Doanh nghiệp tôm lo trả nợ đơn hàng trong năm mới
Doanh nghiệp tôm lo trả nợ đơn hàng trong năm mới
Dù bước qua năm mới nhưng có doanh nghiệp phải sản xuất trả nợ đơn hàng cũ.
Năm 2021, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 3,9 tỉ USD, tăng 4% so với năm 2020. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định: Xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt do tôm là thực phẩm thơm, ngon, bổ dưỡng, tiện lợi nên nhu cầu thế giới tiếp tục ở trạng thái tốt. Năm 2022, xuất khẩu tôm sang hai thị trường chính là Mỹ và EU dự kiến tiếp tục tăng trưởng 2 con số. Riêng thị trường Trung Quốc sẽ phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm 2021. Các thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản tăng trưởng nhẹ do nhu cầu từ 2 thị trường này khá ổn định.
Xuất khẩu tôm 2022 được dự báo tăng trưởng 2 con số CTV |
Trả nợ hợp đồng
Ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP thủy sản CAFATEX thông tin, năm 2021 có bao nhiêu hàng chúng tôi đã bán hết bấy nhiêu không còn hàng tồn. Năm nay các dự báo về thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Nhật hay EU đều khả quan và thuận lợi nên có thể xem là năm bản lề cho sự phát triển trong ngành tôm để trở thành nước sản xuất tôm lớn thứ hai thế giới sau Ấn Độ. Hiện nay trình độ chế biến của Việt Nam là hàng đầu thế giới nên tốc độ phát triển sẽ rất nhanh, thời gian ngắn lại.
Cũng theo ông Kịch, nếu tính riêng về năng lực chế biến, đóng gói thì Việt Nam đang đứng đầu. Các nước như Ấn Độ, Indonesia, Ecuador sản lượng cao nhưng năng lực chế biến chưa bằng Việt Nam. Chính vì vậy ba nước này tuy dẫn đầu về nguồn cung cho thị trường Mỹ nhưng giá bán bình quân vẫn thấp hơn tôm Việt Nam. Ngay cả Thái Lan, trước là hình mẫu để Việt Nam học tập thì nay năng lực chế biến và sản xuất cũng không bằng.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Minh Phú tỏ ra thận trọng hơn khi nhìn nhận: Hiện nay còn hơi sớm để nhận định cho cả năm vì công ty này chưa có đơn hàng nhiều. Nhưng từ mùng 4 tết công ty đã phải trở lại hoạt động như bình thường để làm trả nợ hợp đồng cho khách, còn khá nhiều.
Thiếu hụt lao động đang là mối lo của nhiều doanh nghiệp CTV |
TS Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (FIMEX VN), nhận định: Để phát triển ngành tôm đầu tiên cần phải giảm giá thành chăn nuôi. Tiếp tục hoàn thiện dây chuyền chế biến nhằm bán tự động hoặc tự động hóa khâu nào có thể. Một điều quan trọng khác là khẩn trương thúc đẩy công tác đánh mã số cơ sở nuôi. Bởi đây là xu thế tất yếu. Việc này càng nhanh chỉ có lợi cho tốc độ tăng trưởng bề rộng và cả chiều sâu. Nhanh chóng quy hoạch vùng nuôi từng quy mô, từng địa phương nhằm phát triển xanh, bền vững.
Vất vả cạnh tranh lao động
Trong câu chuyện chế biến, vấn đề mà nhiều nhà máy hiện nay đang quan tâm chính là thiếu hụt công nhân. Vấn đề mà các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở miền Tây quan tâm nhất từ sau tết đến nay là làm sao tuyển đủ lao động cho nhu cầu sản xuất. Ngay sau dịch, công ty CAFATEX của ông Kịch đã phải tuyển gấp thêm 200 – 300 lao động phổ thông với mức lương theo năng suất từ 6 – 10 triệu đồng/người. Sau Tết Nguyên đán công ty lại phải tiếp tục đăng tuyển lao động.
Tương tự, ông Quang cho biết: Đơn cử như nhà máy Minh Phú Hậu Giang, công suất sản xuất thiết kế tối đa đến 10.000 công nhân. Nhưng lực lượng lao động hiện tại chỉ có 60 – 70%, vẫn đang phải tuyển thêm khoảng gần 4.000 công nhân. Hiện nay rất khó tuyển người dù là lao động phổ thông vì các doanh nghiệp ở Long An, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM mang xe xuống tận nơi tuyển người chở đi. Họ trả lương khá tốt nên doanh nghiệp tại chỗ như chúng tôi cũng cạnh tranh rất khó. Hầu hết các doanh nghiệp trong ngành luôn phải tuyển thêm người mới có đủ lượng lao động phục vụ sản xuất. Tôi cho rằng các địa phương muốn phát triển ngành công nghiệp chế biến nông thủy sản phải có chiến lược và chính sách quy hoạch về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Qua đó cùng với doanh nghiệp chăm lo tốt hơn cho đời sống công nhân để giữ chân người lao động góp phần phát triển kinh tế địa phương.
CHÍ NHÂN
TNO