Chúa Nhật IV TN C 2022: Sứ mệnh tình yêu hôm nay

Tuần trước chúng ta đã tìm hiểu cần “sống trọn vẹn giây phút hiện tại” của đời mình để hoàn thành “kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa là tình yêu” và chúng ta thấy mình có nhiệm vụ phải lập kế hoạch cho đời sống để làm chứng cho tình yêu. Tuần này, qua các bài Thánh Kinh, Chúa mời gọi chúng ta tiếp tục suy nghĩ về tính cách hiện thực của sứ mệnh người môn đệ qua lời xác định của Người: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe” (x. Lc 4,21-30). Vậy sứ mệnh đó là gì và ta thực hiện nó như thế nào?

Chúa Nhật IV TN C 2022

Sứ mệnh tình yêu hôm nay

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Tuần trước chúng ta đã tìm hiểu cần “sống trọn vẹn giây phút hiện tại” của đời mình để hoàn thành “kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa là tình yêu” và chúng ta thấy mình có nhiệm vụ phải lập kế hoạch cho đời sống để làm chứng cho tình yêu. Tuần này, qua các bài Thánh Kinh, Chúa mời gọi chúng ta tiếp tục suy nghĩ về tính cách hiện thực của sứ mệnh người môn đệ qua lời xác định của Người: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe” (x. Lc 4,21-30). Vậy sứ mệnh đó là gì và ta thực hiện nó như thế nào?

1. Sứ mệnh được giao phó cho ta

Mỗi người chúng ta đã được Thiên Chúa yêu thương, chọn lựa từ muôn thuở để làm chứng cho Ngài, như tiên tri Giêrêmia đã nhắc nhở trong bài đọc I (x. Is 1,5.17-19): “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi. Trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi. Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân… Hãy nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho ngươi”. Như thế, chúng ta trở thành tiên tri, thành ngôn sứ không phải chỉ cho anh em đồng đạo trong Giáo Hội, mà còn cho mọi người đang sống quanh ta, cho muôn vật đang hiện diện bên ta trong vũ trụ này.

Chúng ta phải làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa như Chúa Giêsu. Người làm chứng rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Chúa Giêsu đã yêu cho đến cùng, yêu cho đến chết trên thập giá rồi sống lại để làm chứng cho tình yêu vĩnh hằng của Thiên Chúa. Chúng ta cũng đang được mời gọi tiếp tục tìm hiểu và thực hiện bài học tình yêu ấy cho con người và thế giới hôm nay. Đó là sứ mệnh cao cả của người tín hữu Kitô.

F:\tinh tâm- thuong huan\TINH TAM THUONG HUAN 2022\Hinh dua vo bai tinh tam\IMG_0585.JPG

2. Tính cách hôm nay trong sứ mệnh của ta

Trước hết, câu nói của Chúa Giêsu: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh” (Lc 4,21) diễn tả 2 yếu tố. Yếu tố thứ nhất là tính cách hiện tại, liên can đến thời gian đang diễn ra, đối lập với quá khứ và tương lai. Yếu tố thứ hai là tính cách hiện thực, liên can đến nội dung của ơn cứu đó: cái có thật, đang tồn tại trong thực tế.

Tính cách hôm nay không phải chỉ muốn nói đến việc Chúa Giêsu đã được Chúa Cha chọn lựa hay việc Chúa Giêsu tuyển chọn các tông đồ thời xua để các ngài làm “ngôn sứ cho muôn dân”. Tính cách hôm nay chính là mỗi người chúng ta hiện tại đang được Chúa yêu thương, chọn lựa và ban nhiều ân sủng của Chúa Thánh Thần để ra đi làm chứng cho tình yêu cứu độ.

Chúng ta cũng phải đến với mọi người, mọi vật để loan báo sự thật cứu độ ấy bằng cách đặt tay chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, cho người tội lỗi được ăn năn thống hối, cho người chết về thể xác hay tâm hồn được sống lại, cho người nghèo khó được nghe Tin Mừng như Chúa Giêsu. Nhưng nếu chúng ta không nhận ra họ ở sát ngay bên ta, thì làm sao thực thi được sứ mệnh cứu độ của mình?

Tính cách hôm nay cũng mời gọi ta nhìn vào xã hội hiện tại để giúp cho nhiều người cảm nghiệm được tình yêu thương của Thiên Chúa. Họ là hàng triệu người sống trong tình trạng nghèo khổ, cùng cực đang muốn nghe được Tin Mừng cụ thể vì phải bới moi thùng rác mỗi ngày, không bán được hàng hoá, nông sản hay đang thất nghiệp. Tin Mừng ấy không phải là những lời chúc phúc suông, những kiểu chúc bình an miễn cưỡng trong thánh lễ, nhưng là những chiếc bánh, tấm áo, túi gạo, viên thuốc hay việc làm cụ thể. Chúng ta chưa nói được Tin Mừng cụ thể ấy như Chúa Giêsu vì ta còn thiếu ân sủng của Thánh Thần và chưa thở được Thần Khí của Người.

