Cú bắt tay Trung – Nga trong cục diện thế giới

Cú bắt tay Trung – Nga trong cục diện thế giới

Tuyên bố chung mới đây của Trung Quốc với Nga đánh dấu bước tiếp theo trong sự hợp tác giữa 2 nước nhằm đối phó với Mỹ và đồng minh.

 

 

Ngày 4.2, Tổng thống Nga Vladimir Putin công du đến Trung Quốc và có cuộc hội đàm với ông Tập Cận Bình – Chủ tịch nước chủ nhà, ngay trước thềm lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông diễn ra tại Bắc Kinh từ ngày 4 – 20.2. Sau cuộc hội đàm, hai bên đưa ra tuyên bố chung nhấn mạnh lời kêu gọi phương Tây “từ bỏ các phương pháp tiếp cận theo ý thức hệ của Chiến tranh Lạnh”.

Cú bắt tay Trung - Nga trong cục diện thế giới - ảnh 1
Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 4.2  TÂN HOA XÃ

Quan hệ mang tính chiến thuật hơn là chiến lược

Trả lời Thanh Niên vào hôm qua 6.2, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) nhận định: “Đúng như dự báo, tuyên bố chung Trung – Nga đã tập trung về NATO và Đài Loan. Hai bên tái nhấn mạnh sự ủng hộ các tuyên bố của nhau đối với Đài Loan và Ukraine cũng như những nỗ lực lâu dài của Bắc Kinh và Moscow nhằm phá bỏ những gì mà họ xem như một liên minh do Mỹ dẫn đầu nhằm vào Nga mà cũng có khả năng xoay trục sang Trung Quốc”.

Cũng trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy tại Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) cho rằng: “Tuyên bố chung Trung – Nga không nằm ngoài dự đoán khi hai bên phản đối mạnh mẽ Mỹ và cho rằng Washington là chướng ngại vật chính đối với nỗ lực của Bắc Kinh trong việc thống trị châu Á cũng như Moscow giữ vai trò kiểm soát châu Âu. Tất nhiên, Nga giờ đây là đối tác “dưới màu” của Trung Quốc”.

Tuy nhiên, ông Schuster đánh giá: “Quan hệ Trung – Nga hiện mang tính chiến thuật hơn là chiến lược. Moscow cần tiềm lực của Trung Quốc để duy trì nền kinh tế của Nga và giảm phụ thuộc đòn bẩy tài chính của phương Tây. Bắc Kinh cần năng lượng của Nga lẫn sự tiếp cận và hỗ trợ của Moscow ở Trung Á và Trung Đông. Quan hệ này cũng mang tính chất ngắn hạn vì nước Nga – vốn được Moscow khẳng định như một cường quốc châu Âu – có xu thế lo ngại bị thống trị bởi châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng”.

Nga tìm kiếm sự ủng hộ của Trung Quốc trong vấn đề Ukraine

Chuyến công du của ông Putin đến Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Nga đang bị phương Tây tố cáo đang đồn trú hơn 100.000 binh sĩ cùng cơ số vũ khí hùng hậu sát biên giới Ukraine và sắp phát động tấn công.

Cuối tháng 1, Bloomberg dẫn nguồn thạo tin tiết lộ ông Tập Cận Bình đề nghị Tổng thống Nga không nên có hành động quân sự đối với Ukraine trong thời gian Bắc Kinh tổ chức Thế vận hội mùa đông từ ngày 4 – 20.2. Cũng theo nguồn tin này, Chủ tịch Tập Cận Bình “có lẽ là người có ảnh hưởng lớn nhất đối với nghị trình (liên quan Ukraine) của Tổng thống Putin”. Sau đó, Bắc Kinh đã bác bỏ thông tin này, nhưng việc ông Putin gặp ông Tập Cận Bình vẫn không khỏi dẫn đến nhận định Nga đang tìm kiếm sự ủng hộ từ Trung Quốc nếu tấn công Ukraine.

