Châu Á đón Tết trong ‘bão’ Omicron
Châu Á đón Tết trong ‘bão’ Omicron
Giới chuyên gia lo ngại số ca nhiễm ở một số nước châu Á có thể tăng vọt sau Tết Nguyên đán do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron.
Ngày 26-1, Hàn Quốc cho biết ghi nhận 13.012 ca nhiễm mới trong 24 giờ, vượt kỷ lục 8.571 ca của ngày trước đó và cao nhất từ đầu dịch. Quốc gia này là một trong những nước châu Á đang đón Tết Nguyên đán trong trong tâm thế lo âu, thấp thỏm vì Omicron.
Omicron “thống trị” ở Hàn Quốc
Omicron tiếp tục khiến các nước châu Á phải cảnh giác hơn khi Tết Nguyên đán cận kề. Để đối phó, từ ngày 26-1, Hàn Quốc triển khai hệ thống phản ứng mới với COVID-19, tập trung vào phát hiện và điều trị sớm các nhóm nguy cơ cao như người già, người có bệnh nền.
“Từ nay trở đi, mục tiêu chính của hệ thống phản ứng COVID-19 là giảm số ca nghiêm trọng và tử vong”, Thủ tướng Kim Boo Kyum nói.
Những người nguy cơ thấp sẽ được xét nghiệm kháng nguyên nhanh, còn nhóm dễ tổn thương xét nghiệm PCR. Trong khi đó, thời gian cách ly và điều trị tại nhà cho bệnh nhân đã tiêm đủ vắc xin giảm từ 10 xuống 7 ngày.
Hôm 24-1, Hàn Quốc cho biết Omicron đã vượt Delta, trở thành biến thể thống trị sau khi chiếm hơn 50% số ca ghi nhận tuần trước, khoảng 52 ngày sau khi có ca Omicron đầu tiên.
Theo Hãng tin Yonhap, với khả năng lây nhanh của Omicron và trong bối cảnh đón Tết Nguyên đán, các chuyên gia y tế cảnh báo số ca bệnh ở Hàn Quốc có thể tăng theo cấp số nhân lên tới 20.000 ca/ngày vào đầu tháng 2 và thậm chí lên tới 100.000 ca trong những ngày tới.
“Dù Omicron gây triệu chứng ít nặng hơn so với Delta, nhưng nó rất dễ lây lan. Nếu Omicron gây ra số lượng ca nhiễm lớn trong thời gian ngắn, nó có thể khiến hệ thống phản ứng dịch tễ và y tế của chúng tôi căng thẳng”, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc, bà Jeong Eun-kyung, nhận định.
Ăn Tết thận trọng
Tết Nguyên đán là dịp hàng triệu người ở nhiều nước châu Á đổ về quê, đi du lịch hoặc tiệc tùng. Việc nhiều người tụ tập có thể khiến Omicron lây nhanh, làm dấy lên nỗi lo số ca tăng vọt sau Tết.
Tại Hàn Quốc, chính phủ yêu cầu người dân hạn chế về quê trong kỳ nghỉ kéo dài từ ngày 31-1 đến 2-2. Đặc biệt, người dân không nên đến thăm người già chưa tiêm đủ vắc xin. Các chuyến thăm viện dưỡng lão sẽ bị cấm trong Tết, tàu phà cũng hạn chế công suất để không khuyến khích người dân đi lại.
“Nếu bạn hoặc cha mẹ chưa tiêm mũi 3, tôi khẩn cầu bạn hãy hoãn tụ tập”, Thủ tướng Kim Boo Kyum kêu gọi.
Trong khi đó, người dân Đài Loan được kêu gọi thận trọng khi tụ tập và đi lại. Lãnh đạo Cơ quan y tế Đài Loan Trần Thời Trung nói người dân có thể tiếp tục kế hoạch về thăm gia đình nhưng cố tránh những điểm đông đúc.
Sau nhiều tháng không có hoặc ít ca nhiễm, Đài Loan đã lại ghi nhận nhiều ca cộng đồng từ đầu tháng 1 (hầu hết mắc Omicron). Ngày 26-1, vùng lãnh thổ này ghi nhận 46 ca cộng đồng mới, trong đó TP Đào Viên chiếm hơn một nửa. Trong khi đó, Mông Cổ bắt đầu tiêm liều 3 cho toàn dân và liều 4 trên cơ sở tự nguyện để đối phó Omicron.
Tại Trung Quốc đại lục, theo báo Wall Street Journal, những nỗ lực quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng(zero COVID) đối mặt thách thức lớn từ Omicron. TP Thiên Tân, Bắc Kinh, Thượng Hải, tỉnh Hà Nam, Quảng Đông, khu tự trị Tân Cương… ở Trung Quốc đều đã ghi nhận ca Omicron. Hôm 25-1, Bắc Kinh ghi nhận 14 ca mới trong cộng đồng.
Hiện nay người dân Trung Quốc vẫn được về quê ăn Tết, nhưng chính quyền kêu gọi giảm đi lại. Để được lên tàu cao tốc, máy bay, xe khách hoặc đi xe qua các trạm kiểm soát, hành khách phải có mã sức khỏe màu xanh. Một số nơi yêu cầu người dân cách ly nếu xuất phát từ khu vực nguy cơ cao hoặc trung bình.
Tiếp cận khôn ngoan với Omicron
Trong bài bình luận trên Đài Channel News Asia vào hôm 26-1, bác sĩ Paul Pronyk của Viện y tế toàn cầu SingHealth Duke-NUS ở Singapore cho biết hiện nay hầu hết các nước có dịch Omicron đều không tăng đáng kể các hạn chế. Theo ông, việc Singapore duy trì những hạn chế vừa phải cho đến hết Tết là cách tiếp cận khôn ngoan.
Ông Paul Pronyk nhận định việc chú ý đến người chưa tiêm, người cao tuổi và người mắc bệnh nền có thể giúp Singapore tránh được kịch bản hệ thống y tế bị căng thẳng.