Dạy con đồng cảm, dũng cảm tới trường
Dạy con đồng cảm, dũng cảm tới trường
Những biện pháp phòng chống dịch mà nhiều trường dự kiến sẽ thực hiện như luôn phải giữ khoảng cách, xét nghiệm, đưa vào phòng cách ly… nếu không thực hiện khéo léo rất có thể sẽ khiến nhiều trẻ sốc hoặc tổn thương ngay khi vào học trực tiếp.
TS giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền, Đại học East Anglia (Vương quốc Anh), cho rằng trẻ trở lại trường phải được vui và an toàn. Tuy nhiên, để đạt được điều này, nhà trường, phụ huynh và cộng đồng cần tạo cho trẻ cảm giác dũng cảm và đồng cảm khi trở lại trường học.
Trong giai đoạn đầu mở cửa trường học, mọi người sẽ lo lắng, căng thẳng và các giáo viên sẽ cần rất nhiều sự động viên không chỉ từ phụ huynh, nhà trường mà còn từ truyền thông, cộng đồng. Không thể chỉ đẩy cái khó về nhà trường hay giáo viên. Thay vào đó, mỗi người có thể nhận một phần khó về mình, mọi thứ rồi sẽ ổn.
TS Nguyễn Thị Thu Huyền
Vui và an toàn
* Vài ngày nữa, hàng triệu học sinh nhỏ tuổi trên cả nước sẽ quay lại trường sau hơn nửa năm học online. Dưới góc độ một nhà giáo dục và một phụ huynh, bà đang quan tâm những vấn đề gì?
– Khi học sinh trở lại trường, điều tôi quan tâm trước hết là sự an toàn về mặt thể chất của trẻ. Nhà trường sẽ có các phương án nào để giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm bệnh cho các con.
Thứ hai là những kỹ năng xã hội và cảm xúc. Nhiều tháng qua, hầu hết trẻ em đã trải nghiệm cuộc sống không đến trường quá lâu. Trẻ ở nhà giữa một bầu không khí lo lắng của người lớn, giữa những cuộc thảo luận của cha mẹ về COVID-19.
Tết vừa rồi, tôi có dịp gặp nhiều trẻ độ 3 – 4 tuổi nhưng đã biết nói nhiều thứ về COVID-19, rằng COVID-19 nguy hiểm ra sao, có thể gây chết người thế nào. Đó là kết quả của cả một quá trình ở nhà mùa dịch quá lâu.
Vì vậy giờ đây khi đến trường, trẻ phải được thấy vui và an toàn. Nhà trường và giáo viên có thể lưu tâm việc cho trẻ hiểu đúng, tôn trọng những nguyên tắc phòng bệnh theo những quy định chung nhưng không nên làm trẻ con sợ hãi.
* Tại sao bà cho rằng những biện pháp phòng chống dịch trong nhà trường như giữ khoảng cách, xét nghiệm, cách ly… nếu không được giáo viên hay nhà trường thực hiện một cách khéo léo sẽ có thể khiến trẻ sốc hoặc tổn thương?
– Những ngày gần đây, khi tiếp xúc với nhiều giáo viên mầm non, tiểu học, tôi cảm nhận họ đang rất căng thẳng, trước hết xuất phát từ những văn bản, quy định về phòng chống dịch mà giáo viên phải tuân theo.
Sự căng thẳng của giáo viên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến bầu không khí trong lớp và đôi khi đến cả việc ứng xử với học sinh.
Vì vậy theo tôi, ban giám hiệu của các trường có thể hỗ trợ định hướng cho giáo viên. Một mặt phổ biến kiến thức, quy tắc, kỹ năng phòng chống dịch, diễn tập các kịch bản nhưng mặt khác cũng rất cần trấn an giáo viên: Chúng ta đã hiểu đúng, đã có đầy đủ kiến thức thì hãy thực hiện những bước đi trong lộ trình một cách tuần tự, nhẹ nhàng và bình tĩnh. Cần tạo cho giáo viên tinh thần thật sự bước vào trạng thái bình thường mới.
Đồng thời, giáo viên cũng cần lưu ý những cách hướng dẫn học sinh và cả trong giao tiếp với phụ huynh để ở bất kỳ tình huống nào cũng bình tĩnh và nhẹ nhàng.
Giáo viên cần xác định: trẻ mầm non và đầu cấp tiểu học còn rất nhỏ, do vậy việc trẻ thực hành các quy tắc phòng chống dịch có thể sẽ không đảm bảo hoàn toàn.
Vì thế, giáo viên nên có tinh thần sẽ giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm bệnh chứ không cần căng thẳng phải giữ cho được trạng thái “zero” F0. Đó cũng là xu hướng chung của các trường học trên thế giới hiện nay.
Chào đón trẻ F0 khỏi bệnh
* Theo bà, chuyện kỳ thị học sinh nhiễm COVID-19 liệu có xảy ra? Nhà trường có thể lưu tâm những vấn đề gì để hạn chế việc này?
