25/12/2024

WHO khẳng định ‘Dù bạn sống ở đâu, COVID-19 vẫn chưa kết thúc’

WHO khẳng định ‘Dù bạn sống ở đâu, COVID-19 vẫn chưa kết thúc’

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các nước giàu đóng góp 16 tỉ USD cho kế hoạch chống COVID-19, trong bối cảnh ca nhiễm toàn cầu vượt mốc 400 triệu ca.

 

WHO khẳng định Dù bạn sống ở đâu, COVID-19 vẫn chưa kết thúc - Ảnh 1.

Chương trình COVAX đã phân phối 1 tỉ liều vắc xin trên toàn cầu tính tới giữa tháng 1 – Ảnh: AFP

Ngày 9-2, WHO cho biết việc bơm tiền nhanh chóng cho chương trình “Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19” (ACT-A) có thể giúp chấm dứt tình trạng khẩn cấp của COVID-19 trong năm nay.

Theo Hãng tin AFP, ACT-A là chương trình toàn cầu về ứng phó với COVID-19 của WHO. Chương trình cần 23,4 tỉ USD để triển khai các hành động từ tháng 10-2021 đến tháng 9-2022.

Trọng tâm của ACT-A bao gồm chương trình COVAX – tập trung vào phân phối công bằng vắc xin, cung cấp các xét nghiệm và phương pháp điều trị cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, trang bị bảo hộ cá nhân (PPE) cho nhân viên y tế.

Cho tới nay, ACT-A mới chỉ huy động được 800 triệu USD. Do đó, WHO thúc các nước giàu chi trả phần của họ, trị giá 16 tỉ USD. Phần còn lại do các nước có thu nhập trung bình chi trả.

ACT-A cần Mỹ đóng góp nhiều nhất, ở mức 6 tỉ USD. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cùng Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store đã viết thư cho 55 nước giàu để khuyến khích họ hành động.

Tình hình cấp bách vì Omicron

WHO khẳng định Dù bạn sống ở đâu, COVID-19 vẫn chưa kết thúc - Ảnh 2.

Xét nghiệm COVID-19 ở Malaysia – Ảnh: REUTERS

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron khiến tình hình phân phối các xét nghiệm, phương pháp điều trị và vắc xin càng trở nên cấp bách.

“Bất kể bạn sống ở đâu, COVID-19 vẫn chưa kết thúc – ông Tedros nói – Khoa học đã cho chúng ta các công cụ để chống lại COVID-19, nếu chúng được chia sẻ trên toàn cầu, chúng ta có thể chấm dứt tình trạng khẩn cấp của COVID-19 trong năm nay”.

Chỉ 0,4% trong số 4,7 tỉ xét nghiệm COVID-19 trên toàn cầu được thực hiện ở các nước có thu nhập thấp. Đồng thời, chỉ 10% người dân ở các quốc gia này đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin.

WHO cho biết việc phân phối bất bình đẳng vắc xin và xét nghiệm không chỉ gây thiệt hại về sinh mạng và làm tổn thương các nền kinh tế, mà còn có nguy cơ làm xuất hiện các biến thể mới.

Cùng ngày, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho biết vượt qua đại dịch trong năm nay là điều nằm trong tầm tay, “nhưng chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ”.

Tin vắn:

+ Malaysia ghi nhận 17.134 ca mắc mới COVID-19 vào ngày 9-2, cao nhất kể từ tháng 9-2021.

+ Indonesia đã bắt đầu thử nghiệm trên người vắc xin COVID-19 tự nghiên cứu.

+ Thụy Điển dỡ bỏ gần như tất cả hạn chế phòng dịch vào ngày 9-2 và ngừng hầu hết xét nghiệm, ngay cả khi các nhà khoa học khuyến cáo cần kiên nhẫn hơn.

MINH KHÔI
TTO