24/11/2024

Nam sinh 18 tuổi ‘cách tân’ sách giáo khoa

Nam sinh 18 tuổi ‘cách tân’ sách giáo khoa

Trên cơ sở sách giáo khoa hiện hành, một học sinh lớp 12 đã thiết kế, dàn trang lại thành phiên bản mới có hiệu ứng thị giác ấn tượng.

 

 

Ngày 6.2 vừa qua, Trần Lâm Nam Bảo, học sinh (HS) lớp 12A5 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) đăng tải 6 phiên bản sách giáo khoa (SGK) lớp 12 “cách tân” của các môn vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn, lịch sử và địa lý, thu hút hàng chục nghìn lượt thích và chia sẻ trên mạng xã hội.

Bốn năm trước, vào tháng 9.2018, Đoàn Nguyễn Phương Danh (thời điểm đó là HS lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM) lần đầu ra mắt phiên bản thiết kế lại SGK lịch sử khối lớp 10, 11 và 12, với đầy đủ các nội dung được chắt lọc từ nguyên tác. Bộ sách nhanh chóng được cả HS và giáo viên ủng hộ, bởi đây là lần đầu tiên HS “dấn thân” thay đổi giao diện truyền thống của SGK, dù chỉ dừng ở mức độ dự án cá nhân.

Nam sinh 18 tuổi 'cách tân' sách giáo khoa - ảnh 1
Dự án thiết kế lại sách giáo khoa của Nam Bảo nhận về lượng lớn ủng hộ trên mạng xã hội  NAM BẢO

SGK hiện hành thiết kế không thu hút học sinh

Theo Nam Bảo, SGK hiện hành tuy đã làm rất tốt nhiệm vụ phổ cập kiến thức nhưng thiếu thu hút với HS, như bìa sách chỉ được thiết kế đơn giản, cách trình bày nội dung bài học chưa đa dạng mà thường theo một khuôn khổ có sẵn… Điều này hoàn toàn đối lập với những quyển sách học thuật tiếng Anh mà nam sinh từng được tiếp cận.

“Đa số sách ngoại đầu tư nhiều màu sắc, hình ảnh, mỗi bài học được thiết kế theo những phong cách khác nhau. Vì thế, em muốn mang luồng gió đó đến những trang sách phổ thông nước mình vốn chứa dày đặc chữ, thiếu sự đa dạng phông chữ và tính sáng tạo trong trình bày”, Bảo nói và cho biết thêm dự án được thực hiện trong khoảng thời gian nghỉ tết và mất hơn một tuần để cho ra thành phẩm cuối cùng.

Mong ngành giáo dục đặt mình vào góc nhìn thẩm mỹ của học sinh

Thông qua dự án cá nhân này, Bảo mong muốn sẽ tiếp thêm cảm hứng học tập cho bạn bè đồng trang lứa, cũng như hy vọng ngành giáo dục sẽ đặt mình vào góc nhìn thẩm mỹ của HS nhiều hơn khi biên tập SGK, thay vì chỉ chú trọng vấn đề học thuật. “Bộ sách hiện hành tuy có lượng kiến thức đầy đủ, nhưng thứ cần thiết hơn chính là động lực tìm tòi, học hỏi thêm của HS sau mỗi bài học. Và một giao diện bắt mắt sẽ thúc đẩy tinh thần đó rất nhiều”, Bảo nhận định.

Đam mê sáng tạo từ tiểu học, nam sinh cho hay ngày còn bé thường vẽ tranh và chơi game thiết kế nội thất để giải trí. Đến năm lớp 9, Bảo biết đến lĩnh vực thiết kế đồ họa và nhận thấy đây chính là đam mê của mình. Từ đó, chàng trai 18 tuổi dành mỗi tối sau khi đi học về để tìm tòi, khám phá kiến thức mới về ngành, luyện tư duy và mắt thẩm mỹ qua các dự án của những người có thâm niên trong ngành.

“Quan trọng nhất là thực hành. Em chủ động tìm kiếm cơ hội để luyện kỹ năng, như thiết kế miễn phí cho bạn bè, tham gia câu lạc bộ, ứng tuyển vào những thương hiệu quần áo, lễ hội âm nhạc. Từ đó, em đã cải thiện tay nghề rất nhiều”, Bảo tâm sự.

Đó cũng là lý do những trang sách của nam sinh đạt được sự hài hòa giữa nội dung và hình ảnh, khiến bài học và những câu chuyện khoa giáo không chỉ được truyền tải qua chữ viết mà còn bằng những hình ảnh, hình vẽ bắt mắt.

Nam sinh 18 tuổi 'cách tân' sách giáo khoa - ảnh 2
Trần Lâm Nam Bảo  NVCC

“Nhân cách hóa” trang sách

Kể về quá trình thực hiện bộ sách, Bảo cho biết đầu tiên phải tự tìm hiểu và học chuyên sâu về thiết kế sách, vì khác với thiết kế đồ họa, thiết kế sách đề cao bố cục của các đoạn văn, hình ảnh. “Sau đó, em tìm cảm hứng từ những phong cách thiết kế trên thế giới, cuối cùng mới lên ý tưởng về bộ sách và thực hiện bằng các phần mềm Illustration, Photoshop và Indesign”, nam sinh bật mí.

Điểm đặc biệt trong những trang sách, theo Bảo, là sự đề cao khoảng trắng và phân cấp thông tin, giúp HS không cảm thấy chán nản bởi lượng thông tin quá lớn. “Màu sắc và hình ảnh thu hút cũng khiến việc nhớ bài nhanh hơn, vì học bằng hình ảnh bao giờ cũng tốt hơn bằng chữ”, Bảo kể.

Với mong muốn mỗi quyển sách đều có một cá tính riêng, đóng vai trò như người bạn của HS, Bảo không “đóng khung” mình trong một phong cách thiết kế cố định mà áp dụng nhiều lựa chọn khác nhau cho từng môn học như phong cách hoài cổ, hiện đại hay tối giản.

Nam sinh thổ lộ: “Bằng cách “nhân cách hóa” bộ sách, một bạn yêu thích vật lý sẽ ngày càng thích thú và tự hào hơn về bộ môn của mình, ngược lại một bạn chưa hứng thú với bộ môn này sẽ muốn khám phá về nó hơn”.

Trong dự án của mình, Bảo tâm đắc nhất với quyển sách hóa học. Với Bảo, môn học này là “cơn ác mộng tệ nhất”, cho đến khi em học được cách tối giản thông tin và lập sơ đồ tư duy. “Chính vì thế, em đã áp dụng hình thức này trong thiết kế bài học, giúp những bạn cùng hoàn cảnh có một phương pháp tốt để dễ học phương trình, hiện tượng hơn”, nam sinh kể. (còn tiếp)

 

NGỌC LONG

TNO