Điều hành xăng dầu đã lộ ra nhiều vấn đề
Điều hành xăng dầu đã lộ ra nhiều vấn đề
Dù Bộ Công thương khẳng định tình trạng khan hiếm xăng dầu chỉ mang tính cục bộ và đủ nguồn cung nhưng với việc hàng loạt cửa hàng nghỉ bán, nhiều chuyên gia cho rằng bộ này cần điều hành linh hoạt, chủ động hơn để đảm bảo cung ứng xăng dầu.
Trong thông báo kết luận của Văn phòng Chính phủ ngày 10-2 truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành có nhấn mạnh: Việc để một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân tại một số địa phương như phản ánh của dư luận trong thời gian qua thuộc trách nhiệm chỉ đạo, điều hành của Bộ Công thương.
Phải sau 20 ngày kể từ kỳ điều hành ngày 21-1, giá xăng dầu trong nước mới được điều chỉnh khi kỳ điều hành ngày 1-2 đã phải “nghỉ điều hành” do rơi vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Trong khi đó, giá xăng dầu thế giới đã tăng liên tục trong nhiều ngày qua với biên độ lớn, vượt lên mốc 101 – 104 USD/thùng, tức là đã tăng khoảng 5-7% so với kỳ điều hành trước.
Nghỉ điều hành vì nghỉ Tết, doanh nghiệp và người dùng lãnh đủ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở phía Nam cho rằng việc không điều hành giá liên tục trong 20 ngày khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi giá thế giới tăng mạnh thời gian gần đây, dẫn tới doanh nghiệp kinh doanh bị thua lỗ do mức chiết khấu quá thấp.
Theo tính toán, mỗi lít xăng dầu được bán ra, doanh nghiệp lỗ khoảng 1.000 đồng. Nếu kỳ điều hành ngày 11-2 không điều chỉnh giá phù hợp, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn để tiếp tục duy trì kinh doanh.
“Chúng tôi đã kiến nghị nên điều chỉnh giá 1 tuần/lần. Bởi nếu như trước đây biến động giá xăng dầu quá nhỏ thì nay biến động hằng ngày quá lớn, nên điều chỉnh 1 tuần/lần vào thứ hai hằng tuần sẽ ổn hơn nhiều, cho người dân quen với nhịp thay đổi giá cả. Vì giá thế giới mỗi ngày thay đổi 3-5% thì sao chịu nổi, vừa lấy hàng xong nhìn thấy đã lỗ”, vị doanh nghiệp này than thở.
Và kỳ điều hành theo đúng chu kỳ vào ngày 11-2, người tiêu dùng cũng lãnh đủ vì giá xăng dầu đồng loạt tăng gần 1.000 đồng/lít, dù đã “xả” quỹ bình ổn, trong đó giá xăng RON95-III cao nhất, lên tới 25.322 đồng/lít.
Theo các chuyên gia, lẽ ra kỳ điều hành ngày 1-2 có thể thực hiện vào trước đó ngày 31-1. Khi đó nhà điều hành có thể “xả mạnh” quỹ bình ổn, vừa giữ ổn định giá để tránh tác động đến mặt bằng chung của thị trường, vừa giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, tránh tình trạng phải đóng cửa, nghỉ bán.
Ông Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cũng cho rằng việc dừng điều hành kỳ 1-2 là đúng về mặt nguyên tắc, quy định quản lý của nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, nhưng lại không phù hợp trong điều kiện tình hình thị trường có biến động mạnh theo hướng tăng giá, trong khi vấn đề căng thẳng nguồn cung đang “đe dọa” đến cung cầu thị trường.
“Trong bối cảnh thị trường có biến động về giá cả, cung cầu và biến động mạnh như vừa qua mà không điều chỉnh đúng chu kỳ cho phù hợp sẽ tác động đến giá cả, cung cầu thị trường. Thực tế cho thấy doanh nghiệp phản ánh bị thua lỗ, ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh, lấy cớ khan hàng để găm hàng hoặc bán nhỏ giọt, làm ảnh hưởng cung cầu thị trường và an ninh năng lượng”, ông Long nói.
Trách nhiệm của bộ quản lý đảm bảo cung cầu
Cũng theo ông Long, hệ thống thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu cũng như các tổng đại lý, đại lý phát triển mạnh, với số lượng ngày càng lớn, nên đặt ra yêu cầu quản lý càng cao hơn. Trong khi mức xử phạt với các doanh nghiệp vi phạm chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính với vài chục triệu đồng, không tạo đủ sức răn đe cho những doanh nghiệp kinh doanh không lành mạnh, làm giảm tính cạnh tranh của thị trường.
Ông Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, để tham gia mạng lưới phân phối xăng dầu cần có nhiều điều kiện ràng buộc, chứ “không phải là thị trường thích làm gì thì làm”. Khi giá xăng dầu và thị trường xăng dầu được quản lý, điều hành theo nghị định riêng, nên việc có hiện tượng bất thường trên thị trường, để tình trạng thiếu xăng dầu ở các cửa hàng, phải đóng cửa bán hàng là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, mà ở đây là Bộ Công thương.
