26/12/2024

Lo không đủ xăng bán Tết

Lo không đủ xăng bán Tết

Không chỉ khan hiếm hàng từ các nguồn cung ứng, mức chiết khấu thấp và chi phí tăng mạnh khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ. Một số doanh nghiệp tính chuyện nghỉ bán sau Tết Nguyên đán.

 

 

 

Lo không đủ xăng bán Tết - Ảnh 1.

Một góc Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa – Ảnh: TL

Gần một tuần nay, Công ty CP xăng dầu Tự Lực 1 – thương nhân phân phối xăng dầu – chạy đôn đáo khắp nơi tìm kiếm các mối để có thêm nguồn xăng dầu dự trữ cho trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Tiu, giám đốc công ty, cho biết tình hình đang rất căng thẳng do Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đột ngột giảm cung ứng xăng dầu ra thị trường. Nhiều thương nhân đầu mối lớn đều lắc đầu không bán thêm, đặc biệt là xăng, nên không thể mua được hàng.

Kinh doanh thua lỗ, tính treo biển “hết hàng”

Trong khi đó, mức chiết khấu cho mỗi lít xăng dầu đều giảm mạnh, trước đây là 600 – 800 đồng/lít thì nay giảm xuống chỉ còn 200 – 300 đồng/lít, nên không đủ chi phí vận hành.

Ông Tiu cho biết lượng xăng dầu dự trữ hiện có chỉ “gắng gượng” đến cận Tết, không thể đảm bảo được sau Tết có đủ lượng để cung ứng ra thị trường nếu tình hình nguồn cung từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn không khả quan hơn.

“Tình hình này không biết sau Tết sẽ thế nào, mà duy trì bán thì thua lỗ, vì mức chiết khấu quá thấp chỉ trên dưới 200 đồng/lít với xăng mà không có hàng để mua, chưa bao gồm cước vận chuyển từ Hải Phòng về.

Bởi hiện nay chi phí trực tiếp cho mỗi lít xăng nếu kinh doanh tiết kiệm cũng lên tới 600 đồng, nên doanh nghiệp không thể có lãi. Nếu tình trạng này kéo dài thì nguy cơ nhiều cửa hàng phải treo biển nghỉ bán vì hết hàng, đặc biệt là sau Tết” – ông Tiu than thở.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc một hệ thống bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM và các tỉnh miền Tây cho hay hiện nay giá chiết khấu trên mỗi lít xăng dầu đã xuống thấp, chỉ duy trì ở mức 100 đồng/lít.

Theo vị này, do giá xăng dầu thế giới vẫn ở mức cao, dẫn đến các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu hạ chiết khấu, từ mức 700 – 1.000 đồng/lít cho thương nhân phân phối, nay xuống 100 đồng/ lít, có thời điểm chỉ còn 0 đồng.

Trong khi đó, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải vận chuyển từ kho đến các cửa hàng, chi phí nhân viên, mặt bằng, hao hụt, điện… dẫn đến không có lời hoặc lợi nhuận rất thấp.

“Hiện mấy doanh nghiệp bán lẻ như chúng tôi càng bán càng lỗ. Chúng tôi chưa xác định ngày nào nghỉ Tết, cứ chừng nào hết xăng trong cửa hàng là nghỉ, nhưng sẽ nghỉ sớm vì càng bán càng lỗ. Ra năm đến khoảng mùng 6 chúng tôi mới mở lại các cửa hàng xăng dầu” – vị này nói.

Không có nhiều hàng để mua

Một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tại TP.HCM cho biết nhập tới 40% nguồn xăng dầu từ Nghi Sơn nên khi nhà máy này giảm đột ngột nguồn cung khiến doanh nghiệp trở tay không kịp. Nguồn cung xăng dầu từ Dung Quất cũng không thể tăng thêm nhiều, trong khi nhập khẩu khó khăn do đã cận Tết Nguyên đán, nên việc đàm phán mua bán nhập khẩu xăng dầu rất khó khăn vì sẽ bị ép giá rất cao.

