25/12/2024

Đừng để học sinh mặc cảm vì là F0

Đừng để học sinh mặc cảm vì là F0

Với học sinh, khi mắc COVID-19, nỗi ám ảnh các em là bị kỳ thị chứ không phải việc các em nhiễm bệnh.

 

Đừng để học sinh mặc cảm vì là F0 - Ảnh 1.

Chính giáo viên là điểm tựa tâm lý cho học sinh khi trở lại trường – Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Hiểu được điều trên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tối 8-2 đã có công điện gửi giám đốc các sở GD-ĐT về một số việc cần lưu ý khi học sinh trở lại trường học trực tiếp. Trong đó, bộ trưởng lưu ý tuyệt đối không được để xảy ra việc kỳ thị đối với các trường hợp không may bị F0.

Với các trường học ở TP Đà Nẵng, công tác tâm lý là quan trọng nhất chuẩn bị cho học sinh trở lại trường.

Trong ngày đầu tiên đi học trực tiếp, bên cạnh trao đổi về quy định của nhà trường và các biện pháp phòng chống dịch, các trường cũng lồng ghép tuyên truyền đến học sinh về việc không phân biệt đối xử, kỳ thị đối với các trường hợp F0.

Bên cạnh đó, các trường cũng giáo dục để học sinh nhận thức được rằng dương tính COVID-19 hiện nay là phổ biến. Bệnh này lây nhiễm qua đường giao tiếp thông thường, không phải là bệnh nan y và quá nguy hiểm như trước đây người dân chưa được tiêm vắc xin, không có gì phải có thái độ phân biệt, kỳ thị.

Khi bị dương tính, cần phải chủ động phòng chống lây nhiễm cho người khác và thông báo để bạn bè, người thân, những người xung quanh biết để cùng phòng tránh lây nhiễm.

Nhiều lãnh đạo các trường học ở Đà Nẵng cũng cho rằng nhận thức của phụ huynh và học sinh hiện nay đã khác nhiều so với hơn một năm về trước trong vấn đề nhìn nhận đánh giá các trường hợp là F0, F1. Đó cũng là tín hiệu đáng mừng, tiến đến xây dựng những trường học “bình thường mới”.

Một hiệu trưởng trường THCS quận Hải Châu nơi vừa xuất hiện F0 sau ngày đầu tiên học sinh lớp 7 trở lại trường chia sẻ: đối với các trường hợp F0 phát hiện sau khi tham gia học trực tiếp, nhà trường đã chủ động chuyển lớp học có ca F0 sang học trực tuyến, thông báo đến phụ huynh và học sinh, lấy thời khóa biểu đang áp dụng cho dạy trực tiếp áp luôn vào dạy trực tuyến, đảm bảo đúng tiến độ chương trình.

Đồng thời yêu cầu giáo viên chủ nhiệm thường xuyên theo dõi thăm hỏi, động viên hỗ trợ, trả lời những nội dung phụ huynh cần trao đổi. Đặc biệt, nhà trường chỉ thông báo chung chứ không nêu họ tên các trường hợp F0, F1…

Dù kịch bản xử lý khi có F0 trong trường học đều đã được chuẩn bị từ trước, song việc thực hiện cần phải khéo léo. Một số giáo viên đề nghị khi phát hiện F0 có thể để học sinh học hết buổi học của ngày hôm đó. Đoàn thanh niên, bộ phận y tế và giáo viên chủ nhiệm sẽ nhắc nhở học sinh ngồi nguyên vị trí kể cả trong giờ ra chơi để không tiếp xúc với các lớp khác.

Bên cạnh đó, cùng xây dựng kế hoạch điều trị tại nơi tập trung hoặc tại nhà, hướng dẫn dưới cờ cho các em. Chuẩn bị tâm lý cho các em rằng ai cũng có thể vô tình dương tính và nếu mọi người biết làm đúng cách sẽ kiểm soát được bệnh tật.

Có như thế, học sinh mới yên tâm học tập, phụ huynh mới đồng thuận cho con em đến trường giữa lúc con số ca nhiễm vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

ĐOÀN NHẠN
TTO