“Bộ Công thương không chỉ điều hành giá và liên quan đến giá, mà trọng trách lớn nhất là đảm bảo cung ứng xăng dầu, trong đó có việc cung ứng của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Doanh nghiệp đầu mối, phân phối và cửa hàng bán lẻ cho rằng thiếu nguồn cung, đóng cửa hàng không bán thì những đơn vị này đã vi phạm nguyên tắc quản lý hoạt động kinh doanh của điểm bán xăng dầu. Do đó, cần phải có sự can thiệp ngay lập tức của cơ quan quản lý nhà nước để chấm dứt tình trạng này”, ông Ánh nói.
Một chuyên gia về xăng dầu cho rằng việc điều hành giá xăng dầu đang bộc lộ nhiều vấn đề. Chẳng hạn quy định về dự trữ lưu thông của doanh nghiệp đầu mối chỉ còn 20 ngày, thay vì 30 ngày như trước đây. Doanh nghiệp sản xuất cũng chỉ cần dự trữ xăng dầu thành phẩm trong 20 ngày, thay vì phải dự trữ dầu thô từ 30 – 60 ngày, có thể tiềm ẩn rủi ro khi phụ thuộc vào việc nhập nguồn từ nhà máy lọc dầu trong nước.
Chưa hết, việc điều hành sẽ theo định tính mà không có cơ sở định lượng cụ thể khi xăng dầu biến động mức dưới 10%, có thể ảnh hưởng tới cân đối và tính bền vững của quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận việc điều hành xăng dầu trong thời gian tới cần linh hoạt hơn, không nhất thiết 10 ngày mà có thể ở 3-5 ngày để phù hợp hơn với diễn biến thị trường.
Theo đó Bộ Công thương sẽ đề nghị Chính phủ cho phép Bộ Công thương, Bộ Tài chính được linh hoạt điều hành giá xăng dầu trong nước để tiệm cận giá thế giới. Trong điều kiện nguồn cung ở thời điểm nào đó gặp khó khăn thì cho phép được sử dụng quỹ dự trữ xăng dầu quốc gia khi cần thiết. Về lâu dài, kiến nghị xem xét nâng mức dự trữ xăng dầu bằng hiện vật.
Các cây xăng đã bán trở lại
Ngày 11-2, ghi nhận của Tuổi Trẻ, các cửa hàng xăng dầu dọc quốc lộ 91 đoạn từ TP Long Xuyên đến TP Châu Đốc, An Giang đã mở lại bán bình thường. Tuy nhiên một số cây xăng tại An Phú, Phú Tân… vẫn bán nhỏ giọt với lý do không còn xăng.
Nhân viên một cây xăng ở quận Phú Nhuận, TP.HCM điều chỉnh giá xăng dầu theo cập nhất mới nhất của liên bộ Công thương – Tài chính vào chiều 11-2 – Ảnh: NHẬT THỊNH
Trao đổi với chúng tôi về một số cây xăng treo bảng “hết xăng” ở huyện Thoại Sơn vừa qua, ông Phạm Văn Cường – đội trưởng Đội quản lý thị trường (QLTT) số 3, Cục QLTT tỉnh An Giang – cho biết buổi sáng 10-2, một số cửa hàng có treo bảng “hết xăng” nhưng sau đó đã được bổ sung xăng.
“Kiểm tra thực tế cho thấy các cửa hàng đều hết xăng, do đại lý hoặc đầu mối không cung cấp hoặc chỉ cung cấp nhỏ giọt nên một số cây xăng cũng bán xăng cho người dân theo kiểu nhỏ giọt”, ông Cường nói.
Ông Nguyễn Ngọc Thới – giám đốc DNTN An Kiên, thương nhân phân phối xăng dầu lớn tại An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp – cho biết phải đến ngày 20-2 mới được doanh nghiệp đầu mối cung cấp hơn 100.000 lít xăng. Do đó doanh nghiệp phải lấy xăng từ Kiên Giang chuyển sang cho các cửa hàng trên địa bàn.
“Riêng cây xăng Nguyễn Văn Việt (thị trấn Chợ Vàm) mà Tuổi Trẻ phản ánh, chúng tôi động viên mở cửa bán trở lại, thậm chí vận chuyển xăng đến tận nơi cho các cây xăng mà không tính phí”, ông Thới nói.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hùng Em – cục trưởng Cục QLTT tỉnh Sóc Trăng, có 8 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tạm ngưng hoạt động. Trong đó 4 cửa hàng tự ý tạm ngưng bán hàng với lý do thương nhân phân phối nhỏ giọt, “hoa hồng bằng 0”, nếu hoạt động sẽ lỗ… Cơ quan chức năng đang kiểm tra, nếu phát hiện tình trạng găm hàng để tăng giá sẽ xử lý nghiêm.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền – phó cục trưởng Cục QLTT TP Cần Thơ – cho hay tình hình kinh doanh xăng dầu ngày 11-2 trên địa bàn đã bình thường trở lại, trừ một số cửa hàng xăng dầu tại quận Ô Môn, Thốt Nốt mà Tuổi Trẻ phản ánh trước đó vẫn còn đóng cửa. Trong đó 2 cửa hàng đang làm thủ tục chuyển đổi chủ sở hữu, 1 cửa hàng nằm trong chuyên án xăng giả mà cơ quan công an điều tra… Một cửa hàng xăng dầu tại huyện Vĩnh Thạnh bị lập biên bản do hết xăng nhưng không có động thái nhập xăng về để bán.
B.ĐẤU – K.TÂM – L.DÂN