Độc đáo những ‘trường học không bàn ghế’ sát vách TP.HCM
Độc đáo những ‘trường học không bàn ghế’ sát vách TP.HCM
Không chỉ đến trường mới là đi học. Có những trường học không bàn ghế ở ngay cạnh mỗi chúng ta, để cha mẹ có thể nói với con bao điều diệu kỳ. Chúng tôi đang nói tới Cần Giuộc, Long An, ‘sát vách’ TP.HCM.
“Trường học không bàn ghế” ở Cần Giuộc, Long An, cho trẻ em vào tự tay hái dưa BẢO VY |
H.Cần Giuộc, Long An cách TP.HCM chưa đầy 20 km. Rất tiện để khám phá bằng cả xe máy hay xe hơi. Không chỉ có phố thị hiện đại, thị trấn xinh đẹp này cũng có bao la cánh đồng, vườn tược, ao sen, nhà vườn trồng hoa lan và những cánh đồng trồng dưa leo, dưa lưới… đều là những “trường học” thú vị cho những gia đình có trẻ nhỏ.
Những trường học không… bàn ghế
Nếu tới xã Phước Lại, H.Cần Giuộc, bạn đừng quên ghé thăm trang trại trồng hoa lan kết hợp nuôi cá, trồng rau an toàn Aquaponics từ nước nuôi cá của anh Phạm Hoàng Hậu, chàng trai được T.Ư Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của cho những thành tích xuất sắc về hoạt động nông nghiệp năm 2020.
Không chỉ đón nhiều thanh niên tới tham quan, học hỏi mô hình làm kinh tế, trang trại của anh Hoàng Hậu cũng đón nhiều đoàn học sinh, sinh viên từ các trường học trong tỉnh Long An và TP.HCM về thăm, học hỏi về cuộc sống nông thôn, làm nông nghiệp sạch, bền vững với môi trường.
Ghé Cần Giuộc, những gia đình có trẻ nhỏ còn có thể ghé vườn dưa lưới thủy canh, vuông nuôi tôm, ao nuôi cá của chàng trai Hứa Thanh Phú ở ấp Chánh Nhứt, xã Long Phụng.
Về nông thôn, để trẻ được tận mắt nhìn ruộng lúa trĩu bông, ngửi hương lúa chín mỗi khi gió lùa qua BẢO VY |
Anh Phú cho hay rất nhiều đoàn khách là học sinh, các gia đình có con nhỏ ở TP.HCM và Long An ghé nhà vườn, cùng thăm mô hình trồng dưa lưới thủy canh, tự tay hái dưa, học hỏi về cách thức làm nông nghiệp thân thiện với môi trường. Trong những trường học không bàn ghế ấy, trẻ hiểu về cách trồng trọt không sử dụng phân bón hóa học, hiểu hơn về cuộc sống nơi thôn dã.
“Quan sát bà con nông dân vất vả làm ra cây lúa, con tôm đó là bài học thực tiễn về sức lao động, để các em trân quý chén cơm mình đang ăn, cuộc sống no đủ mình đang được hưởng”, anh Phú chia sẻ.
Một khoảng trời, một cái cây, đâu cũng có thể là trường học cho trẻ em
Cần Giuộc, Long An chỉ là một ví dụ thú vị mà cha mẹ có thể cho con du ngoạn đầu năm và học nhiều điều thú vị về cuộc sống này. Ở TP.HCM và “sát vách” thành phố lớn nhất cả nước này, có vô vàn những “ngôi trường” thú vị khác. Và bất cứ nơi đâu, ở tỉnh thành nào, với tình yêu và sự quan tâm tới trẻ con, cha mẹ đều có thể biến xây dựng những chuyến phiêu lưu để con được tìm hiểu thế giới xung quanh.
