24/11/2024

Doanh nghiệp sản xuất ở TP.HCM quyết ‘lấy lại những gì đã mất’

Doanh nghiệp sản xuất ở TP.HCM quyết ‘lấy lại những gì đã mất’

Các doanh nghiệp sản xuất cho hay đơn hàng trong năm mới đều dồi dào, nhiều doanh nghiệp có đơn hàng đến hết tháng 6, thậm chí quý 3, cộng với nguồn lao động đông đủ khiến cho không khí sản xuất năm mới sôi động.

 

Doanh nghiệp sản xuất ở TP.HCM quyết ‘lấy lại những gì đã mất’ - Ảnh 1.

Công nhân của Công ty TNHH điện tử DLG Ansen sản xuất tại Khu công nghệ cao TP.HCM với đơn hàng dồi dào – Ảnh: N.HIỂN

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề đều cho hay trải qua 2 năm đại dịch, các doanh nghiệp bước vào giai đoạn sản xuất mới với tâm thế sẵn sàng “lấy lại những gì đã mất” trong thời gian dịch vừa qua.

Như nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu tại Khu công nghệ cao TP.HCM, cả ban lãnh đạo lẫn người lao động Công ty TNHH điện tử DLG Ansen hào hứng bước vào năm mới khi đơn hàng đã ổn định cho cả năm nay.

Ông Đặng Công Bình – giám đốc công ty – cho hay, năm ngoái doanh nghiệp đã nỗ lực sản xuất trong suốt thời gian dịch COVID-19 nên đối tác Mỹ, châu Âu tin tưởng tiếp tục đặt hàng, lượng đơn hàng năm mới dồi dào với giá trị xuất khẩu ước đạt khoảng 6 triệu USD, nếu việc kiểm soát dịch duy trì như hiện nay, giá trị xuất khẩu có thể vượt mục tiêu.

Theo ông Bình, do hệ lụy bởi COVID-19, các chuỗi cung ứng đứt gãy, một số ngành nghề đối diện nguy cơ gián đoạn sau một thời gian sản xuất hàng dự trữ, riêng ngành điện tử một số doanh nghiệp có tình trạng khan hàng đối với các loại chip điện tử, dẫn đến đầu ra sản phẩm cũng ảnh hưởng. Tuy nhiên, may thay doanh nghiệp này đã lường trước tình hình nên chủ động đặt hàng từ trước, đến bây giờ “thở phào”, yên tâm sản xuất.

Ông Đoàn Võ Khang Duy, phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí – điện TP.HCM, cho hay khảo sát đối với các doanh nghiệp trong hội cho thấy một thông tin rất tích cực đó là “không có doanh nghiệp nào trong hội than không có đơn hàng”.

Ông Duy kỳ vọng các doanh nghiệp ngành cơ khí – điện sẽ phục hồi tốt trong năm nay. Tuy vậy, ông Duy vẫn chỉ ra những nỗi lo khi giá vận chuyển hàng hóa xuất khẩu vẫn còn quá cao, giá nguyên vật liệu tăng, khan hiếm… sẽ tác động đến doanh nghiệp. Do đó, nhiều doanh nghiệp bên cạnh nỗ lực duy trì xuất khẩu cũng định vị lại thị trường, chú trọng hơn thị trường trong nước. Bản thân doanh nghiệp của ông Duy thời gian qua cũng nhận được nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp lớn trong nước, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp nội cung ứng tốt hơn cho thị trường Việt.

Ông Ngô Xuân Mạnh – tổng giám đốc Công ty CP Cơ điện lạnh Đại Việt – cho biết sau khi tái cấu trúc trong thời gian dịch, doanh nghiệp này đã đặt kế hoạch cho giai đoạn 2022-2026 không chỉ dừng lại ở việc phục hồi bằng trước dịch mà với sự chuẩn bị kỹ lưỡng chủ động về sản xuất, nhà máy 100.000m², doanh nghiệp này đặt mục tiêu mảng thị trường nội địa tăng trưởng 30% hằng năm và mảng xuất khẩu cũng đạt mức 50-100% mỗi năm trong những năm tới.

“Với thị trường quốc tế, năm 2022 là một năm cơ hội khi cả thế giới đa dạng nguồn cung và chính sách Trung Quốc +1 thì chúng tôi tin rằng cơ hội có những khách hàng mới, đơn hàng mới là hoàn toàn có thể và cơ hội rất cao cho các nhà sản xuất Việt Nam trong đó có doanh nghiệp chúng tôi” – ông Mạnh nói.

Ông Nguyễn Anh Thi – trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM – cho biết sản xuất của các doanh nghiệp trong khu đã phục hồi khá nhanh, trong năm 2021 giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao đạt hơn 20,1 tỉ USD, tăng 1,43% so với cùng kỳ.

Trên cơ sở kết quả phục hồi sản xuất khá nhanh những tháng cuối năm 2021, ông Thi nhận định nếu dịch COVID-19 được kiểm soát tốt và không có những diễn biến phức tạp, dự kiến giá trị sản xuất trong năm 2022 của các doanh nghiệp trong khu sẽ tăng khoảng 15% so với năm 2021, đây là tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trung bình của Khu công nghệ cao TP trong các năm qua.

Biết tận dụng cơ hội từ các FTA

Phó chủ tịch Hội Dệt may – thêu đan TP.HCM Phạm Văn Việt cho hay các doanh nghiệp Việt đã biết tận dụng tốt cơ hội từ đại dịch, cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và Nhà nước cũng đã hỗ trợ tốt cho nhiều doanh nghiệp trong ngành này để đẩy mạnh xuất khẩu.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng cho đến tháng 6, thậm chí quý 3.

“Các doanh nghiệp dệt may Việt đang cố gắng hình thành nên các chuỗi cung ứng để gia tăng giá trị và phát triển bền vững, doanh nghiệp nỗ lực xây dựng thương hiệu, là nhà cung cấp có uy tín, có thương hiệu riêng cho mình để sẵn sàng thích ứng với các tình huống bất ngờ như thời gian vừa rồi” – ông Việt khẳng định.

NGỌC HIỂN
TTO