Việt Nam cần tạo thương hiệu xanh để thu hút thế giới
Việt Nam cần tạo thương hiệu xanh để thu hút thế giới
Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Carolyn Turk cho rằng Việt Nam đối mặt với cả thách thức và cơ hội hậu đại dịch, và phát triển xanh sẽ là yếu tố giúp đất nước vượt lên.
Nhiều yếu tố để lạc quan về kinh tế Việt Nam
* Theo báo cáo Điểm lại cập nhật triển vọng kinh tế Việt Nam của WB, Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 5,5% trong năm nay. Theo bà, đâu là những yếu tố sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng của Việt Nam?
– Tôi nghĩ những gì chúng ta đã thấy trong vài tháng qua là sự tăng trưởng ấn tượng của hoạt động xuất khẩu và sản xuất tại Việt Nam. Và tôi kỳ vọng điều này sẽ còn kéo dài cho đến năm sau.
Những điều này sẽ giúp ích rất nhiều để thúc đẩy tăng trưởng và duy trì sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất. Chúng ta cũng đã thấy những quyết sách của Chính phủ về gói kích thích kinh tế, và tôi cho rằng nếu dòng vốn được sử dụng hiệu quả, điều này sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phục hồi thông qua các tác động lan tỏa từ đầu tư.
Đây là những yếu tố có thể khiến chúng ta lạc quan về triển vọng kinh tế trong năm tới. Tuy nhiên, sự khó đoán định của đại dịch vẫn là nỗi lo lớn. Việt Nam đang ở vị thế tốt với nền tảng tiêm chủng tốt sẽ giúp hệ thống y tế không bị quá tải, có thể sẽ không gây tác động quá lớn tới nền kinh tế. Nhưng thế giới vẫn còn quá nhiều bất ổn và 2022 sẽ là một năm khó đoán định.
* Năm 2021, Việt Nam ghi nhận kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục với hơn 330 tỉ USD. Theo bà, triển vọng xuất khẩu của Việt Nam năm nay sẽ thế nào với giả định Việt Nam đã thích ứng tốt với COVID-19?
– Tôi nghĩ việc thích ứng là điều bắt buộc, tôi kỳ vọng xu hướng tích cực của xuất khẩu sẽ còn kéo dài nếu kinh tế thế giới đi vào quỹ đạo ổn định, tất nhiên là với điều kiện sẽ không có những yếu tố tiêu cực lớn ở những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ hay châu Âu.
Tôi đã có các cuộc gặp với những doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, nội thất hay sản xuất pin mặt trời. Tất cả đều cho rằng nhu cầu đang tăng mạnh, và điều này có thể sẽ kéo dài cho đến hết năm. Nhưng mọi thứ sẽ phụ thuộc vào xu hướng của nền kinh tế toàn cầu, và tất nhiên là nhu cầu nhập khẩu từ các nền kinh tế lớn.
* Quốc hội Việt Nam gần đây đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 15,4 tỉ USD để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Bà đánh giá thế nào về gói hỗ trợ này?
– Tôi cho rằng đây là bước đi đáng được hoan nghênh. Điều quan trọng là tăng cường hiệu quả đầu tư công. Vào cuối năm ngoái, Thủ tướng đã nói rất nhiều về sự cần thiết thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Tôi cho rằng Chính phủ cần nghiên cứu về các hoạt động đầu tư vốn là một trong các ưu tiên trong gói kích thích. Đặc biệt, cần đánh giá các dự án có thể mang lại lợi ích ngắn hạn trong phục hồi từ cuộc khủng hoảng, bên cạnh đó là đặt nền móng cho chiến lược tăng trưởng trong tương lai, hướng tới mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045.
Do đó, việc đầu tư không nên chỉ nhìn vào ngắn hạn. Tôi cho rằng nên đầu tư vào chuyển đổi số và công nghệ xanh. Nhiều nơi tại Việt Nam đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ hiện tượng này, ví như Đồng bằng sông Cửu Long, với tình trạng nước biển dâng, xói mòn, xâm nhập mặn, nên đầu tư vào chuyển đổi số và công nghệ xanh sẽ giúp Việt Nam quản lý tác động từ biến đổi khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu. Điều này sẽ giúp mang lại các lợi ích cả ngắn và dài hạn đối với Việt Nam trong quá trình phát triển.
