do Trung tâm Công lý Xã hội của tổ chức phi chính phủ Pakistan công bố, từ năm 2013 đến tháng 11/2020, các phương tiện truyền thông đã đưa tin 162 trường hợp cải đạo đáng ngờ, cao nhất là 49 vụ trong năm 2019. Hơn 54% nạn nhân là trẻ nữ và thiếu nữ là tín đồ Ấn giáo, và 44% là Kitô hữu. Hơn 46% nạn nhân là trẻ vị thành niên, với gần 33% ở độ tuổi từ 11 đến 15.

Trước thực trạng này, trong những ngày gần đây chính phủ và Giáo hội đã có buổi họp để tiếp tục đưa ra các biện pháp ngăn chặn các vụ cưỡng bức cải đạo. Về phía Giáo hội có Cha James Channan, Giám đốc Trung tâm Hoà bình của Lahore; và đại diện chính phủ là ông Hafiz Tahir Mehmood Ashrafi, Chủ tịch Hội đồng Ulema – Cơ quan học giả Hồi giáo của Pakistan và đại diện đặc biệt của thủ tướng Imran Khan về hoà hợp liên tôn.

Trong buổi gặp gỡ, ông Hafiz Tahir Mehmood Ashrafi đã đưa ra một tuyên bố quan trọng: “Trong Hồi giáo, không có khái niệm cưỡng bức cải đạo và kết hôn. Lập trường của chúng tôi rất rõ về điều này. Chúng tôi đã thành lập một đội chuyên biệt các giáo sĩ Hồi giáo để đối phó với những vấn đề này.”

Cha James Channan thì nhấn mạnh những bước tiến của chính phủ và sự nhạy cảm của thế giới Hồi giáo trong việc ứng phó với hiện tượng vẫn còn phổ biến trong nước, thể hiện một sự vi phạm nghiêm trọng nhân quyền đối với phụ nữ và trẻ nữ.

Theo Cha Channan, để chống lại tình trạng này, điều căn bản là phải gia tăng nỗ lực, để đảm bảo nhiều hơn nữa “bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số, đặc biệt là phụ nữ của các nhóm thiểu số này”, với hy vọng tiếp tục đi trên con đường mà Chủ tịch của Hội đồng Ulema đã thực hiện.

Thực tế, văn phòng đặc biệt được thành lập vào đầu năm 2021 đã nhận được 130 đơn khiếu nại. Văn phòng kêu gọi tất cả các tổ chức phi chính phủ và tổ chức nhân quyền chuyển các khiếu nại của họ đến văn phòng và cam kết giải quyết các trường hợp được báo liên quan đến phân biệt đối xử, bất khoan dung tôn giáo, báng bổ hoặc bất kỳ vấn đề nào.

Ông Mehmood Ashrafi nói: “Chúng tôi ở đây để hỗ trợ quý vị. Hồi giáo là một tôn giáo của hoà bình và dạy chúng tôi tôn trọng tất cả những người khác; sử dụng tôn giáo cho lợi ích cá nhân thì không phải Hồi giáo.”

Ngọc Yến

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2022-02/cong-giao-chinh-phu-pakistan-chong-ep-cai-dao.html