Học sinh trường chuyên đi về đâu?
Học sinh trường chuyên đi về đâu?
Câu chuyện trường chuyên lại sôi nổi lên trong những ngày qua sau khi Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện đề án phát triển trường THPT chuyên giai đoạn 2010 – 2020.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng: “Cần tránh quan điểm coi trường chuyên là để có học sinh giỏi, có các giải thưởng, huy chương… mà cần có quan điểm đúng về phương diện đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và lấy đó làm trọng tâm trong phát triển”.
Học sinh Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) ĐÀO NGỌC THẠCH |
Bất cứ thời đại nào, quốc gia nào cũng đều chú trọng việc phát hiện đào tạo bồi dưỡng nhân tài. Cách đây 526 năm (1484-2010), trên tấm bia Tiến sĩ đầu tiên dựng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám ghi lại lịch sử khoa thi năm 1442 có khắc ghi những dòng chữ: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn.(Thân Nhân Trung).
Đừng lãng phí người tài
Sau hội nghị, nhiều ý kiến nhấn mạnh cần xác định rõ trường chuyên là nơi đào tạo tinh hoa đúng nghĩa chứ không phải luyện “gà nòi”. Thế nhưng điều mà nhiều người quan tâm nhất, đó là học sinh trường chuyên đi đâu, làm gì sau khi kết thúc 3 năm học chuyên đầy áp lực và những học sinh ấy có đúng là nhân tài thật để giúp đất nước như kỳ vọng?
Việc phát hiện, đào tạo nhân tài chỉ mới là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là sử dụng nhân tài như thế nào. Việc sử dụng người tài cần phải được đặc biệt quan tâm để không phải lãng phí thời gian, tiền của, chất xám, từ đó thu hút được nhiều học sinh vào trường chuyên hơn.
Tôi được biết câu chuyện một học sinh chuyên Anh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Khánh Hòa), đạt giải khuyến khích thi học sinh quốc gia (2016), tốt nghiệp xuất sắc, thủ khoa Trường ĐH Ngoại Ngữ (Huế) ngành sư phạm tiếng Anh (2020) nhưng hiện tại không tìm được một nơi để dạy vì bao năm nay Khánh Hòa không có thi tuyển viên chức giáo dục.
Có phải chúng ta chưa hoàn thiện quy trình phát hiện, đào tạo, sử dụng nhân tài? Hiện nay ít địa phương có chính sách, chế độ đãi ngộ, trải thảm thu hút, đón nhân tài vì vậy nhiều nhân tài bị mai một.
Học sinh dự thi vào Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Khánh Hòa)
N.V.L |
Để trường chuyên thật sự là nơi thu hút nhân tài
Để trường chuyên thật sự là nơi thu hút đào tạo nhân tài phục vụ đất nước, cần phải giải quyết tốt các vấn đề sau:
Việc tuyển chọn học sinh vào trường chuyên cần hết sức nghiêm ngặt, không đặt ra chỉ tiêu về số lượng mà căn cứ vào chất lượng.
Đội ngũ thầy cô giảng dạy trường chuyên phải là những người tài, thầy có giỏi trò mới giỏi và cũng nên thi tuyển giáo viên vào dạy các trường chuyên. Có vậy mới bảo đảm chất lượng giảng dạy đào tạo nhân tài.
Có chế độ đãi ngộ đặc thù, xứng đáng với thầy cô, học sinh trường chuyên. Thầy cô được hưởng lương gấp 3 giáo viên bình thường, có chế độ hỗ trợ về chỗ ở… Học sinh được miễn phí hoàn toàn mọi chi phí học tập, sinh hoạt, cấp học bổng 100%…
Trang bị đầy đủ nhất về cơ sở vật chất, phòng thực hành, thí nghiệm… xứng tầm để các học sinh có cơ hội trải nghiệm, khám phá, phát triển hết năng lực bản thân.
Nhà nước cần có đơn đặt hàng để sử dụng nguồn lực học sinh chuyên để tránh việc chảy máu chất xám như hiện nay.
Nguyễn Văn Lực
(Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)
TNO