24/11/2024

‘Bộ tứ an ninh’ tuyên bố chống chèn ép ở Indo-Pacific

‘Bộ tứ an ninh’ tuyên bố chống chèn ép ở Indo-Pacific

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Washington vẫn xem việc Trung Quốc thách thức “trật tự truyền thống” tại khu vực là nguy cơ dài hạn cần phải đối phó. 

 

 

Trong cuộc hội đàm diễn ra hôm qua (11.2) tại TP.Melbourne (Úc), các ngoại trưởng Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ, tức nhóm “Bộ tứ kim cương”, đã cam kết tăng cường quan hệ hơn nữa nhằm đảm bảo giải phóng khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific) khỏi tình trạng bị “chèn ép”.

Phát biểu mở màn hội đàm, Ngoại trưởng Marise Payne của chủ nhà Úc khẳng định mục tiêu của nhóm “bộ tứ” là mang đến cơ hội để các nước có chủ quyền có thể tự do đưa ra những lựa chọn chiến lược của riêng họ mà không bị cưỡng ép.

'Bộ tứ an ninh' tuyên bố chống chèn ép ở Indo-Pacific - ảnh 1
Các ngoại trưởng nhóm “bộ tứ” thảo luận nhiều vấn đề nóng của thế giới REUTERS

“Các ngoại trưởng nhóm bộ tứ một lần nữa xác nhận hoàn toàn ủng hộ các nguyên tắc về sự cởi mở, minh bạch, nỗ lực bảo vệ chủ quyền của các quốc gia và việc tuân thủ các quy tắc và luật lệ công bằng”, nữ ngoại trưởng phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội đàm.

Họ cũng thảo luận cách thức phối hợp ứng phó các thảm họa đến từ thiên tai, và nhất trí hỗ trợ các nước Indo-Pacific chống nạn khai thác ngư trường bất hợp pháp.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh chính quyền Washington vẫn xem việc Trung Quốc thách thức “trật tự truyền thống” tại khu vực là nguy cơ dài hạn cần phải đối phó. “Trật tự quốc tế đang bị thách thức trên nhiều lĩnh vực”, Kyodo News dẫn lời Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi. Nhà ngoại giao cho rằng nhóm “bộ tứ” có thể “đóng vai trò lớn” trong việc tìm ra giải pháp khả dĩ cho các vấn đề này. Triều Tiên và Ukraine cũng là đề tài trọng tâm trong nghị trình thảo luận giữa 4 nước.

Cũng liên quan tình hình khu vực, Bộ Ngoại giao Mỹ vừa phê chuẩn thương vụ tiềm năng với Indonesia, theo đó có thể chuyển giao đến 36 tiêm kích F-15ID và các thiết bị liên quan. Theo Reuters, tổng giá trị hợp đồng lên đến 13,9 tỉ USD, cho phép Indonesia sở hữu phiên bản nâng cấp mới nhất của dòng tiêm kích Mỹ. Cùng ngày, Indonesia thông báo kế hoạch mua 42 chiến đấu cơ Rafale của Pháp, với tổng giá trị hợp đồng là 8,1 tỉ USD.

 

THUỴ MIÊN

TNO