24/11/2024

Ai bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán?

Ai bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán?

Chưa có thông báo chính thức, thị trường đã xôn xao việc hủy niêm yết khiến giá cổ phiếu lao dốc; lãnh đạo doanh nghiệp bán “chui”, thao túng chứng khoán; việc xử lý chậm trễ của các cơ quan có thẩm quyền… đang khiến nhiều nhà đầu tư trên sàn chứng khoán bị thiệt hại nặng nề.

 

 

Cổ đông HAG kêu cứu

Thị trường chứng khoán đang xôn xao với thông tin cổ phiếu (CP) HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) bị hủy niêm yết. Liên lạc với HAGL, đại diện tập đoàn này cho biết tới thời điểm hiện tại, họ chưa nhận được văn bản nào liên quan đến việc này. Lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cũng thông tin đang phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền và sẽ công bố ngay khi có quyết định. Thế nhưng với hơn 30.000 nhà đầu tư (NĐT), những động thái liên quan tập đoàn này có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường và nhóm NĐT sở hữu CP HAG đã có đơn kêu cứu.

Nếu doanh nghiệp lỗ tiếp thì anh có thể hủy niêm yết. Còn anh đã tạo điều kiện cho người ta cải thiện và giờ người ta đã cải thiện, đưa đến các khoản lãi thì nên xem xét lại. Chứ hủy niêm yết ở thời điểm doanh nghiệp đang có lãi thì rất phi lý và gây thiệt hại cho nhà đầu tư

TS Lê Đạt Chí, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

Đại diện nhóm này cho biết họ đã đầu tư vào CP HAG từ sau thời điểm ra báo cáo tài chính đã kiểm toán 2020 (tháng 4.2021) với kỳ vọng về một doanh nghiệp (DN) hồi sinh vì có liên tiếp các quý làm ăn khởi sắc và có lãi trở lại, kỳ vọng 2022 có lợi nhuận gấp nhiều lần năm 2021. Đó cũng là thực tế hoạt động kinh doanh của Tập đoàn HAGL 2 năm trở lại đây. Báo cáo tài chính năm 2021 cho thấy, HAGL đạt lợi nhuận 120 tỉ đồng.

Ai bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán? - ảnh 1
Theo các chuyên gia, cơ quan quản lý khi áp dụng luật là phải nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư  NGỌC THẮNG

Năm nay, với việc thí điểm thành công mô hình heo ăn chuối và giá chuối cao hơn rất nhiều so với dự kiến, lợi nhuận của tập đoàn này ước tính hơn ngàn tỉ đồng. “Vậy ai chịu trách nhiệm nếu cổ đông mua CP trong thời gian đó tới nay và đột nhiên được thông báo bị hủy niêm yết vì những chuyện xảy ra từ quá khứ vài năm trước? Điều này trực tiếp bóp nghẹt một DN vừa mới hồi sinh, thoát khỏi cơn khủng hoảng để trở thành một DN nông nghiệp đầu ngành với lợi thế giá heo thấp nhất cả nước. Hơn thế, việc này còn gián tiếp giết chết các cổ đông nhỏ lẻ, những người đầu tư vì kỳ vọng tương lai, chứ không hề có trách nhiệm về những tồn đọng từ quá khứ trước thời điểm đầu tư”, nhóm cổ đông đặt vấn đề và đề nghị làm rõ có hay không việc tung tin sai sự thật phá hoại CP HAG, hủy hoại sự hoạt động minh bạch của thị trường chứng khoán và trả lời rõ cho cổ đông căn cứ vào đâu để hủy niêm yết CP HAG (nếu có).

Hủy niêm yết khi doanh nghiệp làm ăn có lãi?

Tình trạng éo le này xuất phát từ cuối tháng 1.2021, khi Tập đoàn HAGL điều chỉnh hồi tố số liệu báo cáo tài chính và khiến lợi nhuận sau thuế các năm 2017, 2018 và 2019 đều lỗ. Tuy nhiên, năm 2021, Tập đoàn HAGL đã có lãi 120 tỉ đồng, cải thiện đáng kể khoản lỗ trên 2.380 tỉ đồng của năm trước đó, thậm chí còn vượt 15% kế hoạch đề ra. Dự kiến năm 2022 doanh thu thuần của tập đoàn này đạt 4.820 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.120 tỉ đồng. Vì vậy, đặt trường hợp hủy niêm yết vào thời điểm hiện tại sẽ rất éo le và phi lý khi DN đã có lãi trở lại.

