Học sinh chưa được học bán trú, phụ huynh ‘chưa làm xong đã phải căn giờ đi đón con’
Học sinh chưa được học bán trú, phụ huynh ‘chưa làm xong đã phải căn giờ đi đón con’
Từ ngày 8-2, lớp 7 đến lớp 12 tại các vùng có cấp độ dịch 1, 2 tại TP Hà Nội chính thức trở lại trường học trực tiếp. Nhưng việc chưa cho học bán trú khiến nhiều phụ huynh ‘chưa làm xong đã phải căn giờ đi đón con’.
Hiện việc học trực tiếp chỉ học 1 buổi/ngày, đồng thời không ăn bán trú tại trường.
Với yêu cầu trên, nhiều phụ huynh “vừa mừng, vừa lo”, mừng là bởi con được trở lại trường, nhưng cũng lo lắng, loay hoay tìm cách đón con vì giờ tan học “lỡ cỡ”.
Cụ ông 78 tuổi vượt 12km để đón cháu vì “bố mẹ bận đi làm”
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online thời điểm 10h trưa 11-2, tại một số trường THCS tại quận Cầu Giấy, Ba Đình, Tây Hồ… rất nhiều phụ huynh, người thân của các em học sinh đã “đội” mưa rét, sắp xếp công việc đứng đợi tại các cổng trường để đón con, cháu của mình sau giờ tan học buổi sáng.
Con trai và con dâu của mình bận đi làm, không thể đón con sau giờ tan học lúc giữa trưa, ông Phạm Chí Thanh (78 tuổi, Long Biên) đã phải lái xe máy hơn 12km đi từ Long Biên tới một trường liên cấp tại quận Ba Đình để đón cháu.
“Các cháu không được học bán trú nên tôi thấy rất vất vả, nếu như một ngày đón các cháu một lần vào buổi chiều thì rất thuận tiện vì bố mẹ của các cháu sắp xếp được công việc để tới đón. Còn bây giờ tôi phải thay bố mẹ đi đón cháu nên cũng rất căng vì tuổi cũng cao rồi, nhưng không đi đón thì cũng không ai đón được cả, vì bố mẹ các cháu bận đi làm.
Ngoài ra, việc các con không được học bán trú, tan học giữa trưa như thế này bố mẹ đi làm cũng không được yên tâm, sốt ruột vì con cái. Tôi già rồi, đi đường xa các con tôi cũng rất lo lắng”, ông Thanh nói.
Được biết, hiện mỗi ngày ông Thanh phải sắp xếp thời gian để đi đón 2 cháu ruột, một cháu học lớp 7, một cháu học lớp 9. Ông Thanh cho rằng hiện nay nếu được học bán trú thì sẽ “rất thuận tiện và đỡ vất vả cho cả học sinh và phụ huynh”.
Trưa 11-2, anh Phạm Quốc Bảo (38 tuổi, Thanh Xuân) cũng phải sắp xếp công việc để kịp tới trường đón con sau giờ tan học buổi sáng.
“Rất bất tiện khi vẫn đang trong giờ làm lại phải sắp xếp công việc để đón con, nhưng vì tình hình dịch chung nên phải cố gắng để vừa đảm bảo công việc tại công ty, vừa đón được con”, anh Bảo nói.
Anh Bảo cho biết thêm, ở công ty anh đang công tác, hầu hết mọi người đều đang ở trong hoàn cảnh giống mình, phải sắp xếp thời gian đi đón con giữa trưa. Mọi người phải nhờ các đồng nghiệp chưa có gia đình choàng gánh tạm công việc để tranh thủ đón con.
Còn ông N. (50 tuổi) nói: “Tôi phải xin phép cơ quan tranh thủ đi đón con giữa trưa, việc chưa được học bán trú gây bất tiện cho chúng tôi. Hai vợ chồng phải luân phiên nhau, lúc nào bận không đi đón con được thì phải tìm cách để nhờ người đến đón.
Tôi mong dịch bệnh sớm ổn, học sinh được học cả ngày, giờ giấc tan ca hợp lý để chúng tôi thuận tiện đón con, chứ không phải đi giữa lúc làm việc như thế này”.
Chưa học bán trú, “an toàn nhưng hơi bất tiện”
Em Trương Minh Châu – học sinh lớp 8, Trường THCS Thực Nghiệm (Ba Đình) – nói: ‘Việc học bán trú khi ăn cơm ở trường phải cởi khẩu trang ra cũng khá nguy hiểm, dù học phải về giữa trưa hơi bất tiện nhưng em thấy an toàn cho sức khỏe”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online trưa 11-2, bà Trịnh Hồng Vân – hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân Trung – cho biết việc học sinh chưa được học bán trú gây ra nhiều khó khăn cho phụ huynh trong việc đưa đón trẻ.
“Tình trạng trên xảy ra không chỉ ở Trường Thanh Xuân Trung mà xảy ra ở hầu khắp các nhà trường ở Hà Nội. Nhiều phụ huynh có tâm tư, mong muốn khi mở lại trường học thì các con được ăn bán trú, để việc bố mẹ an tâm làm việc, không phân tâm về việc sắp xếp đi đón con.
Hiện mỗi gia đình hầu như đều có 2 con đi học, có con học sáng, có con phải học chiều, vì vậy nhiều phụ huynh chưa làm xong đã phải căn giờ đi đón con” – bà Vân đồng cảm.
Theo bà Vân, để hỗ trợ tối đa cho phụ huynh, nhà trường sẽ thông báo tới học sinh các khung giờ tan học để cho phụ huynh chủ động, còn việc chưa được học bán trú, nhà trường vẫn phải thực hiện theo yêu cầu từ TP Hà Nội.
Hiện Trường THCS Thanh Xuân Trung đang chia 2 ca để dạy học, với khối 8, 9 sẽ học sáng, các khối 6, 7 sẽ học chiều nhằm đảm bảo giãn cách học sinh.
“Với những trường hợp quá khó khăn, không thể sắp xếp đón con, nhà trường cũng sẽ có lực lượng để giúp.
Ví dụ có các bác, các thầy cô giáo ở gần nhà các học sinh trên thì có thể nhờ các thầy cô đưa các em về, đỡ đần cho phụ huynh. Tuy nhiên việc làm này sẽ không hỗ trợ được nhiều và không thể lâu dài”, bà Vân nói thêm.