25/12/2024

Khủng hoảng Ukraine bước vào ‘thời khắc nguy hiểm’

Khủng hoảng Ukraine bước vào ‘thời khắc nguy hiểm’

Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục kêu gọi công dân Mỹ rời khỏi Ukraine sớm nhất có thể giữa cuộc khủng hoảng an ninh được xem là lớn nhất tại châu Âu trong nhiều thập niên.

 

 

Nguy cơ chiến tranh thế giới ?

Trong bối cảnh căng thẳng giữa phương Tây và Nga liên quan tình hình Ukraine chưa hạ nhiệt, không quân Mỹ hôm qua điều 4 oanh tạc cơ B-52 đến một căn cứ tại Anh và một số chiến đấu cơ F-15 đến căn cứ tại Ba Lan. Trong khi các máy bay B-52 được “triển khai định kỳ theo kế hoạch từ lâu”, không quân Mỹ tuyên bố các máy bay F-15 được đưa đến Ba Lan nhằm hoạt động cùng đồng minh để thực hiện nhiệm vụ tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ của NATO giữa lúc Nga tiếp tục dồn quân quanh Ukraine.

Khủng hoảng Ukraine bước vào 'thời khắc nguy hiểm' - ảnh 1
Xe tăng Ukraine tập trận tại vùng Kharkiv ngày 10.2  AFP

Theo CNN, NATO hiện có khoảng 12.000 binh sĩ tại các nước Đông Âu như Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Romania. Cùng với đó là hiện diện của các máy bay làm nhiệm vụ tuần tra và các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo đặt tại Ba Lan và Romania. Trong khi đó, phương Tây cáo buộc Nga đang tập trung hơn 100.000 binh sĩ quanh Ukraine và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm qua lặp lại cảnh báo rằng Nga có thể mở cuộc tấn công bất kỳ lúc nào, dù Moscow một mực bác bỏ.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc phỏng vấn với NBC News nhận xét phương Tây đang đối đầu với một trong những quân đội lớn nhất thế giới và tình hình có thể hỗn loạn nhanh chóng. Nhà lãnh đạo kêu gọi công dân Mỹ sớm rời khỏi Ukraine và cảnh báo chính phủ sẽ không điều quân đến nước này để sơ tán công dân trong trường hợp xảy ra chiến sự. “Khi người Mỹ và Nga bắt đầu nổ súng vào nhau, đó là một cuộc chiến tranh thế giới”, ông Biden nói.Phát biểu tại trụ sở NATO ngày 10.2 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng đây là “thời khắc nguy hiểm nhất trong cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất mà châu Âu đối diện trong nhiều thập niên”.

Ngoại giao bế tắc

Trong bối cảnh không khí ngày càng bị dồn nén, những nỗ lực ngoại giao nhằm tháo ngòi căng thẳng lại không mang lại dấu hiệu tích cực.

Reuters đưa tin cuộc họp của nhóm Bộ tứ Normandy (Đức, Pháp, Nga, Ukraine) tại Berlin ngày 10.2 nhằm giải quyết xung đột tại miền đông Ukraine kết thúc sau 9 giờ đàm phán nhưng không có kết quả đột phá nào, tuy các bên đồng ý tiếp tục đối thoại.

Mỹ – Trung đấu khẩu về Ukraine

Trong cuộc phỏng vấn hôm qua trên CNN, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield kêu gọi Trung Quốc vận động Nga “làm điều đúng đắn” liên quan đến tình hình Ukraine. Đáp lại, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân cáo buộc Mỹ đang thổi bùng căng thẳng. “Thông điệp của chúng tôi là nhất quán và rõ ràng: Giải quyết bất đồng bằng ngoại giao. Những lo ngại an ninh chính đáng của Nga nên được giải quyết nghiêm túc”, ông Trương viết trên Twitter.

Trong khi đó, chuyến thăm của Ngoại trưởng Anh Liz Truss đến Moscow để gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov cũng không giúp cải thiện tình hình. AP đưa tin bà Truss lặp lại yêu cầu Nga rút quân khỏi biên giới và cảnh báo sẽ trả giá nặng nề nếu động binh, trong khi ông Lavrov cho rằng lo ngại của phương Tây về chuyển động quân sự của Nga chỉ là màn tuyên truyền và nhấn mạnh Moscow không chấp nhận sự “lên lớp” của bất kỳ ai. Ngoại trưởng Nga tuyên bố thất vọng về cuộc đối thoại và miêu tả đó giống như cuộc nói chuyện giữa “kẻ câm và người điếc” khi phương Tây thẳng thừng từ chối luận điểm của Nga.

Cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley có cuộc điện đàm cùng Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Belarus Viktor Gulevich nhằm giảm nguy cơ tính toán sai và nắm bắt triển vọng về tình hình an ninh của châu Âu. Sắp tới, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ đến thăm Ukraine và Nga trong ngày 14 – 15.2 để tiếp tục những nỗ lực ngoại giao nhằm “ngăn chặn cuộc chiến tranh tại châu Âu”.

BẢO VINH

TNO