Ai bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán? - ảnh 2
Tập đoàn HAGL đã thoát lỗ và làm ăn có lãi năm 2021  B.C

Theo TS Lê Đạt Chí, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, trước khi tiến hành hủy niêm yết bất cứ CP nào, HOSE phải đưa CP đó vào diện cảnh cáo để NĐT được biết. Ở trường hợp của HAGL, việc hủy niêm yết nếu có phải được đưa ra cách đây 10 tháng chứ không phải đợi đến bây giờ. “Lý do để DN được kéo dài thời gian niêm yết, phải chăng là để HOSE xem phương án cải thiện của DN có hiệu quả hay không, lợi nhuận có cải thiện được hay không? Bởi thông thường bất cứ DN nào muốn trình xin cơ quan có thẩm quyền không hủy niêm yết hay kéo dài đều phải làm phương án cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh. DN phải chứng minh là hoạt động cải thiện đó đang được diễn ra và đang được thúc đẩy. Từ đó cơ quan quản lý mới xem xét và đồng ý hay không đồng ý”, ông Chí đặt vấn đề và đánh giá, rõ ràng Tập đoàn HAGL đã có phương án và phương án này đã phát huy hiệu quả. “Nếu DN lỗ tiếp thì anh có thể hủy niêm yết. Còn anh đã tạo điều kiện cho người ta cải thiện và giờ người ta đã cải thiện, đưa đến các khoản lãi thì nên xem xét lại. Chứ hủy niêm yết ở thời điểm DN đang có lãi thì rất phi lý và gây thiệt hại cho NĐT. Trong khi lỗi đầu tiên là do anh không nghiêm trước”, ông Chí phân tích.

Chỉ hồi tố nếu có lợi cho cổ đông

Luật sư (LS) Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM, phân tích: điều 120 Nghị định 155/2020 đã nêu rõ các trường hợp CP của một công ty đại chúng bị hủy niêm yết bắt buộc, trong đó có trường hợp DN bị thua lỗ trong 3 năm liên tục, nhưng không nêu về việc hồi tố. Luật Chứng khoán hiện hành cũng không có quy định này. LS Nghiêm nhấn mạnh: Trong luật hình sự của VN có đưa nguyên tắc áp dụng và xem xét hồi tố.

Ai bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán? - ảnh 3
Theo các chuyên gia, cơ quan quản lý khi áp dụng luật là phải nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư  NGỌC THẮNG

Theo đó, chỉ áp dụng hồi tố nếu có lợi cho bị can, bị cáo. Vì vậy, trong trường hợp CP của HAGL, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HOSE không áp dụng nguyên tắc hồi tố chính là bảo vệ quyền lợi của NĐT. Hơn nữa, kết thúc năm 2021, DN cũng đã kinh doanh có lãi thì việc hủy niêm yết CP do thua lỗ lại càng trái với thực tế. “Giả sử nếu như làm đúng quy định và cần hủy niêm yết CP thì HOSE phải ra cảnh báo sau khi DN đã có báo cáo hồi tố về kết quả kinh doanh như đối với nhiều CP khác. Còn sau thông tin này gần cả năm thì đến nay đã không cần phải xem xét lại nữa. Cơ quan quản lý nên thể theo nguyện vọng của các cổ đông để CP HAG vẫn tiếp tục niêm yết trên sàn”, LS Nghiêm chia sẻ thêm.

Ai bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán? - ảnh 4

Đồng quan điểm, LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng cần nhìn nhận vấn đề của HAGL ở 2 khía cạnh lý và tình. Thứ nhất, theo quy định pháp luật, HAGL sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc cho kết quả kinh doanh giai đoạn 2017 – 2019. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đã là năm 2022, nếu quy định không nêu rõ về trường hợp hồi tố kết quả kinh doanh bị lỗ thì không nên xem xét hủy niêm yết CP của HAGL ở thời điểm hiện tại. Trong trường hợp phải thực hiện theo quy định thì HOSE phải ra thông tin cảnh báo về trường hợp có khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc ngay khi HAGL công bố thông tin điều chỉnh hồi tố về báo cáo tài chính. Chính vì không có thông tin cảnh báo này nên CP HAG vẫn được niêm yết và giao dịch bình thường. “Mục tiêu hủy niêm yết cũng là để bảo vệ quyền lợi cho NĐT, không gây ảnh hưởng xấu đến thị trường. Nhưng trong trường hợp này thì DN đã đi qua giai đoạn đó, kinh doanh có lãi, hoạt động đang phát triển tốt lên. Chính vì vậy không cần thiết đặt ra vấn đề phải hủy niêm yết CP khiến cho thị trường bị xáo trộn, NĐT hoang mang”, ông Đức nói.

“Cơ quan quản lý khi áp dụng luật vẫn cần cân nhắc tới yếu tố cổ đông. Hủy niêm yết CP sẽ khiến các cổ đông, NĐT bị thiệt hại trước tiên, đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ vốn là đối tượng yếu thế, ít thông tin cần được nhà nước đứng ra bảo vệ. Vì thế, trong trường hợp này đứng trên yếu tố “lợi ích” thì hủy niêm yết thời điểm hiện tại là không còn cần thiết, ảnh hưởng xấu tới tâm lý thị trường”.

Luật sư Trương Thanh Đức

 

THANH NIÊN

TNO