Doanh nghiệp khốn đốn vì giá xăng dầu tăng
Doanh nghiệp khốn đốn vì giá xăng dầu tăng
Chưa kịp phục hồi, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải chịu sức ép lớn từ giá xăng dầu tăng mạnh trong bối cảnh dịch bệnh, buộc phải tăng giá.
Cước vận tải sẽ tăng 5 – 10%
Chiều 13.2, trên quốc lộ 1 từ Bà Rịa-Vũng Tàu lên TP.HCM, đoạn chưa lên cao tốc kẹt cứng xe hàng giờ liền. Xe khách, xe cá nhân chen chúc nhích từng chút một, nhiều xe chở khách lấn vào làn đường dành cho xe gắn máy để đi. Thế nhưng càng lách, càng lấn, xe lại kẹt cứng dãy dài.
Đến đoạn vào ngã ba Bến Cam, một thanh niên hướng dẫn cho một số xe khách quẹo vào đó để qua Nhơn Trạch (Đồng Nai), lên giữa cao tốc Long Thành – TP.HCM. Lần lượt các xe chở khách 9 chỗ, 16 chỗ của các nhà xe Sao Mai, Toàn Thắng, Huy Hoàng… rẽ trái vào lối nhỏ, đường gập ghềnh, các xe nối đuôi nhau chạy lặng lẽ mất gần cả tiếng mới thoát lên được đoạn giữa cao tốc để tiếp tục phi về TP.HCM, chậm hơn 2 tiếng đồng hồ so với kế hoạch.
Anh Thắng, lái xe 16 chỗ của nhà xe H.M, cho biết kẹt xe trên tuyến đường này thường xuyên, chi phí xăng xe tăng vì đường sá, tăng vì giá bán dầu xăng tăng nhưng giá vé chở khách chưa dám đề xuất tăng vì đang giữ giá cũ để kích thích người dân đi du lịch trở lại.
Giá cả hàng hóa được dự báo sẽ tăng sau khi giá cước vận tải tăng NGỌC DƯƠNG |
Tuy nhiên, vị này và một số đại diện các nhà xe đăng ký dịch vụ trên trang vexere cho biết các nhà xe đang đề xuất để tăng giá cước xe, mức tăng dự kiến 10%.
Tương tự, đại diện Công ty giao nhận vận tải T.M.A (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết giá cước vận tải đã được nhiều công ty âm thầm hoặc có thông báo tăng 10% từ sau tết đến nay. Cụ thể, giá cước xe chở một container từ cảng Cát Lái (TP.HCM) về Khu công nghiệp Tam Phước (Long Thành, Đồng Nai) từ 2,8 – 2,9 triệu đồng/container hay lên 3,2 triệu đồng. Tương tự, các tuyến chở hàng từ cảng về các khu công nghiệp ở Long An như ở Đức Hòa, Tân Đức, Xuyên Á… cũng tăng với mức tương đương 10%. Đại diện Công ty T.M.A thông tin, các chủ xe chở hàng thông báo tăng vì cho rằng, ngoài giá xăng dầu tăng, các chi phí về tài xế, chi phí đi đường… đều tăng, buộc phải tăng 10% ngay sau tết.
Vị này tính toán: “Trung bình một xe container 40 feet, chở khoảng 29 – 30 tấn hàng, đi đoạn đường dài 100 km chi phí trước đây dưới 3 triệu đồng, nay trên 3 triệu. Trong đó, các khoản tăng gồm chi phí dầu chạy xe đội lên khoảng 60.000 đồng/chuyến hàng, rồi lương cho tài xế tăng ngày tết, cộng thêm cước phí đường bộ qua trạm thu phí, đi đường cao tốc chi 360.000 đồng, đi đường ngoài 240.000 đồng… Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty quốc tế Delta, cho biết cước phí vận tải đường bộ trong thời gian tới sẽ tăng khoảng 4 – 5% vì giá dầu đã có 2 lần tăng giá mạnh tính từ đầu năm đến nay.
