24/11/2024

Học sinh trở lại trường: Hiểu dịch bệnh để tự tin đối phó

Học sinh trở lại trường: Hiểu dịch bệnh để tự tin đối phó

Hôm nay, hơn 1 triệu học sinh từ mầm non đến lớp 6 ở TP.HCM trở lại trường. Nói về sự kiện này, TS Huỳnh Công Minh – nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – nhấn mạnh đó không chỉ là niềm hạnh phúc của thầy và trò mà còn thể hiện sự hồi sinh của TP.

 

Học sinh trở lại trường: Hiểu dịch bệnh để tự tin đối phó - Ảnh 1.

Giáo viên Trường mầm non Họa Mi 3 (quận 5, TP.HCM) vệ sinh khử khuẩn để đón trẻ đi học trở lại – Ảnh: NHƯ HÙNG

Ông Huỳnh Công Minh khẳng định: “Đối với lứa tuổi học sinh từ mầm non đến THPT, các em phải được đến trường để vận động, tương tác với thầy cô, với bạn bè đồng trang lứa, với môi trường học tập… thì mới có thể phát triển kỹ năng và hoàn thiện nhân cách một cách tốt nhất.

Ở góc độ của nhà giáo thì việc mở cửa trường là cơ hội để các thầy cô thực hiện đầy đủ lý tưởng nghề nghiệp của mình. Bởi giáo dục không chỉ dạy kiến thức, nếu chỉ dạy kiến thức thì dạy online cũng thực hiện được rồi.

Việc mở cửa trường là tạo điều kiện tối đa để người thầy giáo phát huy khả năng, đổi mới phương pháp giảng dạy, phát triển năng lực của học sinh”.

* Nhưng trên thực tế nhiều phụ huynh vẫn còn tỏ ra lo lắng và ngần ngại chưa cho con em đi học lại, ông nghĩ sao về vấn đề này?

– Việc đón trẻ đi học lại trong thời kỳ dịch bệnh như hiện nay không chỉ phụ huynh lo lắng mà nhà trường cũng rất lo. Tuy nhiên, tôi cho rằng: chúng ta cần phải có đầy đủ kiến thức và thông tin về tình hình dịch COVID-19.

Khi đã hiểu rõ ngọn ngành sự việc thì chúng ta sẽ biết cách khắc phục, hạn chế những điều xấu nhất xảy ra. Không thể cứ lo lắng chung chung rồi sợ hãi, không dám làm gì cả. Tôi xin nhấn mạnh rằng: nếu không mở cửa trường học thì đối tượng thiệt thòi nhất chính là học sinh.

Đúng là dịch bệnh vẫn chưa hết nhưng TP.HCM đã và đang kiểm soát dịch bệnh khá tốt.

Nói như thế không có nghĩa là chúng ta chủ quan mà chúng ta cần hiểu biết rõ ràng về dịch bệnh, để tỉnh táo và tự tin chuẩn bị thật chu đáo các phương án đảm bảo sự an toàn cho học sinh – giáo viên khi tổ chức dạy học trực tiếp.

Riêng cá nhân tôi, mặc dù có lo lắng nhưng tôi có niềm tin to lớn rằng việc cho trẻ đi học lại lần này sẽ suôn sẻ và thuận lợi. Bởi cả nhà trường và phụ huynh đều đã có được những bài học kinh nghiệm quý báu từ đợt cho học sinh lớp 7-12 đi học lại hồi trước Tết Nguyên đán.

Tôi mong mối quan hệ giữa nhà trường – gia đình ngày càng tốt đẹp và bền chặt, có sự phối hợp với nhau một cách tốt nhất để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh phát triển.

TS Huỳnh Công Minh

* Ông mong ước gì khi học sinh các cấp ở TP.HCM chính thức bước vào chương trình học kỳ 2 của năm học 2021-2022 với hình thức dạy học trực tiếp?

– Tôi mong ước các vị phụ huynh vẫn sẽ tiếp tục đồng hành cùng với việc học tập của con em mình và đồng hành cùng với ngành GD-ĐT TP.HCM.

Từ xưa tới nay, lịch sử đã chứng minh rằng ngành GD-ĐT sẽ không thể thực hiện thành công chức trách của mình nếu không có sự hỗ trợ của phụ huynh. Điều này càng thể hiện rõ nét qua thời kỳ dịch bệnh vừa qua.

Thứ nhất, khi học sinh không thể đến trường vì dịch bệnh, ngành GD-ĐT TP đã chuyển đổi phương thức giảng dạy từ trực tiếp qua trực tuyến. Nhiều phụ huynh đã vượt khó, mua sắm máy móc và hỗ trợ con em học tập, hoàn thành nhiệm vụ của người học sinh.

Thứ hai, khi TP cho học sinh lớp 7-12 đi học lại, các vị phụ huynh cũng đã phối hợp chặt chẽ với giáo viên, với nhà trường để mọi việc diễn ra suôn sẻ.

Nhiều người ý thức rất cao trong công tác phòng chống dịch bệnh, khi thấy con mình có biểu hiện sức khỏe không bình thường, họ đã báo ngay cho giáo viên chủ nhiệm và để con mình ở nhà chứ không cho đi học.