Tính cách hôm nay là ta phải nhận ra người nghèo nơi hàng triệu bệnh nhân đang nằm chật cứng trong các bệnh viện, trạm xá, đang bị bóc lột bởi những hạng người vô lương tâm đòi họ phải xét nghiệm, chụp hình đủ thứ, dù không cần thiết, hoặc kê những toa thuốc mắc tiền chỉ để nuôi bệnh chứ không chữa lành. Riêng trong lĩnh vực tâm thần, họ là 14 triệu người Việt Nam đang bị tâm thần, trong đó 3 triệu người bệnh nặng cần giúp đỡ. Vậy chúng ta làm gì để cứu giúp họ nếu không có tình yêu của Chúa Giêsu và ơn Chúa Thánh Thần?

Họ là hàng chục triệu người trẻ, từ các cháu bậc tiểu học đến sinh viên trong các đại học, đang sống trong tình trạng căng thẳng vì những chương trình giáo dục nặng nề, học đêm học ngày mà thấy kiến thức mình thu nhận được chẳng dạy cho mình sống chân thực, trong sáng, quảng đại, an bình. Những thông tin trên sách báo, truyền hình hay mạng xã hội chỉ đánh bóng giả tạo những khuôn mặt nghệ sĩ, diễn viên, cầu thủ bóng đá và cả những nhà lãnh đạo cho đến khi họ bị kết án tham nhũng, lạm dụng tiền đóng góp từ thiện… và giấu diếm thực trạng đáng buồn của xã hội hiện nay.

3. Bài học yêu thương hôm nay

Thánh Phaolô mời gọi chúng ta: “Đức mến là tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (x. 1Cr 13,4-13). Nhưng nhiều khi chúng ta chưa chịu đựng cho đủ, chưa tin tưởng trọn vẹn, chưa tha thứ luôn luôn, chưa giữ vững niềm hy vọng, nên đức mến hay tình yêu chân thực của ta chỉ nửa vời. Đức mến chính là “ân sủng tình yêu mà Thiên Chúa đổ vào lòng ta nhờ Thánh Thần Ngài ban cho ta” (Rm 5,5).

Tuy nhiên, đức mến còn là một đức tính phải tập luyện không ngừng. Vì thế, Chúa Giêsu đang mời gọi ta nhìn vào xã hội hôm nay để thể hiện bài học yêu thương của Người và dạy cho anh chị em, nhất là các bạn trẻ, bài học yêu thương này bằng chính đời sống. Yêu thương là dám nhìn vào đời sống hiện thực của chính mình và của cộng đồng để sống “nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật” (1Cr 13,4).

Người dân làng Nazareth mơ ước phép lạ và nói với Chúa Giêsu: “Những gì mà chúng tôi nghe nói ông làm ở Caphanaum thì ông hãy làm ở quê hương ông xem nào!”. Họ đòi hỏi phép lạ nhưng lại không có lòng tin và tình yêu đối với Chúa Giêsu. Người đã vạch trần thái độ giả dối của họ. Người mời gọi họ phải yêu thương như Thiên Chúa vì có yêu thương như thế thì mới cảm nghiệm được ân huệ của Thánh Thần, mới cảm nghiệm được những phép lạ của Người. Thánh Phaolô cũng đã xác định rất rõ: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa… Giả như tôi được ơn nói tiên tri, biết hết mọi điều bí nhiệm, giả như tôi có đức tin đến chuyển núi dời non… mà không có đức mến thì cũng chẳng ích gì cho tôi”.

Họ không có tình yêu, chỉ thích lợi lộc, giống như nhiều người thời nay chỉ đi tìm danh vọng và của cải vật chất, chỉ thích thoả mãn những bản năng thấp hèn và những đòi hỏi tầm thường của đời sống, thì làm sao có thể cảm nghiệm được tình yêu cao cả và quyền năng phi thường của Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói lên sự thật đó thì người ta lại nổi giận muốn xô Người xuống vực thẳm.

Chúng ta cần phải can đảm nói lên sự thật đó cho những người thân yêu, cho cộng đồng của mình, dù biết rằng mình có thể bị loại trừ. Nếu ta giữ im lặng là ta đồng loã với cái xấu, cái ác. Các Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, Phaolô VI và nhất là Gioan Phaolô II mời gọi ta đừng sợ, nhưng hãy “yêu cho đến cùng” như Chúa Giêsu, hãy vạch trần sự thật để giúp nhau đi vào con đường sự thật và sự sống của Người.

Lời kết

Chúa Giêsu đang mời gọi ta thể hiện bài học yêu thương của Người cho xã hội hôm nay bằng đời sống tích cực, hào hiệp, hy sinh. Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hoàn thành sứ mệnh Chúa giao phó. Amen.

HKK