Lý giải mức tăng, ông Nghĩa cho hay tổng 2 lần tăng trong năm 2022 này của giá xăng dầu trong nước là khoảng 12,8% so với cuối năm 2021. Trong khi đó, chi phí xăng dầu chiếm 30 – 40% trong tổng chi phí của doanh nghiệp vận tải, nên mức tăng 4 – 5% là hợp lý. Ông nói, trước đó, giá cước vận tải không dám “nhúc nhích” từ sau dịch Covid-19 bùng phát đợt 4. Doanh nghiệp chấp nhận gồng mình lỗ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, giá xăng dầu tăng liên tục, buộc lòng phải tính toán để điều chỉnh tăng.
“Ngay cả mức tăng 4 – 5% theo tính toán, chúng tôi cũng không dám tăng theo mức tăng thực của giá xăng dầu bởi nói gì thì nói, nền kinh tế chúng ta đang trải qua cơn bạo bệnh, sản xuất thương mại cần phục hồi. Mọi quyết định tăng giá dịch vụ, giá bán lúc này phải được cân nhắc, tính toán hết sức cẩn trọng, nghiêm túc. Tuy nhiên, mức tăng cụ thể thế nào tùy từng hợp đồng trao đổi giữa các doanh nghiệp với nhau, dựa trên nguyên tắc win – win”, vị này chia sẻ.
Tính toán giảm thuế, phí liên quan mặt hàng xăng dầu
Theo PGS-TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và người dân hiện có hai mối lo thường trực là dịch Covid-19 và giá nhiều loại nguyên liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là xăng dầu đã đạt mức giá cao nhất trong 8 năm qua. Nền kinh tế đang trên đà hồi phục, việc giá xăng dầu liên tục tăng gây áp lực rất lớn lên đà phục hồi kinh tế. Giá xăng dầu trong nước lại đang phụ thuộc giá thế giới, VN rất khó giảm giá xăng dầu, đi ngược giá thế giới, song có thể kìm hãm đà tăng bằng chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc điều chính quỹ bình ổn giá…
Theo Tổng cục Thống kê, nền kinh tế VN phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng đã khiến giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng, nguyên vật liệu trong nước cũng tăng bởi ảnh hưởng giá dịch vụ vận tải, logistics tăng…
Hiện một lít xăng dầu bán ra thị trường phải gánh 4 loại thuế: giá trị gia tăng 10%, nhập khẩu 10%, tiêu thụ đặc biệt 10% và bảo vệ môi trường từ 3.800 – 4.000 đồng/lít. Bộ Công thương cho rằng tỷ trọng các loại thuế, phí trong giá cơ sở các mặt hàng xăng chiếm từ 42,7 – 43,2%, với mặt hàng dầu là trên 21 – 27%. Ngoài các loại thuế, giá xăng dầu trong nước đang gánh các chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, trích quỹ bình ổn giá xăng dầu…
Ông Long đề xuất để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhà nước có thể có chính sách tạm thời, điều chính giảm các khoản thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt lên mặt hàng xăng dầu để giúp doanh nghiệp vận tải, sản xuất, thương mại bớt áp lực giá cả tăng. Giá xăng dầu thế giới đang được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Với tình hình thế giới tăng, chúng ta tăng theo thì doanh nghiệp rất khó khăn. Giảm được loại thuế, phí gì hỗ trợ doanh nghiệp lúc này mà trong khả năng làm được, nên làm ngay. Bởi điều này có ý nghĩa và rất quan trọng cho người dân lẫn doanh nghiệp. Nay doanh nghiệp cứ nghe tăng giá thứ gì đều thấy lo lắng. Chính sách gì thì cốt lõi vẫn tạo tâm lý an lòng dân mới phục hồi kinh tế đường dài được.
NGUYÊN NGA
TNO