Một khía cạnh khác là tiếp tục thúc đẩy hỗ trợ an sinh và trợ giúp xã hội. Như chúng ta đã thấy từ đại dịch, có nhiều rủi ro đối với nền kinh tế, đặc biệt là thị trường lao động. Hiện nay, nhiều người có kế sinh nhai phụ thuộc vào khu vực kinh tế phi chính thức. Nếu có một cú sốc đối với thị trường lao động, điều này sẽ gây tác động mạnh tới cuộc sống của họ. Do đó, đây có lẽ là thời điểm thích hợp để Chính phủ nghĩ về một hệ thống bảo trợ xã hội thích hợp cho tương lai.
Tôi chúc các bạn sẽ kiểm soát được sự bất ổn trong năm tới bằng cách đưa ra những quyết định mạnh mẽ. Tôi cũng mong muốn rằng một quá trình chuyển đổi thực sự bắt đầu có thể đưa Việt Nam đi trên con đường mang lại tăng trưởng vững chắc cho tương lai để trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045.
Bà Carolyn Turk gửi lời chúc Việt Nam đầu năm Nhâm Dần
Thương hiệu xanh Việt Nam
* Trong bối cảnh hậu đại dịch, các nền kinh tế lớn như Mỹ và EU đang phục hồi. Theo bà, đâu là những yếu tố mà Việt Nam có thể tận dụng để hỗ trợ sự phục hồi nền kinh tế, và Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thế giới?
– Tôi thấy ấn tượng về sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam sau nhiều đợt phong tỏa, đặc biệt là ngành sản xuất. Tôi cho rằng một trong những yếu tố giúp làm tăng tính cạnh tranh của Việt Nam là theo hướng xanh hóa, bởi xu hướng con người sẽ ngày càng hướng tới cuộc sống xanh và sản xuất xanh.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể thúc đẩy chuyển đổi số. Trong thời gian đại dịch, người dân buộc phải làm việc từ xa, mọi hoạt động giao dịch được thực hiện trên môi trường số. Chúng ta đã chứng kiến bước tiến lớn trong quá trình chuyển đổi số ở nền kinh tế Việt Nam, nhưng các bạn vẫn ở phía sau trong quá trình chuyển đổi số trong hoạt động quản trị, các mô hình dịch vụ và nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Chuyển đổi số và công nghệ số cũng cần được triển khai ở các ngành nông nghiệp. Đây là lĩnh vực rất tiềm năng.
Về phía WB, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về chuyển đổi số. Chúng tôi hỗ trợ vốn vay cho chính phủ, hay như IFC cũng thuộc WB hỗ trợ vốn cho khối tư nhân. Rõ ràng nhiều nguồn vốn đầu tư trong lĩnh vực năng lượng có thể đến từ khối tư nhân.
* Trong báo cáo Điểm lại của WB có nói việc chuyển hướng sang phát triển xanh sẽ mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam, bà có thể nói rõ hơn về nhận định này?
– Tôi cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam có thể vượt lên phía trước. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra những tuyên bố khá tham vọng tại COP26 về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là một cam kết mạnh mẽ nhằm giải quyết một vấn đề toàn cầu. Nhưng đây cũng là một bước đi thông minh của Việt Nam bởi những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đang ngày càng lo ngại về vấn đề xả thải carbon tại các nhà máy ở Việt Nam.
Điều này được minh chứng từ những công ty đang hoạt động tại đây, và cả những dự án sắp tới. Ví dụ như dự án nhà máy Lego vừa được ký kết và sẽ xây dựng ở miền Nam Việt Nam, mà một phần trong thỏa thuận là việc sử dụng nguồn năng lượng sạch. Và xu hướng tới đây, bạn sẽ thấy nhu cầu tiêu dùng ở các nước phát triển gắn liền với vấn đề về khí thải ở những nước sản xuất. Họ sẽ quan tâm về quần áo họ mặc, thiết bị điện tử sử dụng hay sản phẩm ăn uống có được sản xuất theo quy trình thân thiện với môi trường hay không. Những yếu tố này sẽ sớm trở thành một phần của sự cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.
Việt Nam có thể suy nghĩ về việc đặt ra các tiêu chuẩn về thương hiệu xanh Việt Nam, hoặc một hướng đi tương tự để tới đây khi nghĩ tới Việt Nam, thế giới sẽ không nghĩ tới một nơi sản xuất sản phẩm giá rẻ, không chỉ là nơi có nền tảng chính trị ổn định và môi trường tốt để kinh doanh, sản xuất, mà còn là nơi có công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường, cùng với các ngành sản xuất và dịch vụ xanh.
