26/12/2024

Cách giảm nghèo ở nước ta có gì mới?

Cách giảm nghèo ở nước ta có gì mới?

Với kinh phí tối thiểu 75.000 tỉ đồng, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có nhiều điểm đột phá, “cách làm hoàn toàn thay đổi”.

 

Cách giảm nghèo ở nước ta có gì mới? - Ảnh 1.

Ông Tô Đức – vụ trưởng, chánh văn phòng quốc gia về giảm nghèo – Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Ông Tô Đức – vụ trưởng, chánh văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động – thương binh và xã hội) – chia sẻ với Tuổi Trẻ Online những “gam màu nổi bật” trong “bức tranh giảm nghèo” nước ta 5, 10 năm tới.

* Ông có thể đánh giá về những điểm mới, điểm đặc biệt của Chương trình giảm nghèo 2021-2025 và xa hơn so với giai đoạn trước, tránh việc thực hiện mang tính “hình thức”?

– Chương trình giai đoạn 2021-2025 được thiết kế để giải quyết vấn đề còn tồn tại của chương trình của giai đoạn trước.

Ví dụ như nhiều vùng nghèo, vùng lõi nghèo có điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội hết sức khó khăn cần tiếp tục đầu tư để phát triển. Nhiều hộ nghèo thiếu sinh kế, thiếu việc làm, thiếu kỹ năng nghề nên hiệu quả thoát nghèo chưa bền vững dẫn tới tỉ lệ tái nghèo cao.

Nội dung có thể duy trì, nối tiếp giai đoạn trước, nhưng cách làm hoàn toàn thay đổi. Trước đây, chúng ta hướng đến hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân đơn lẻ thì lần này hướng tới phát triển mô hình, dự án cho người dân.

Người dân được hỗ trợ thông qua các dự án giảm nghèo và tổ chức thực hiện bởi doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ nhóm… phù hợp điều kiện, địa bàn từng địa phương. Nhóm trưởng, tổ trưởng cùng bà con thống nhất đưa ra kế hoạch chăn nuôi, kế hoạch sản xuất, UBND cấp xã chỉ hướng dẫn, hỗ trợ phía sau.

Tối thiểu 70% người dân tham gia dự án, mô hình là đối tượng hỗ trợ, còn lại là người dẫn dắt dự án, người làm kinh tế – sản xuất giỏi, người có uy tín. Tức là có người giỏi cùng làm với người nghèo, người khó khăn chứ không phải hỗ trợ để người nghèo tự làm với nhau.

Người dân là một chủ thể, được tạo điều kiện phát huy tối đa năng lực và tạo thu nhập nhưng phải chủ động tham gia có đối ứng như đóng góp ngày công lao động, hiện vật, thậm chí là kinh phí. Nhà nước hỗ trợ con giống, vật nuôi, công cụ, phương tiện, quy hoạch đất đai.

Doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn, kết nối sản phẩm của bà con với thị trường, thậm chí là bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Mục tiêu dài hơi là hình thành vùng chăn nuôi, sản xuất, vùng kinh tế ở nơi tỉ lệ nghèo cao. Khu vực ưu tiên là Tây Nguyên, Tây Bắc…

Chương trình còn có tiểu dự án hỗ trợ trực tiếp cho bà mẹ mang thai, cho con bú như nâng cao kiến thức về chăm sóc dinh dưỡng cho con, nuôi con nhỏ; hỗ trợ các cháu 16 tuổi thông qua bữa ăn học đường, sữa cho trẻ, bổ sung vi chất…

Bên cạnh đó, tiểu dự án giảm nghèo thông tin sẽ giúp bà con có kiến thức, thông tin, tiếp cận mô hình giảm nghèo tốt, làm kinh tế giỏi thông qua Internet, dịch vụ viễn thông, truyền hình… để thoát nghèo bền vững.

* Vậy việc phân bổ nguồn vốn, công tác xã hội hóa trong giai đoạn này sẽ có gì mới?

– Ngân sách nhà nước tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội cho khoảng 70 huyện nghèo, 200 xã đặc biệt khó khăn…

Về xã hội hóa, nhiệm vụ là huy động tập đoàn, doanh nghiệp hỗ trợ người nghèo theo mục tiêu ưu tiên, không tràn lan, tránh địa bàn nhiều hỗ trợ trong khi địa bàn khác không có.

Bên cạnh đó, nguồn lực từ xã hội, cộng đồng và hợp tác quốc tế rất quan trọng. Chẳng hạn, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc sẽ hỗ trợ nhân lực, kỹ thuật, kinh nghiệm quốc tế…

Trách nhiệm địa phương cũng lớn hơn khi phải hình thành quy hoạch vùng, huyện nghèo chăn nuôi, sản xuất gì, phát triển du lịch hay kinh doanh… Chính quyền xác định phương thức sản xuất, kiểm tra, giám sát, chịu trách nhiệm toàn diện, trực tiếp với toàn bộ dự án triển khai trên địa bàn.

Trước đây, nhiều địa phương chỉ bố trí nguồn lực của trung ương nhưng chương trình xác định tỉ lệ đối ứng bao nhiêu phần trăm từ nguồn ngân sách của tỉnh phù hợp. Đối ứng bao gồm ngân sách địa phương; nguồn huy động từ cộng đồng, doanh nghiệp và đóng góp của người dân. Nguồn lực linh hoạt để đảm bảo trách nhiệm, chủ động.

* Mục tiêu tối thiểu 100.000 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn được hỗ trợ kết nối việc làm thành công của Chương trình giai đoạn 2021-2025 liệu có quá tham vọng hay không?

– Chương trình đặt ra mục tiêu cực kỳ tham vọng nhưng Quốc hội và Chính phủ rất ủng hộ, phấn đấu để ít nhất một người trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững (thu nhập thường xuyên, ổn định).

Để đạt được, cả hệ thống chính trị phải làm rất nhiều việc như hỗ trợ lao động học nghề bài bản, gắn mức độ trung cấp, cao đẳng dài hạn để tự tổ chức việc làm, sản xuất, sinh kế sau khi tốt nghiệp hoặc dịch chuyển lao động vào các khu công nghiệp để tận dụng nguồn vốn FDI. Không nhất thiết học xong là về nhà chăn nuôi, trồng trọt.

Thứ hai, đào tạo gắn với doanh nghiệp, gắn với nhu cầu thị trường lao động, tránh việc cả làng học sửa xe, học chăn nuôi…

Trách nhiệm của chính quyền địa phương là điều phối nguồn lực, nhân lực để đào tạo nghề với nhu cầu doanh nghiệp. Nhiều giải pháp như dự án khởi sự kinh doanh, hỗ trợ làng nghề, phát triển du lịch cộng đồng, xúc tiến thương mại…

HÀ QUÂN thực hiện
TTO