Mong ước thứ hai của tôi là nhiều trường sẽ tăng cường tổ chức cho học sinh được học tập trải nghiệm, được tham gia các hoạt động tập thể, văn nghệ, thể dục thể thao… tạo được sự cân bằng về tâm lý, tinh thần cho học sinh sau thời kỳ dài các em ở nhà học trực tuyến.

* Theo ông, để đạt được những điều đó, nhà trường, thầy cô cần làm gì?

– Tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của thầy cô khi đón học sinh quay lại trường: rất nặng nề nhưng cũng rất vinh quang.

Bởi trẻ đã ở nhà và học online quá lâu, nay đi học lại sẽ có nhiều sự việc, tình huống không như ý có thể xảy ra, nhất là đối với những học sinh có vấn đề về mặt tâm lý.

Chưa kể, trẻ ở nhà lâu quá cũng sẽ có vấn đề về mặt kỹ năng, giao tiếp… Tất cả những việc này rất cần có sự hỗ trợ, hướng dẫn của thầy cô giáo để giúp học sinh trở về trạng thái bình thường.

Ngoài ra, về mặt chuyên môn, sau một thời gian dài học tập từ xa, chắc chắn sẽ có những học sinh chưa đạt được yêu cầu về kiến thức – kỹ năng như mong muốn.

Do vậy, nhiệm vụ của thầy cô giáo không chỉ là tổ chức cho học sinh vui học, học trong sự hứng khởi, say mê mà còn phải vừa ôn tập, củng cố nội dung – chương trình học sinh đã học online trong học kỳ 1 vừa dạy chương trình của học kỳ 2. Nói thì dễ chứ thực hiện thật không đơn giản.

An toàn mới được mở cửa trường

Tính đến chiều 13-2, các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn TP.HCM đã hoàn tất công tác chuẩn bị đón học sinh trở lại trường học tập chính thức.

Trong đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của TP Thủ Đức và các quận, huyện đã đi kiểm tra từng trường và thẩm định đạt đủ các tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 thì mới được mở cửa.

Về việc mở lớp bán trú, căngtin trường học, hiện khá nhiều trường tiểu học đã báo cáo sẽ mở lớp bán trú ngay tuần đầu tiên khi trẻ đi học lại, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh yên tâm đi làm. Còn một số trường chưa kịp thực hiện bán trú từ 14-2 thì dự kiến sẽ thực hiện từ ngày 21-2.

Nguồn: Sở GD-ĐT TP.HCM

Mong con tận hưởng niềm vui đến trường

Khi nhà trường lấy ý kiến phụ huynh về việc đi học trực tiếp, tôi có hơi phân vân vì bé nhà tôi còn nhỏ quá, ý thức thực hiện 5K không triệt để.

Tuy nhiên, trong ngày họp phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm đã đặt câu hỏi: “Tại sao quý phụ huynh cho các bé đi chơi ở công viên, đi siêu thị, đi nhà sách được mà lại không thể cho đi học được?”. Rồi cô giải thích nếu cứ chờ hết dịch mới cho con em đi học thì sẽ rất thiệt thòi cho trẻ vì không biết bao giờ mới hết dịch. Nếu không cho trẻ đến trường là tự phụ huynh tước đi quyền đi học của con em mình.

Chưa hết, cô còn thông báo trong lớp có 1 học sinh khi kiểm tra cuối học kỳ 1 thì điểm môn toán và tiếng Việt dưới trung bình.

Cô nói học sinh này học tập rất tốt ở đầu năm học, tuy nhiên đến giữa học kỳ thì bé nghiện game. Qua màn hình camera, cô thấy bé rất chăm chú nhìn vào màn hình nhưng phụ huynh cho biết bé chăm chú nhìn màn hình để chơi game chứ không phải học.

NH-LDC 02qqqqqqqqq 1(Read-Only)

Cần lắm sự chung tay, phối hợp giữa nhà trường và gia đình để học sinh trở lại trường an toàn. Trong ảnh: một phụ huynh ở TP.HCM đưa con tới trường tập trung ngày đầu tiên sau nhiều tháng học trực tuyến ở nhà – Ảnh: ANH KHÔI

Tôi đem câu chuyện trên kể với chồng, ông xã tôi bảo phải đăng ký cho con đi học trực tiếp ngay, không chần chờ gì nữa, bé đã học với máy tính lâu quá rồi, học thêm nữa thì không nghiện game cũng nghiện phim dài tập, rất nguy hiểm.

Nếu so sánh môi trường ở công viên, siêu thị với môi trường học đường thì việc đi học an toàn hơn bởi đó là môi trường khép kín, giáo viên – học sinh được áp dụng các biện pháp phòng chống dịch một cách chặt chẽ.

Hy vọng các con sẽ được đến trường để tận hưởng niềm vui vốn có của tuổi học trò.

Nguyễn Thu Hạnh

(phụ huynh học sinh lớp 3 ở quận Tân Bình, TP.HCM)

HOÀNG HƯƠNG thực hiện
TTO