Nhận định về vấn đề này, chuyên gia Nagy đánh giá: “Cả ông Putin lẫn người đồng cấp Tập Cận Bình đều thích đạt được các mục tiêu địa chiến lược thông qua ngoại giao, cưỡng bức và các hoạt động trong vùng xám thay vì tấn công quân sự trực tiếp. Khó có khả năng Nga tấn công Ukraine trong lúc Thế vận hội mùa đông đang diễn ra ở Bắc Kinh. Bên cạnh đó, việc Nga tấn công Ukraine không chỉ khiến cho EU thống nhất hơn trong đối sách với Nga mà còn với cả việc Trung Quốc đang nỗ lực định hình lại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Cú bắt tay Trung - Nga trong cục diện thế giới - ảnh 2
Ukraine lo ngại bị Nga tấn công  REUTERS

Trong khi đó, cựu đại tá Schuster phân tích: “Nếu tấn công Ukraine, Nga chỉ có khoảng thời gian phù hợp trong 6 tuần tới. Cụ thể, quân đội Nga có lực lượng tăng thiết giáp chiếm ưu thế khi chiến đấu trên các địa hình như của Ukraine. Tuy nhiên, đến cuối tháng 3, mùa mưa sẽ khiến cho địa hình khu vực này hình thành các lớp bùn dày gần như không thể vượt qua. Cho nên, nếu không tấn công trong tháng 2, Moscow sẽ phải chờ đến cuối tháng 6, thậm chí là giữa tháng 8, thì thời tiết mới thuận lợi trở lại. Thế nhưng, chi phí duy trì lực lượng hùng hậu đồn trú sát biên giới Ukraine cho đến cuối tháng 6 là một thách thức lớn cho Nga”.

“Việc tấn công Ukraine có thể khiến Moscow hứng chịu các lệnh trừng phạt mới từ phương Tây, nhưng Tổng thống Putin cũng có một lá bài quan trọng là sự phụ thuộc của một số nước châu Âu, điển hình là Đức, đối với nguồn cung cấp năng lượng từ Nga, nên các nước này có hạn chế tham gia các lệnh trừng phạt”, ông Schuster nói và nhận định: “Trung Quốc khó công khai ủng hộ Nga tấn công Ukraine, do Bắc Kinh không muốn tổn hại hình ảnh trên trường quốc tế. Hơn nữa, Ukraine đến nay là một trong các nhà cung cấp thiết bị quân sự cho Trung Quốc, cụ thể là động cơ phản lực và tàu đổ bộ đệm khí. Tất nhiên, Moscow cũng có thể “lấy lòng” Bắc Kinh bằng cách thay thế vai trò cung cấp của Kiev”.

Mục đích của ông Putin

Bên cạnh đó, ông Schuster cho rằng: “Mục đích thực sự của Tổng thống Putin là buộc Mỹ và NATO phải giải quyết yêu cầu không kết nạp Ukraine vào NATO, đồng thời NATO không mở rộng đến các khu vực sát biên giới Nga. Về lâu dài, Moscow muốn làm suy yếu uy tín của NATO và Mỹ”.

Đức cân nhắc tăng quân đến Lithuania

Trả lời truyền thông ngày 6.2, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho hay nước này đang bàn bạc với Lithuania về việc triển khai thêm binh sĩ đến quốc gia Baltic để tăng viện. “Lực lượng tăng thêm đã sẵn sàng để chi viện. Chúng tôi đang làm việc với Lithuania để xem xét điều gì hợp lý nhất”, Reuters dẫn lời bà Lambrecht. Từ sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, NATO triển khai khoảng 5.000 binh sĩ của Anh, Canada, Đức và Mỹ đến Ba Lan, Lithuania, Latvia và Estonia. Giữa bối cảnh căng thẳng giữa biên giới Nga và Ukraine leo thang, NATO đang tăng cường chi viện cho các nước ở sườn phía đông để đề phòng. Mới đây,

Mỹ đã lệnh cho thêm 3.000 binh sĩ đến Ba Lan và Romania.

Vi Trân

Theo ông, khi độc lập vào năm 1994, Ukraine được Mỹ và NATO đã “đảm bảo” sẽ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine nếu Kiev từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Thế nhưng, việc Nga sáp nhập vùng Crimea từ Ukraine vào năm 2014 thì phản ứng của Mỹ, NATO lẫn EU cho thấy sự chia rẽ trong NATO và EU đối với nỗ lực phản ứng các mối đe dọa hiện tại. Vụ việc cũng cho thấy những giới hạn của sự “đảm bảo” mà NATO và Mỹ dành cho Ukraine.

Cựu đại tá Schuster đánh giá thêm: “Về đối nội, “cuộc khủng hoảng Ukraine” giúp Tổng thống Putin thể hiện hình ảnh mạnh mẽ và quyết đoán trước những lo ngại ở Nga về NATO cũng như việc khối này mở rộng ảnh hưởng sâu vào khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với Moscow. Ngoài ra, vấn đề Ukraine còn giảm bớt sự quan tâm trong nội bộ nước Nga về tình hình kinh tế không mấy khả quan của nước này”.

NGÔ MINH TRÍ

TNO