23/12/2024

Covid-19: châu Âu có thể sắp bước vào ‘giai đoạn tĩnh lặng lâu dài’

Covid-19: châu Âu có thể sắp bước vào ‘giai đoạn tĩnh lặng lâu dài’

Tổ chức Y tế thế giới cho rằng đại dịch Covid-19 sắp lắng xuống tại châu Âu, mang lại cơ hội kiểm soát lây nhiễm tốt hơn.

 

 

Covid-19: châu Âu có thể sắp bước vào ‘giai đoạn tĩnh lặng lâu dài’ - ảnh 1
Một chợ cá tại Copenhagen, Đan Mạch vào ngày 1.2 khi nước này dỡ bỏ mọi quy định giới hạn nội địa về phòng chống Covid-19  AFP

Hãng AFP ngày 3.2 dẫn lời giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHOHans Kluge cho rằng sau 2 năm đại dịch Covid-19, châu Âu có thể sắp bước vào giai đoạn lắng xuống nhờ tỷ lệ tiêm vắc xin cao, biến thể Omicron gây bệnh nhẹ hơn và mùa đông trôi qua.

Theo ông, giai đoạn sắp tới có thể là “sự ngừng bắn với khả năng mang lại yên bình và giúp chúng ta có thể có giai đoạn tĩnh lặng kéo dài”.

Mức kháng thể cao nhờ tỷ lệ tiêm vắc xin cao và ở những người đã khỏi bệnh, cùng với việc chuyển mùa còn giúp châu Âu có khả năng tốt hơn trong việc đối phó đại dịch lây lan mạnh trở lại.

“Ngay cả khi với một biến thể lây lan mạnh hơn, châu Âu vẫn có khả năng ứng phó được với các biến thể mới vốn sẽ xuất hiện không thể tránh khỏi mà không cần áp dụng lại các biện pháp ngăn chặn như trước”, ông nhận định.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng điều đó không có nghĩa là đại dịch qua đi mà là cơ hội kiểm soát lây nhiễm. Theo ông, viễn cảnh lạc quan chỉ có thể trở thành hiện thực nếu các nước tiếp tục các chiến dịch tiêm vắc xin và tăng cường giám sát các biến thể mới.

Bên cạnh đó, ông kêu gọi cơ quan y tế bảo vệ các nhóm có nguy cơ và nâng cao trách nhiệm cá nhân trong việc khoảng cách và đeo khẩu trang.

Khu vực châu Âu theo phân chia của WHO, gồm 53 nước trong đó có một số nước Trung Á, đã ghi nhận thêm khoảng 12 triệu ca nhiễm trong tuần qua, mức cao nhất kể từ đầu dịch.

Tuy nhiên, tỷ lệ nhập viện thấp hơn các đợt dịch trước giúp các nước như Anh, Ireland và Pháp dỡ bỏ đáng kể các quy định giới hạn trong phòng chống dịch, dù số ca nhiễm vẫn rất cao.

Đan Mạch hôm 1.2 trở thành nước EU đầu tiên dỡ bỏ tất cả các giới hạn về phòng chống Covid-19 trong nước. Na Uy cũng có quyết định tương tự vào cùng ngày.

Liên quan biến thể phụ BA.2 của Omicron, WHO cho biết biến thể phụ này đã xuất hiện tại 5 nước châu Phi và đang gây lo ngại vì các mẫu bệnh phẩm có thể không được xác định là một dạng của Omicron.

Theo chuyên gia Nicksy Gumede-Moeletsi của WHO tại châu Phi, biến thể phụ này đã xuất hiện tại Botswana, Kenya, Malawi, Senegal và Nam Phi. Bà cho biết WHO đang phối hợp chặt chẽ với các phòng thí nghiệm, đề nghị gửi các mẫu đã được xác định không phải là Omicron để phân tích thêm.

Trong khi đó, giám đốc khu vực châu Phi của WHO Matshidiso Moeti lo ngại rằng tỷ lệ tiêm vắc xin tại châu lục này sẽ sụt giảm vì biến thể Omicron bị xem là ít gây bệnh nặng.

Theo bà, châu Phi ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 thấp hơn so với dự kiến vì châu lục này thiếu sự kết nối và dân số còn khá trẻ.

KHÁNH AN

TNO