Khóc vì thiếu 0,1 điểm để đạt học sinh giỏi
Khóc vì thiếu 0,1 điểm để đạt học sinh giỏi
Một học sinh trường chuyên nhắn tin cho tôi, nói điểm trung bình các môn của em thiếu 0,1 nên không đạt học sinh giỏi. “Giờ con thấy áp lực, bất ổn, chỉ muốn khóc”. Tôi động viên và lắng nghe em nói…
Áp lực vì “điểm tốt nhưng chưa nằm trong top đầu của lớp”
T.N là học sinh (HS) lớp 10 trường THPT chuyên ở TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng, thi thoảng em có nhờ tôi hướng dẫn mấy bài tập vật lý. Em chăm chỉ, có căn bản, nhưng dường như lúc nào ngồi học với tôi em đều lộ vẻ lo lắng. Mà quả thật, tôi đọc thấy mấy bài toán, lý ôn kiểm tra cuối học kỳ 1 có yêu cầu cao so với HS không phải chuyên khoa học tự nhiên như em. Có lẽ thầy cô ở đây vừa đáp ứng mục tiêu dạy chuyên và cả cho thi đại học sau này (?).
Hôm rồi em nhắn tin cho tôi, điểm trung bình các môn của em thiếu 0,1 điểm nên không đạt học sinh giỏi. “Giờ con thấy áp lực, bất ổn, chỉ muốn khóc”.
“Cấp 1, 2 con chỉ biết học; học ở trường, học thêm, lúc ngơi ra thì ba mẹ nhắc “lấy bài, học đi con”. Một năm học 2 lần mang giấy khen HS giỏi về cho mẹ. Mẹ cầm giấy khen rồi nghiêm giọng: “Điểm tổng kết đạt giỏi nhưng chưa nằm trong top đầu của lớp”. Vậy là con tiếp tục học ngày học đêm”, T.N tâm sự.
Chuẩn bị thi vào lớp 10, T.N chỉ có một nguyện vọng: chuyên! Vì thế, lịch học của T.N dày hơn để luyện thi vào trường chuyên.
Không đạt học sinh giỏi: “cơn địa chấn”
Khai giảng trực tuyến, học trực tiếp, thầy cô mỗi người một cách truyền dạy, môn nào cũng quan trọng, phải đạt điểm cao, được HS giỏi để gom thành tích học tập, xin học bổng, vào trường đại học top trong nước, du học. Không mấy thầy cô giải thích học để làm gì?
Con và các bạn mong được nghỉ ngơi một chút, đắm mình trong khoảng trời riêng; ở đó, con được nô đùa, đọc sách, đọc truyện, xem phim, có bữa cơm bình yên, mỗi ngày đến trường là một ngày vui
Kết quả học kỳ 1 năm nay, T.N thiếu 0,1 điểm để được xếp loại HS giỏi. Cơn địa chấn đến với cả nhà, năm học đầu tiên kể từ khi vào lớp 1, T.N “rớt” HS giỏi.
Giấy khen HS giỏi có ma thuật gì mà ba mẹ gây áp lực? Tờ giấy khen không thể đánh giá đầy đủ phẩm chất và năng lực HS và năng lực con người. Áp lực mà ba mẹ tạo ra có thể hủy hoại sự cố gắng tích cực, thậm chí hủy hoại năng lực của con em mình.
Tại sao ba mẹ so sánh con cái mình với các bạn khác? Thế mạnh của mỗi con khác nhau; có bạn không giỏi toán nhưng yêu thích bộ môn văn; có bạn không nhanh biết, hiểu, nhưng khả năng thuyết trình lại tốt. Vậy mà ba mẹ chỉ dựa vào điểm số để đánh giá năng lực, không chấp nhận điểm mạnh, điểm yếu của con, không ghi nhận cố gắng của con chỉ vì con không đạt HS giỏi.
Chúng ta không thể bắt một giáo viên có chuyên môn tiếng Anh sang dạy toán, không thể buộc một HS không có năng khiếu các môn xã hội phải học thật tốt văn, sử, địa để điểm trung bình các môn học đạt HS giỏi.
T.N trăn trở: “Ba mẹ ơi, con như một cỗ máy, từ mẫu giáo đã học tiếng Anh, học đàn, học vẽ; lúc đến trường, con kín lịch học; thứ bảy, chủ nhật, được nghỉ học – mong ước xa xỉ. Vào THPT, áp lực học tập càng lớn. Ba mẹ biết không, kỳ vọng mà ba mẹ đặt ra làm con sợ đến trường, chán học, lo lắng lúc thi. Khi về nhà, ba mẹ la mắng chuyện điểm số, đòn roi khi con bị điểm thấp. Nhiều bữa cơm, con nuốt vội trong lo âu, khóc, tâm trạng đó ám ảnh cả khi con ngủ.
Con và các bạn mong được nghỉ ngơi một chút, đắm mình trong khoảng trời riêng; ở đó, con được nô đùa, đọc sách, đọc truyện, xem phim, có bữa cơm bình yên, mỗi ngày đến trường là một ngày vui mà nhiều trường học có treo câu khẩu hiệu này”.
Tôi trăn trở khi được nghe tâm sự trên. Thầy cô, ba mẹ, hãy để các em lớn lên trong tự tin, tươi vui, an toàn. Hãy để các em sống bằng trải nghiệm của bản thân chứ không thể là câu lệnh máy móc của người lớn.
Rồi mai đây, điều quan trọng là các em sống tử tế, trách nhiệm, yêu thương bản thân và mọi người. Và điều đó không hề được quyết định bởi tấm giấy khen học sinh giỏi.
TTO