Chính phủ Việt Nam có cam kết rất mạnh mẽ trong việc chuyển đổi từ năng lượng than tới các năng lượng tái tạo và năng lượng sạch. Nhưng thách thức là nguồn tài chính. Tôi cho rằng có thể thu hút nguồn tài chính từ khu vực tư nhân, có rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam.
Điều Chính phủ cần làm đó là đầu tư vào các hệ thống cơ sở hạ tầng mà khối tư nhân không mấy mặn mà, cụ thể là từ mạng lưới truyền tải điện. Chính phủ cũng cần thiết lập cơ chế pháp luật hoàn thiện và môi trường thuận lợi để các công ty trong lĩnh vực năng lượng tái tạo có thể hoạt động thuận lợi. Đây là những lĩnh vực mà Chính phủ cần hỗ trợ khối tư nhân. Một vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng, đó là đảm bảo hiệu quả sử dụng năng lượng. Việc thúc đẩy sử dụng hiệu quả năng lượng sẽ mang lại hiệu quả lớn, nhất là khi nhu cầu về điện năng vẫn đang tăng cao.
* Tôi biết bà đã có chuyến thăm đến TP.HCM tháng 11 năm ngoái và có cuộc gặp với Chủ tịch TP Phan Văn Mãi. Bà có thể chia sẻ về những điểm nổi bật trong cuộc gặp này? Theo bà, TP.HCM cần làm gì để khôi phục kinh tế?
– Tôi nghĩ rằng có một vấn đề lớn hơn, con đường tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai sẽ là con đường tăng trưởng đô thị. Phần lớn GDP sẽ được tạo ra ở khu vực thành thị, phần lớn người dân sẽ sống và làm việc, hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục ở khu vực thành thị.
Tuy nhiên những khu đô thị này sẽ là nơi sản sinh ra ô nhiễm, thiếu nước, ngập lụt… Do đó cần có nền quản trị thật tốt để quản lý các thành phố này theo hướng minh bạch, có chiến lược, đồng thời tăng nguồn tài chính cho đầu tư phù hợp và đưa ra quyết định đúng đắn để đầu tư đúng mục đích vào đúng thời điểm…
Chúng tôi đã thảo luận với chính quyền nhiều thành phố ở Việt Nam, trong đó có TP.HCM, để tìm giải pháp giải quyết các thách thức trên, bảo đảm thực hiện một cách bền vững cả về mặt môi trường và xã hội, không ai bị bỏ lại phía sau.
Ấn tượng về tốc độ giảm nghèo ở Việt Nam
* Bà từng là chuyên viên cao cấp về xóa đói giảm nghèo của WB ở Việt Nam. Và bây giờ khi quay trở lại, bà nghĩ gì về sự phát triển ở Việt Nam?
– Đúng vậy! Tôi sống ở Việt Nam từ năm 1993 đến năm 2008. Tôi đã sống ở Hà Nội được 15 năm khi làm việc tại Văn phòng WB về các chiến lược giảm nghèo ở Việt Nam.
Vì vậy, tất nhiên, quan sát đầu tiên của tôi khi trở lại đây là tôi rất ấn tượng về tốc độ giảm nghèo ở Việt Nam. Đó là một trong những tốc độ nhanh nhất trên thế giới.
Nhiều quốc gia có thể phát triển nhanh chóng, nhưng thông thường, nó chỉ mang lại lợi ích cho một số ít người. Nhưng thành tựu to lớn của Việt Nam là các bạn đã thành công trong việc chuyển đổi sự tăng trưởng đó thành việc cải thiện sinh kế cho hầu hết mọi người dân. Điều này được thúc đẩy bởi các chính sách tốt về giáo dục, y tế trong thời kỳ tăng trưởng. Vì vậy, các bạn đã có cơ hội trong những năm 1990 và đầu những năm 2000.
Bây giờ, câu hỏi thực sự là, điều gì sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng bao trùm trong tương lai. Nếu bạn mô tả con đường tăng trưởng trong quá khứ là sản xuất tay nghề thấp, vốn là động lực thúc đẩy xuất khẩu, ở một mức độ nào đó là khai thác tài nguyên, thì sẽ cần có một sự thay đổi về mặt cơ cấu trong nền kinh tế, để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng và đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao.
Việt Nam cần năng suất hơn trong nền kinh tế, trình độ công nghệ cao hơn, cần sự chuyển đổi trong các kỹ năng sẵn có để tạo sức mạnh cho nền kinh tế.