24/01/2025

Người Việt ở nước ngoài đón Tết Nhâm Dần

Người Việt ở nước ngoài đón Tết Nhâm Dần

Một số người gốc Việt và người Việt ở nước ngoài đã chia sẻ những hoạt động đón Tết Nhâm Dần, tùy theo tình hình dịch Covid-19 ở nơi họ sinh sống.

 

 

 

“Để nhà có không khí tết…”

Trả lời Thanh Niên, chị Đặng Châu ở bang California (Mỹ) cho hay đây là năm đầu tiên chị ăn tết xa quê. Để thỏa nỗi nhớ tết quê nhà, chị đã đến các chợ Việt mua bánh chưng, bánh tét, dưa món, giò thủ… “Ở đây có đầy đủ các món ăn quê hương trong ngày tết. Để nhà có không khí tết, tôi cũng đã đến chợ Việt mua nguyên vật liệu về cùng người thân làm món nem để ăn tết và đãi khách”, chị Châu cho hay.

Chị chia sẻ thêm: “Do tình hình dịch Covid-19 ở Mỹ vẫn còn diễn biến phức tạp nên chắc có lẽ tôi chỉ đến nhà của vài người thân trong gia đình chúc tết”.

Người Việt ở nước ngoài đón Tết Nhâm Dần - ảnh 1
Gia đình chị Đặng Châu làm món nem đón tết  DANH TOẠI
Người Việt ở nước ngoài đón Tết Nhâm Dần - ảnh 2
Gia đình chị Đặng Châu mua bánh chưng, bánh tét và khô bò, khô mực để nhà cửa có không khí tết   DANH TOẠI

Tuy nhiên, theo chị Châu, một số hội nhóm cộng đồng Việt ở California vẫn có tổ chức hội chợ tết hoặc chương trình ca múa nhạc đón năm mới, vào cổng miễn phí trong những ngày Tết Âm lịch. Đêm 29 tết, một số nhà thờ và chùa tổ chức đón giao thừa, có múa lân và phát lộc.

Người Việt ở nước ngoài đón Tết Nhâm Dần - ảnh 3
Một cửa hàng của người Việt ở thành phố San Jose thuộc bang California bán các mặt hàng bánh mứt tết  DANH TOẠI

Cũng tại Mỹ, anh Linh Pham, sống ở thành phố Wichita Falls thuộc bang Texas, cho hay dù dịch bệnh vẫn còn nhưng không còn phải giãn cách nghiêm ngặt như trước nên cộng đồng người Việt ở đây vẫn chuẩn bị đón tết như 3,4 năm trước. “Gia đình mình cũng vậy… mình nấu bánh tét, bà xã mình thì chuẩn bị một mâm trái cây, một bình hoa thật đẹp. Đón năm mới, nhớ đến tổ tiên, và cũng là nhắc nhở và dạy cho các con của mình biết đến tết là gì”, anh Pham chia sẻ với Thanh Niên. Anh cho biết thêm vào ngày 30.1.2022, tức vào ngày 28 tháng Chạp, cộng đồng người Việt ở Wichita Falls có tổ chức sự kiện mừng năm mới.

Người Việt ở nước ngoài đón Tết Nhâm Dần - ảnh 4
Gia đình anh Linh Pham chưng bánh tét, hoa quả để đón tết  NVCC

“Đón giao thừa cùng cả nước”

Trả lời Thanh Niên, anh Tôn Thất Hòa, giám đốc marketing và tuyển sinh Trường trung học tư thục Erindale, thành phố Mississauga thuộc tỉnh bang Ontario, Canada, cho hay theo kế hoạch 3 bước nới lỏng các hạn chế do Covid-19 của Ontario, từ ngày 31.1.2022, tức ngay dịp Tết Nhâm Dần, giới hạn số người tập trung bên trong nhà là 10 người và ở không gian mở bên ngoài là 25 người.

“Các sự kiện chào đón tết của cộng đồng Việt Nam trên toàn tỉnh bang Ontario nói chung và ở thành phố Mississauga, nơi gia đình tôi đang sinh sống, thêm một lần nữa không được tổ chức. Gia đình tôi, cũng như tất cả các gia đình Việt Nam khác sẽ đón năm mới tại nhà, sẽ cùng nhau đón giao thừa trực tuyến cùng cả nước, sẽ gọi điện thoại về Việt Nam để chúc tết gia đình nội, ngoại và bạn bè”, anh Hòa chia sẻ.

Nếu không có đại dịch Covid-19, mỗi gia đình người Việt ở nước ngoài nói chung và ở Canada nói riêng tùy theo hoàn cảnh mà đón Tết, theo anh Hòa. “Tôi vẫn nhớ 2 năm đầu đến Canada, trong tầm giữa tháng Chạp, các lễ hội và sự kiện chào đón tết truyền thống của Việt Nam được tổ chức ở nhiều nơi, thường là vào dịp cuối tuần, để mọi người dễ dàng sắp xếp thời gian, công việc mà đến tham dự đông đủ. Hội chợ Tết Việt Nam được tổ chức hoành tráng, đông vui với nhiều hoạt động vui chơi giải trí, ca nhạc đậm chất xuân quê hương”, anh Hòa cho hay.

