23/11/2024

10 năm, đường nhập lậu vào Việt Nam tăng 9 lần

10 năm, đường nhập lậu vào Việt Nam tăng 9 lần

Đường nhập lậu vào Việt Nam bắt đầu được ghi nhận từ năm 1999 và bắt đầu tăng mạnh vào năm 2008. Sau 10 năm, quy mô đường nhập lậu đã tăng gần 9 lần.

 

10 năm, đường nhập lậu vào Việt Nam tăng 9 lần - Ảnh 1.

Diện tích mía tại Việt Nam giảm mạnh trong những năm qua, một phần quan trọng do đường nhập lậu tăng đột biến sau 10 năm – Ảnh: ANH CAO

Đó là thông tin trong báo cáo “Chuỗi cung ngành mía đường Việt Nam – Thực trạng và một số khía cạnh về phát triển bền vững” do các chuyên gia của Tổ chức Forest Trends” công bố.

Theo báo cáo này, quy mô của hoạt động buôn lậu đường ngày càng tăng. Năm 2008 có khoảng 100.000 tấn đường nhập lậu thì đến năm 2018 đã lên tới 890.661 tấn. Đường nhập lậu vào Việt Nam từ nguồn Campuchia và Lào chủ yếu có nguồn gốc từ Thái Lan. Toàn bộ lượng đường nhập lậu từ Campuchia và Lào đều là đường trắng (gọi chung cho cả 2 loại đường RS và RE).

Hiện không có số liệu chính thức về lượng đường nhập lậu mỗi năm. Tuy nhiên, dựa vào số liệu thống kê chính thức của Tổ chức Đường thế giới (ISO) về lượng đường xuất khẩu không rõ nguồn gốc của Campuchia và Lào, ước tính lượng đường nhập lậu vào Việt Nam trong giai đoạn 2008-2014 là khoảng 273.571 ngàn tấn/năm từ Campuchia. Giai đoạn này nhập lậu từ Lào chưa xuất hiện.

Trong giai đoạn 2015-2019, lượng đường nhập lậu tăng đột biến. Ngoài nguồn đường nhập lậu từ Campuchia, lượng nhập lậu từ Lào bắt đầu xuất hiện với lượng nhập khoảng 200.000 tấn/năm. Tính chung cả hai nguồn nhập lậu từ Campuchia và Lào trong giai đoạn 2015-2019, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam hằng năm khoảng 757.000 tấn/năm, gấp gần 2,8 lần so với lượng nhập lậu trung bình giai đoạn 2008-2014.

Sau khi Việt Nam chính thức thực hiện cam kết Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) từ ngày 1-1-2020 dẫn tới xóa bỏ hạn ngạch và cắt giảm thuế nhập khẩu từ 80-85% xuống chỉ còn 5%, đường chủ yếu được nhập khẩu vào Việt Nam qua đường chính ngạch.

Mức thuế nhập khẩu giảm làm cho việc nhập khẩu chính ngạch thuận lợi, từ đó tình trạng buôn lậu đường Thái Lan qua biên giới Campuchia và Lào vào Việt Nam có tín hiệu giảm, minh chứng là năm 2020 ước tính có khoảng 206.000 tấn đường nhập lậu từ Campuchia và Lào vào Việt Nam, chỉ bằng gần 25% lượng đường nhập lậu năm 2019.

Tuy vậy, vẫn có khoảng 206.000 tấn đường nhập lậu qua Campuchia và Lào. Nguyên nhân đường nhập lậu từ Thái Lan ngày càng tăng chủ yếu do giá đường xuất khẩu của nước này được trợ giá nên giá thành nhập khẩu về đến Việt Nam luôn thấp hơn đường sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, từ tháng 11-2017 Thái Lan hủy bỏ quy định giá bán lẻ đường nội địa nên càng kích thích xuất lậu đường sang Việt Nam thông qua Campuchia và Lào.

Đường lậu chủ yếu tập trung ở những tỉnh có đường biên như An Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Quảng Trị. Khi vào Việt Nam, đường lậu được phối với đường trong nước hoặc đổi bao bì, nhãn mác nhằm biến thành đường nội địa.

Bên cạnh hình thức này, đường nhập lậu được đưa vào tiêu thụ thông qua việc quay vòng hồ sơ đấu giá đường nhập lậu. Ngoài ra, các đối tượng buôn lậu còn dùng thủ đoạn đưa bao bì in nhãn hiệu đường trong nước ra nước ngoài (thường là Campuchia) và đóng bao đường với bao bì này. Như vậy đường nhập lậu đã có nhãn mác Việt Nam trước khi được nhập về Việt Nam.

TRẦN MẠNH
TTO