– Trước hết sẽ xuất phát từ thái độ của mỗi người. Ngày nay, việc nhiễm COVID-19 khá phổ biến và nhiều người nhiễm bệnh không thể biết được nguồn lây.
Hơn nữa, chúng ta đã thống nhất với nhau sẽ dần trở lại cuộc sống bình thường mới, vì vậy, việc đầu tiên là không đổ lỗi cho người nhiễm, đặc biệt khi đó là học sinh nhỏ tuổi.
Một số trường học tại TP.HCM đã khá chú trọng vấn đề này. Khi xuất hiện trường hợp F0, trường sẽ gửi thông báo đến phụ huynh, nhưng sẽ bảo vệ thông tin của học sinh nhiễm bệnh. Cuối email, trường dành những lời chúc tốt lành cho học sinh mau khỏe mạnh.
Trong những ngày học sinh ấy ở nhà, giáo viên thường hỏi thăm sức khỏe. Thầy cô cũng sẽ gửi bài và bố trí những buổi bổ sung kiến thức trực tuyến cho các em.
Một số trường hợp giáo viên có thể vừa giảng bài trên lớp, vừa mở một ứng dụng kết nối trực tuyến với các em ấy. Cũng có nhiều bạn học viết thư hay gửi những lời động viên cho bạn mình không may nhiễm bệnh.
Ở các thành phố lớn, cái nhìn với những học sinh F0 đã dần trở nên bình thường, tuy nhiên những sự e ngại nhất định vẫn còn ở một số tỉnh vùng sâu.
Theo tôi, khi khỏi bệnh và quay trở lại trường học, học sinh nên được thầy cô và bạn bè chào mừng, vì hiện nay nhiễm bệnh và khỏi bệnh rõ ràng là một phước lành với cá nhân học sinh ấy.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo:
“Không để xảy ra kỳ thị học sinh F0”
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có công điện gửi giám đốc các sở giáo dục và đào tạo về một số việc cần lưu ý khi học sinh trở lại trường học trực tiếp.
Bộ trưởng nhấn mạnh: với các em học sinh lớp 1 chưa từng tới trường, nhà trường cần phổ biến các quy định về học tập, sinh hoạt, tổ chức các hoạt động để tạo hứng thú và thoải mái cho học sinh, hướng dẫn học sinh kiến thức phòng dịch…
Bên cạnh đó, các trường cần tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho các em, tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa những học sinh trong lớp học. Đặc biệt, tuyệt đối không để xảy ra việc kỳ thị đối với các trường hợp không may bị F0.
Bình thường đã trở lại
Sáng 11-2, nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM tổ chức lễ đón học sinh lớp 1 đến trường để làm quen với thầy cô giáo, bạn bè, với trường lớp trước khi các em đi học chính thức vào ngày 14-2.
Tại Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1, học sinh lớp 1 được thầy cô giáo đứng đón ngay tại cổng trường, cho các em đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn rồi dẫn các em lên lớp học thay vì tập trung tại sân trường dự lễ hội đón học sinh lớp 1 như mọi năm.
Buổi lễ đón học sinh lớp 1 ở Trường Trần Hưng Đạo đã kết thúc bằng một hoạt động khiến học sinh “ồ” lên thích thú: đó là tặng quà và lì xì đầu năm.
Giáo viên Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM, lì xì đầu năm cho học sinh lớp 1 sáng 11-2 – Ảnh: NHƯ HÙNG
ThS Lê Thanh Hương – hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1 – cho biết: “Lễ đón học sinh lớp 1 năm nay rất khác với mọi năm vì nhà trường phải tuân thủ các quy định phòng chống dịch. Tuy nhiên, thái độ của học sinh lớp 1 cũng rất khác.
Không có cảnh mếu máo, mè nheo như những năm trước mà các em rất hồ hởi và hào hứng khi đến trường.
Có lẽ vì học sinh đã phải học online quá lâu nên các em mong được đi học trực tiếp. Buổi lễ đón học sinh lớp 1 ở trường chúng tôi năm nay tuy tổ chức đơn giản, nhanh gọn nhưng thực sự đã khiến cho cả thầy cô giáo và học trò hạnh phúc.
Điều hạnh phúc lớn nhất là thầy – trò đã được gặp nhau để chuẩn bị cho ngày đi học trực tiếp vào tuần sau, mọi thứ đã dần trở lại bình thường thật rồi”.
Trong khi đó, tại Trường tiểu học Lương Định Của, quận 3, các em học sinh lớp 1 đã vỗ tay hào hứng khi nghe thông báo sẽ được nhận quà đầu năm là một balô đựng sách vở để đi học trực tiếp.
Ngày đầu tiên học sinh Trường Lương Định Của đến trường, các giáo viên chủ nhiệm đã hướng dẫn các em cách đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách; lối di chuyển từ cổng trường lên lớp học cùng những quy định của nhà trường khi đi học.
HOÀNG HƯƠNG