Người Việt ở nước ngoài đón Tết Nhâm Dần - ảnh 5
Anh Tôn Thất Hòa cùng vợ và 2 con trai đi mua hoa tết tại một siêu thị châu Á ở Canada  NVCC

“Tuy nhiên, từ lúc đại dịch bùng phát, đến nay đã là cái tết thứ 3, nhiều nơi ở khắp Canada, đồng bào Việt Nam thiếu không khí đón xuân đông vui, nhộn nhịp. Tất cả các hoạt động tổ chức lễ hội hay gặp gỡ đồng hương, bạn bè sẽ phải tạm gác lại theo lệnh chung của chính phủ. Mọi hoạt động sẽ chỉ quây quần bên trong mỗi gia đình. Nếu có gặp nhau, chúc tết thân tình, có lẽ cũng chỉ thực hiện qua điện thoại, tin nhắn, hay qua màn hình điện thoại, máy tính mà thôi”, anh Hòa cho hay.

Tương tự, chị Lâm Phối Nghy, đang sống ở thành phố Saitama (Nhật Bản) cho hay vào những ngày Tết Việt Nam là thời điểm chính phủ Nhật ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch Covid-19 nên các bạn của chị sẽ không đến chơi và tết này “sẽ buồn lắm đây”. Chị cho biết thêm: “Thông thường mọi năm, trong khu tôi ở, các gia đình người Việt Nam sẽ tổ chức tiệc, và một số trò chơi dân gian cho các bé thiếu nhi, hát hò, rồi chụp hình cùng nhau, nhưng do dịch bệnh nên hai năm qua không tổ chức được và năm nay cũng thế”.

Không chuẩn bị đón tết, nhưng vẫn

Chị Bảo Nguyên ở thành phố Melbourne (Úc) cho hay gia đình của chị không chuẩn bị đón tết vì chị không có thân nhân ở đó, với lại tết cũng rơi vào những ngày đi làm và ngày các con chị đi học nên chị cũng không làm gì cả. “Mẹ chồng của tôi bệnh nên ở viện dưỡng lão. Do đó, tôi cũng không để tụi nhỏ đi chúc tết (khi chưa có dịch vẫn vào chúc tết bà nhưng từ ngày có dịch thì không vào được vì an toàn cho mọi người)”, chị Bảo Nguyên chia sẻ.

Tuy nhiên, chị vẫn lì xì vào sáng mùng một tết trước khi các con của chị đi học, dạy chúng đứng chúc tết ba mẹ và gọi điện chúc tết ông bà. “Bình thường thì tôi đón tết với nhà thờ, mặc áo dài, chuẩn bị những món ăn ngày tết nhưng từ khi có dịch thì gia đình tôi không thể tham dự. Tui vẫn nấu canh khổ qua dồn thịt, nồi thịt kho nhỏ và mua dưa hấu với lại một đòn bánh tét để cho có không khí thôi”, chị Bảo Nguyên cho hay. Chị chia sẻ thêm rằng vợ chồng chị “mong dịch bệnh sớm qua đi để có thể dẫn tụi nhỏ về Việt Nam ăn tết với gia đình một lần để tụi nhỏ biết không khí tết thật sự là như thế nào”.

Tết giúp gắn kết cộng đồng Việt

Chị Nghy cho hay sau nhiều năm sinh sống ở Nhật, chị nhận thấy rằng tết cũng như các ngày lễ khác của Việt Nam đều là những dịp mà mọi người Việt trên đất khách có thể cùng tụ họp lại, ăn uống, trò chuyện, chơi các trò chơi dân gian, tìm lại chút gì đó hương quê, giúp gắn kết người Việt lại với nhau. Tương tự, anh Pham cho rằng tết vẫn có ý nghĩa trong cộng đồng người Việt ở Wichita Falls và mọi người muốn gìn giữ văn hoá Việt cho con cháu mình. “Tết ở đây không thể nào so sánh với quê nhà được. Nhưng trong thâm tâm không bao giờ tách khỏi suy nghĩ của gia đình mình mỗi khi tết đến… Tết đến, nhà thờ tổ chức vui xuân, lễ nhớ tổ tiên, chúc tết, tặng quà cho các vị cao niên….phần nào cũng gắn kết cộng đồng người Việt ở đây”, anh Pham nhận định.

Người Việt ở nước ngoài đón Tết Nhâm Dần - ảnh 6
Một nhà thờ ở thành phố San Jose, bang California tổ chức gian hàng hội chợ tết để quyên góp tiền cho hoạt động từ thiện  DANH TOẠI

Còn theo anh Hòa, Tết Việt Nam không phải là ngày lễ chung của Canada nhưng cứ mỗi dịp tết đến, mọi người con Việt đều nôn nao, chờ đợi, đều mong muốn được đoàn tụ cùng người thân, đồng hương. “Tết gắn kết tình thân, nhắc nhở cộng đồng người Việt khắp nơi về truyền thống, về nguồn cội nơi mình đã sinh ra, lớn lên. Thế hệ con em người Việt sau này cũng hiểu được nhiều về quê cha đất tổ qua các hoạt động, lễ hội đón tết xa nhà của thế hệ cha anh. Tôi nghĩ, tết luôn là dịp tốt nhất để gắn kết cộng đồng người Việt không chỉ ở Canada mà ở tất cả mọi nơi trên thế giới”, anh Hòa cho hay.

“Tết Nhâm Dần, năm Con Cọp, hy vọng đánh dấu chấm hết cho đại dịch Covid-19 và đưa mọi người, mọi nhà trở lại giai đoạn bình thường, yên ổn và phát triển, tuy không thể nào như trước đại dịch. Trong 12 con giáp, Cọp tượng trưng cho sự dũng mãnh, uy linh. Năm Nhâm Dần hy vọng sẽ là năm mọi thứ phát triển mạnh mẽ trở lại”, anh Hòa chia sẻ.

VĂN KHOA

TNO