25/12/2024

Đề xuất của chuyên gia Mỹ trước bước ngoặt về đại dịch

Đề xuất của chuyên gia Mỹ trước bước ngoặt về đại dịch

Các quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, đang đứng trước bước ngoặt về đại dịch Covid-19. Giữa lúc số ca nhiễm đang giảm dần, những ý kiến về việc bãi bỏ hoặc duy trì các quy định phòng dịch đang trở nên phân cực rõ ràng.

 

 

Trong khi một bên cho rằng việc bắt buộc chưa bao giờ là điều cần thiết và tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của khẩu trang, vắc xin, bên còn lại tiếp tục xem việc đeo khẩu trang là biểu tượng của niềm tin vào khoa học.

Theo cây bút bình luận Leana Wen của tờ The Washington Post, giáo sư Trường Y tế công Milken thuộc Đại học George Washington (Mỹ), chính sách y tế công cộng mang nhiều sắc thái và phức tạp, chúng ta càng sớm nhận ra điều này thì càng có thể nhanh chóng thoát khỏi những quan điểm phân cực, từ đó tìm được sự thỏa hiệp hợp lý để thích nghi an toàn với Covid-19.

Đề xuất của chuyên gia Mỹ trước bước ngoặt về đại dịch - ảnh 1
Quy định đeo khẩu trang bắt buộc tại một cửa hàng ở Washington, Mỹ  REUTERS

Chuyên gia Leana Wen nhận định: Vào thời điểm đầu dịch, có rất ít công cụ để chống lại vi rút mới và gây chết người này. Khi đó, khẩu trang và giãn cách vật lý là những biện pháp quan trọng giúp cứu người. Theo thời gian, số ca nhiễm nhanh chóng giảm, vắc xin được bao phủ rộng rãi và cho thấy hiệu quả rõ ràng. Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh nguy cơ tử vong vì Covid-19 của người tiêm vắc xin thấp hơn 97 lần so với người chưa tiêm.

Bên cạnh đó, khẩu trang bảo vệ người đeo, ngay cả khi người xung quanh không đeo. Đó là bằng chứng cho thấy quy định đeo khẩu trang là chính sách đúng đắn trước đây.

Theo bác sĩ Jeanne Noble tại Trung tâm y tế Đại học California tại San Francisco (Mỹ), các chính sách đúng đắn cần được đánh giá lại thường xuyên về những mặt được và mất. Bà lấy ví dụ về việc đeo khẩu trang trong trường học, theo đó, có nghiên cứu cho thấy khẩu trang giúp giảm khả năng nhiễm bệnh nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến kỹ năng đọc và giao tiếp qua biểu cảm khuôn mặt của trẻ em.

Tương tự, Covid-19 gây chết người và một loạt vấn đề xã hội khác, nhưng nếu chỉ ưu tiên để giải quyết Covid-19, chúng ta có thể sẽ phải đánh đổi bằng những khủng hoảng sức khỏe cộng đồng khác như nạn sử dụng quá liều thuốc giảm đau gây nghiện, tình trạng béo phì trẻ em, số ca cao huyết áp, tiểu đường vẫn đang gia tăng trên toàn cầu, bệnh trầm cảm và hậu quả của các rối loạn sức khỏe tâm thần ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống…

Xuyên suốt đại dịch Covid-19, có hai nhóm ý kiến luôn đối chọi nhau: một bên phản đối những quy định giới hạn và bên còn lại ủng hộ, khi cả hai bên càng cố gắng bảo vệ quan điểm của mình thì nhóm thứ ba xuất hiện. Nhóm này chủ trương hạn chế vào thời điểm đầu nhưng giờ cho rằng tình hình đã thay đổi, đủ để có các quy định mang tính linh động hơn. Nhóm này cũng thừa nhận tác động bi kịch của đại dịch, nhưng cũng hiểu rằng loại trừ tận gốc Covid-19 không phải là tất cả.

Do đó, các nhà hoạch định chính sách nên tập trung vào nhóm này khi bước vào giai đoạn tiếp theo của đại dịch, cố gắng thay thế sự chia rẽ gay gắt bằng sự dung hòa phù hợp hơn.

 

VI TRÂN

TNO