27/12/2024

Vua Minh Mạng từng… “cải cách hành chính” ở các tỉnh Nam kỳ từ năm 1831

Vua Minh Mạng từng… “cải cách hành chính” ở các tỉnh Nam kỳ từ năm 1831

Trước khi có danh xưng Bắc kỳ và Nam kỳ thì nguyên sáu tỉnh Nam kỳ, đều gọi chung là Gia Định. Bấy giờ, loạn Lê Văn Khôi sắp yên, vì vậy nhân tiện đổi tên tỉnh Gia Định, vua Minh Mạng cho tiến hành “cải cách hành chính”.

 

 

Sách Đại Nam thực lục, tập 3, sđd, tr.697 cho biết ở 6 tỉnh phía nam, vua Minh Mạng cấp quan phòng, ấn, triện mới cho Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh, Án sát, Lãnh binh… vì “phần nhiều không biết thất lạc vào đâu” và “để tỏ ra đổi mới”. “Duy ấn quan phòng Tổng đốc An – Hà, ấn triện tỉnh Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường hãy còn, thì không thay đổi”.

Vua Minh Mạng từng... “cải cách hành chính” ở các tỉnh Nam kỳ từ năm 1831 - ảnh 1
Vua Minh Mạng (bên trái) qua nét vẽ của người châu Âu  T.L

Bấy giờ, chức vụ trọng yếu ở các tỉnh là Tổng đốc và Tuần phủ đa phần do võ quan nắm giữ, điều này chỉ thay đổi vào giai đoạn cuối triều Minh Mạng. Đầu thời Pháp thuộc, chính quyền thuộc địa Nam kỳ cũng trải qua giai đoạn dài do các Thống soái quân sự đứng đầu, mãi đến năm 1879 mới xuất hiện Thống đốc dân sự đầu tiên.

Sau khi vua Minh Mạng đặt tên gọi cho “Nam Bắc trực, Tả Hữu kỳ và Nam Bắc kỳ (Quảng Nam, Quảng Ngãi là Nam trực; Quảng Trị, Quảng Bình là Bắc trực; Bình Định đến Bình Thuận là Tả kỳ; Hà Tĩnh đến Thanh Hoa (nay là tỉnh Thanh Hóa) là Hữu kỳ; Biên Hòa đến Hà Tiên là Nam kỳ; Ninh Bình đến Lạng Sơn là Bắc kỳ)”.

Theo Đại Nam thực lục (tập 4, nhóm dịch, NXB Giáo dục, 2007, tr.202) thì danh xưng Nam kỳ chính thức được vua Minh Mạng ra đời dù rằng đã xuất hiện trước đó trong các thư tịch, về sau dân gian quen gọi là Nam kỳ lục tỉnh (南圻六省).

Vua Minh Mạng từng... “cải cách hành chính” ở các tỉnh Nam kỳ từ năm 1831 - ảnh 2
Một vị quan Đại Nam ở Nam kỳ thời Minh Mạng  JOHN CRAWFURD

Và những năm đầu thập niên 1830, sau khi xóa bỏ lần lượt Bắc thành và Gia Định thành, vua Minh Mạng tiến hành cuộc cải cách hành chính quan trọng ngay sau đó. Thời vua Gia Long, bộ máy hành chính vận hành theo cơ chế phân quyền. Đàng Ngoài và Đàng Trong cũ được phân chia lại thành 27 trấn, doanh (hoặc dinh), triều đình Huế trực tiếp quản lý 4 doanh (Kinh kỳ) Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (sau đổi thành phủ Thừa Thiên), Quảng Nam và 7 trấn từ Nghệ An đến Bình Thuận.

Năm 1802, vua Gia Long thành lập Bắc thành, đặt chức quan Tổng trấn, ủy quyền cho quản lý trực tiếp 11 trấn (nội, ngoại) ở vùng đất phía bắc. Sáu năm sau, 5 trấn phía nam từ Bình Thuận trở vào được gọi là Gia Định thành. Đến năm 1826, vua cho đổi các doanh thành trấn.

Vua Minh Mạng từng... “cải cách hành chính” ở các tỉnh Nam kỳ từ năm 1831 - ảnh 3
Nam kỳ xưa  ALBERT MORICE

Đứng đầu hai bộ máy hành chính Bắc thành và Gia Định thành là quan Tổng trấn. Năm 1831, Bắc thành chính thức giải thể, cuộc cải cách hành chính của vua Minh Mạng bắt đầu từ tháng 10 ÂL năm 1831 ở phía bắc.

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia ghi nhận: “Trong nhiều năm trị vì, vua Minh Mạng ban bố hàng loạt cải cách quốc nội. Ông đổi tên nước Việt Nam thành Đại Nam, lập thêm Nội các và Cơ mật viện ở Huế, bãi bỏ chức Tổng trấn Bắc thành và Gia Định thành, đổi trấn thành tỉnh, củng cố chế độ lưu quan ở miền núi. Quân đội cũng được chú trọng xây dựng (do liên tục diễn ra nội loạn và chiến tranh giành lãnh thổ với lân bang)”.

Vua Minh Mạng còn cử quan đôn đốc khai hoang ở ven biển Bắc kỳ và Nam kỳ. Ông cũng rất quan tâm đến việc duy trì nền khoa cử Nho giáo, năm 1822 ông mở lại các kỳ thi Hội, thi Đình ở kinh đô để tuyển chọn nhân tài (…). Và rồi đúng một năm sau đó, ba tháng sau cái chết của Tổng trấn Lê Văn Duyệt, Gia Định thành cũng chịu chung số phận. Quyền lực của người Gia Định không còn, cũng kết thúc luôn quyền lực quân sự, và cả dân sự, của các viên võ quan nắm quyền Tổng trấn. (còn tiếp)

 

NGUYỄN QUANG DIỆU – LÊ CÔNG SƠN

TNO