24/12/2024

Đánh thuế để chống đầu cơ bất động sản

Đánh thuế để chống đầu cơ bất động sản

Mới đây, Chính phủ đã có quyết định 2161 về phê duyệt chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

 

Đánh thuế để chống đầu cơ bất động sản - ảnh 1
Nhiều khu đất bị bỏ hoang, gây lãng phí nghiêm trọng ĐÌNH SƠN

Trong Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất bổ sung một số loại thuế liên quan đến thị trường bất động sản như thuế tài sản nhà ở nhằm ổn định thị trường, hạn chế đầu cơ, khai thác có hiệu quả bất động sản nhà ở và đảm bảo quyền lợi của Nhà nước.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu chính sách khuyến khích phát triển đa dạng nguồn vốn dài hạn dành cho phát triển nhà ở như quỹ đầu tư bất động sản, quỹ đầu tư tín thác bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản và các công cụ tài chính dài hạn khác.

Hướng dẫn thực hiện các ưu đãi liên quan đến chính sách tài chính, thuế, tín dụng, chế độ miễn tiền sử dụng đất, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền quy định chế độ miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và các thuế khác liên quan đến hoạt động phát triển nhà ở xã hội.

Đánh thuế, hạn chế tín dụng

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cũng đồng tình với định hướng của Chính phủ trong việc đưa ra các loại thuế nhằm hạn chế đầu cơ, minh bạch thị trường bất động sản. Theo người đứng đầu HoREA, từ năm 2017 thị trường bất động sản lặp đi lặp lại nhiều đợt sốt đất, nhất là cơn sốt đất xảy ra liên tiếp trên diện rộng hiện nay, gây ra nhiều hệ quả tiêu cực, làm mất cơ hội tạo lập nhà ở của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp ở đô thị…

Trong các cơn sốt đất này, các nhà đầu tư, đầu cơ “bắt tay” với cò đất thổi giá, đầu cơ để dụ các nhà đầu tư tham gia vào thị trường. Khi cơn sốt đất đi qua chóng vánh, nhiều nhà đầu tư cá nhân sập bẫy, bị thua lỗ nặng nề, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, trắng tay. Nhiều khu đất trở thành hoang hóa.

Do đó, cần đánh thuế cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập để triệt tiêu ý chí “đầu cơ” của nhà đầu tư “lướt sóng”, trong trường hợp thị trường bất động sản có dấu hiệu bị đầu cơ, sốt nóng “bong bóng”. Đối với các dự án, khu đất không đưa vào khai thác, để hoang đất cũng cần đánh thuế thật cao.

Đánh thuế để chống đầu cơ bất động sản - ảnh 2
Nhiều đề xuất đánh thuế thật cao đối với nhà đất bỏ hoang để hạn chế đầu cơ  ĐÌNH SƠN

Một công cụ khác là về tín dụng. Hiện một người có 30% giá trị bất động sản thường được ngân hàng cho vay 70% còn lại để mua nhà đất. Với chính sách này, người có 1 tỉ đồng có thể đầu tư lướt sóng 3 bất động sản giá khoảng 1 tỉ đồng/lô cùng lúc. Tuy nhiên, trong trường hợp nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản, các nước giảm tỷ lệ cho vay xuống còn 50%, hay như lúc nguy cấp như một số nước mức cho vay chỉ được tối đa không quá 35%. Chúng ta cũng nên áp dụng để hạn chế đầu cơ và tránh tình trạng xảy ra bong bóng trong bất động sản.

“Trong năm đầu tiên, thậm chí trong 6 tháng nếu có giao dịch sẽ đánh thuế thật nặng. Những năm tiếp theo nếu chuyển nhượng thấp dần, thường đến năm thứ 3 chuyển nhượng thuế suất mới về mức bình thường. Người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh thì chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu. Với người chậm đưa đất vào sử dụng cũng bị đánh thuế thật cao nhằm triệt tiêu ý chí găm giữ đất, chống đầu cơ đất đai”, ông Châu kiến nghị.

 

ĐÌNH SƠN

TNO