“Trên thị trường cung ứng xăng dầu ở châu Á cũng không còn nhiều hàng để mua vì Trung Quốc cắt giảm sản lượng, nên đang giành giật nhau mua và không có hàng. Sau Tết khả năng là thiếu hụt hàng, một loạt cửa hàng có thể đóng cửa vì nguồn cung khan hiếm.

Nhiều kho hàng trong miền Nam rất mỏng, tình trạng chung của thị trường hiện nay là đi mua nhưng không có người bán, nên ai có hàng đều phải giữ cho hệ thống” – đại diện doanh nghiệp này cho hay.

Một giám đốc doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết hiện vẫn bán theo sức tiêu thụ của thị trường. Trường hợp lượng tiêu thụ tăng lên, việc mua hàng từ các doanh nghiệp đầu mối sẽ gặp khó khăn do hàng không còn “dồi dào” như trước.

Ông Bùi Ngọc Bảo, chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho hay việc Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm sản xuất và có nguy cơ dừng hoạt động đã ảnh hưởng đến nguồn cung thị trường. Nhà máy này hiện chiếm tới 35% tổng nguồn cung xăng dầu, khi nhà máy dừng hoặc giảm sản xuất sẽ tác động không nhỏ đến cân đối cung cầu xăng dầu trên thị trường.

Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) là công ty liên doanh được thành lập vào tháng 4-2008 do 4 thành viên góp vốn, bao gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPE), Công ty Idemisui Kosan Nhật Bản (IKC) và Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI). Trong đó PVN góp vốn 25,1%. Dự án chính thức vận hành thương mại từ ngày 14-11-2018.

PVN đang đàm phán tái cấu trúc Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn

Thông tin với Tuổi Trẻ về việc Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm và có nguy cơ dừng sản xuất vào giữa tháng 2, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PVN, đơn vị chiếm 25,1% cổ phần của Nghi Sơn) cho hay nhà máy lọc dầu này hủy nhập 2 tàu dầu thô trong tháng 1-2022 do có khó khăn nghiêm trọng về tài chính.

Tuy vậy, PVN cho rằng việc tự ý hủy nhập 2 chuyến dầu thô dẫn đến nguy cơ dừng hoạt động là hoàn toàn thuộc trách nhiệm của ban điều hành Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, chứ không liên quan đến việc phê duyệt gia hạn thỏa thuận (RPA) và thanh toán sớm (EP) hợp đồng bao tiêu sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn và các phụ lục (FPOA) theo đúng cam kết và thỏa thuận trước đó được ký kết giữa hai bên.

Theo PVN, theo điều lệ công ty thì ban điều hành của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn phải chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm công tác nhập dầu thô và công suất vận hành nhà máy… Trong khi đó, hiện nay các vấn đề liên quan tới RPA và EP là các nội dung nằm trong phương án tái cấu trúc tổng thể của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và đang trong quá trình đàm phán.

PVN cũng cho rằng do dự án được đưa vào vận hành thương mại trong bối cảnh toàn thế giới có xu thế dịch chuyển nguồn năng lượng mạnh mẽ sang các nguồn năng lượng tái tạo, nên nhu cầu xăng dầu giảm. Ngoài ra, thị trường biến động bất lợi, biên lợi nhuận chế biến của ngành lọc dầu giảm mạnh và tác động của dịch bệnh COVID-19 đã làm ảnh hưởng lớn tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của dự án.

Chưa kể, công tác quản trị của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn do phía nước ngoài điều hành còn nhiều bất cập, góp phần dẫn tới các khó khăn về tài chính hiện nay. Do đó, PVN cho rằng việc tái cấu trúc tổng thể nhà máy này là nhu cầu cần thiết và cấp bách.

PVN đang trong giai đoạn đàm phán với các bên góp vốn nước ngoài về nội dung, giải pháp tái cấu trúc tổng thể trên cơ sở đàm phán, thuyết phục và thống nhất với các bên góp vốn nước ngoài nhằm duy trì hoạt động an toàn, hiệu quả.

NGỌC AN – NGỌC HIỂN
TTO