Tới những “trường học không bàn ghế” để trẻ tận mắt được nhìn trái quách ngoài đời như thế nào BẢO VY |
Hay chạy nhảy vô tư bên những hàng dưa lưới lúc lỉu trái BẢO VY |
“Cho trẻ ra ngoài chơi” là tên một nhóm công khai được các cha mẹ thành lập trên mạng xã hội Facebook cách đây vài năm. Tới nay thì nhóm này đã có hơn 183.000 thành viên. Cha mẹ chia sẻ những địa điểm có thể cho con ra ngoài chơi, ở nhiều tỉnh thành, kinh nghiệm di chuyển, những hành lý tư trang cần chuẩn bị, tránh việc con ở trong nhà quá nhiều, tiếp xúc với nhiều thiết bị điện tử.
Nguyễn Thị Mai, 30 tuổi, trú đường Cổ Nhuế, Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội là một thành viên thân thiết của nhóm này. Người mẹ của 2 em bé trong độ tuổi mầm non rất chịu khó cho con ra ngoài chơi, khám phá vườn nho, cắm trại ở ngoại thành. Các chuyến đi ngắn, có thể thực hiện cuối tuần hoặc ngày đầu năm mới. Chị chia sẻ, đây là cách để con nhận biết nhiều hơn với thế giới xung quanh, cho con có nhiều trải nghiệm và chính cha mẹ cũng có nhiều kỷ niệm đẹp cùng các con.
Anh Lê Mạnh Tân, giảng viên khoa Mỹ thuật công nghiệp, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, chủ nhiệm câu lạc bộ New Art, Q.1, TP.HCM cho biết ngoài việc đăng ký cho các con các chuyến dã ngoại với trường lớp, qua các công ty du lịch thì ngày càng nhiều phụ huynh cùng với con thực hiện các chuyến trải nghiệm do chính gia đình mình tổ chức.
“Trường học không bàn ghế” cho trẻ hiểu hơn về cuộc sống chân thật bên mình BẢO VY |
Đó có thể là về ngoại thành TP.HCM, như Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè hay về các miền quê dân dã để cuốc đất trồng rau, cho gà ăn, bắt cá, nấu cơm… Hay cùng mang theo đủ dụng cụ để cùng nhau cắm trại, ngắm bình minh, hoàng hôn ở các vùng đất mới ở Đồng Nai, Lâm Đồng, Bà Rịa Vũng Tàu… Theo anh Lê Mạnh Tân đó thật sự đều là những việc rất lý thú, khiến trẻ em được ở gần hơn với thiên nhiên, được người lớn chỉ dạy cho những kiến thức mà trước đó có thể các em chỉ được xem trong sách.
“Nhiều em nhỏ ở thành thị chỉ được nhìn con trâu, con heo, cánh đồng lúa chín, những bác nông dân trồng trọt qua YouTube. Thật thú vị nếu cha mẹ giúp con phân biệt chú trâu đực, trâu cái trong thực tế. Hay hít hà những cánh đồng lúa chín thơm ngát khi gió thổi qua. Cũng thật vui, nếu ngoài giờ cắm trại, cùng nhau nấu nướng, cười đùa và trò chuyện thật nhiều với nhau, chúng ta có thể đốt lửa trại. Hay nếu cha mẹ, con cái cùng yêu hội họa, có thể cùng nhau mang giấy, màu ra tới một cánh đồng, một dòng sông cùng nhau vẽ tranh”, anh Lê Mạnh Tân chia sẻ.
Theo anh Lê Mạnh Tân, trẻ em rất tò mò và luôn luôn tưởng tượng, sáng tạo, cha mẹ hãy thắp thêm những ngọn lửa cho sự tò mò, khám phá ấy ở các em, từ những chuyến đi, từ những sự quan sát, trò chuyện với các con trong cuộc sống.
“Để khám phá “trường học không bàn ghế” đầu năm an toàn, hiệu quả, hãy xây dựng một kế hoạch, lịch trình thật chu đáo. Vạch sẵn những địa điểm thăm thú, hoạt động trải nghiệm, ăn nghỉ và đừng quên hỏi các con những bài học con có sau chuyến đi. Có thể nói với con viết bài cảm nhận, vẽ tranh, tâm sự những cảm xúc các con có… Đó đều là những gợi mở lý thú”, nam giảng viên ở TP.HCM trao đổi.
BẢO VY
TNO