Những cái tết trong gia đình văn nhân: Phố huyện đìu hiu và chuyến tàu đêm cuối năm

Những cái tết trong gia đình văn nhân: Phố huyện đìu hiu và chuyến tàu đêm cuối năm

LTS: Ba cuốn sách: Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường (của Nguyễn Thị Thế), Nhất Linh, cha tôi và Căn nhà An Đông của mẹ tôi (của Nguyễn Tường Thiết) được Phanbook & NXB Phụ Nữ Việt Nam ấn hành thời gian qua đã gây chú ý đặc biệt với độc giả. Ký ức tết trong gia đình của những văn nhân là câu chuyện thời gian lay động được nối kết tình cờ mà đầy thú vị trong ba cuốn sách này.

 

 

Mỗi gia đình Việt Nam vào thế kỷ 20 đều mang lấy một phần lênh đênh của lịch sử đất nước. Với dòng họ Nguyễn Tường, phía sau nỗi khó nghèo mà thời thế vận vào một gia tộc, đã kịp ánh lên màu tết của sự chắt chiu, yêu thương…

Những cái tết trong gia đình văn nhân: Phố huyện đìu hiu và chuyến tàu đêm cuối năm - ảnh 1

Chuyến tàu qua ga Hải Dương thời Pháp thuộc  TƯ LIỆU

Một vọng tộc trên đà sa sút

Dòng họ Nguyễn Tường có gốc gác ở Cẩm Phô, Quảng Nam; là gia tộc nổi tiếng về khoa bảng. Thời huy hoàng của gia tộc này là đời cụ Nguyễn Tường Vân làm đến chức Binh bộ Thượng thư (1820) dưới triều vua Gia Long.

Từ sử liệu gia đình, một hậu duệ Tự Lực Văn Đoàn – nhà văn Duy Lam – đã giải thích về chữ “Tường” trong “Nguyễn Tường” rằng một lần cụ Nguyễn Văn Vân phò vua Gia Long đi đến chân núi Phước Tường, Hội An thì vua dừng lại hỏi tên núi, cụ Thượng thư bảo: “Thưa Chúa, đây là núi Phước Tường”. Vua Gia Long liền sắc ban: “Phước [Nguyễn Phước] là họ ta nhưng Tường thì ta ban cho nhà ngươi” (Theo Tự Lực Văn Đoàn và các cây bút hậu duệ, Nhân văn Nghệ thuật, Hoa Kỳ, 2019).

Hình ảnh quan Binh bộ Thượng thư Nguyễn Tường Vân đi sứ Trung Hoa do các họa sĩ thời nhà Thanh vẽ từng được triển lãm tại một số trường học trong các ngày lễ văn hóa tại Đà Nẵng vào năm 1971, biểu thị niềm tự hào lớn lao của gia đình và quê hương về một nhân vật và dòng dõi có nhiều đóng góp cho đất nước.

Nguồn mạch tinh anh của một danh gia vọng tộc được duy trì cho đến thời vua Thiệu Trị: Cụ Nguyễn Tường Vân có con trưởng là phó bảng Nguyễn Tường Vĩnh (Tuần vũ Vĩnh Long) và con thứ là Nguyễn Tường Phổ làm quan Đốc học Hải Dương. Cụ Nguyễn Tường Phổ có con trai là Nguyễn Tường Tiếp nổi tiếng hay chữ, làm Tri huyện Cẩm Giàng.

Nhưng đến thời ông Nguyễn Tường Nhu (1881 – 1918; con trai của cụ Nguyễn Tường Tiếp) thì gia cảnh sa vào khó khăn, khởi đầu của những cuộc ly tán. Ông Nhu là một nhà Nho nhưng sống vào mạt thời phong kiến nên khá chật vật trong đường công danh.

Vợ chồng ông bà Nguyễn Tường Nhu – Lê Thị Sâm có 7 người con, trong đó có những tên tuổi trụ cột Tự Lực Văn Đoàn về sau này.

Những năm đầu thế kỷ 20, ông Nguyễn Tường Nhu đưa vợ con từ Cẩm Giàng lên Hà Nội, làm công chức thông ngôn tại Thái Hà ấp; sau chuyển về số 10 Hàng Bạc, cư ngụ trong một ngôi nhà cổ kính nhưng tối tăm, sống bên những người lao động nghèo. Một thời gian ngắn sau, ông Nhu mất việc, phải khăn gói sang Lào làm thông phán cho tòa sứ. Nhận việc chưa đầy một năm thì ông đổ bệnh và đột ngột qua đời ở tuổi 37 trên đất khách.

Gia đình lâm vào cảnh túng thiếu đến mức không có gạo ăn, bà Sâm để hai con trai lớn là Nguyễn Tường Thụy và Nguyễn Tường Cẩm tiếp tục học tại Trường Bưởi (Hà Nội); dắt díu các con nhỏ gồm Nguyễn Tường Tam (về sau là Nhất Linh), Nguyễn Tường Long (về sau là Hoàng Đạo), Nguyễn Thị Thế, Nguyễn Tường Lân (về sau là Thạch Lam) chuyển về Cẩm Giàng, sinh sống bằng nghề bán thuốc lào và cân gạo khi vào vụ mùa.

Những chuyến tàu giáp tết

Trong cuốn Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường, bà Nguyễn Thị Thế nhắc nhiều về khung cảnh đời sống phố Huyện đìu hiu ở Cẩm Giàng – Hải Dương vào khoảng cuối thập niên 1910. Chuyện hai chị em Nguyễn Thị Thế và Nguyễn Tường Lân khi chiều muộn thường ngồi đợi những chuyến tàu về qua ga xép là một tài liệu quý, giúp giải mã trực tiếp bối cảnh của truyện ngắn Hai đứa trẻ đầy tinh tế của Thạch Lam.

Bà Thế nhớ lại rằng “em Sáu” (cách bà gọi Thạch Lam) mê những chuyến tàu đến nỗi có hôm canh lúc tàu dừng ở ga Cẩm Giàng để nối toa chở gạo là lén bò lại gần sát đường sắt, lấy tay sờ vào chỗ nhẵn của bánh sắt trước sự hốt hoảng lo lắng của người lớn.

Với hai chị em bà Thế, cái tết bắt đầu từ cảm xúc háo hức chờ đợi các anh đi học xa trở về: “Đêm tháng chạp mưa phùn gió bấc lạnh căm căm, hai chị em cố thức để đi đón các anh. Anh Tráng (người giúp việc) sợ chúng tôi ngủ mất nên luôn miệng kể truyện cổ tích cho nghe. Đến giờ tàu đến một tay anh cầm đèn bão, một tay cầm gậy, chúng tôi nắm chặt tay anh, ra tới cửa đã thấy người bẻ ghi đang đưa đi đưa lại cái đèn đỏ báo hiệu tàu sắp tới, tôi hồi hộp quá… Hai anh hiện ra ở toa tàu. Tàu chưa ngừng hẳn, anh Tráng đã nhảy lên rất nhẹ. Các anh bước xuống, chúng tôi chạy lại nắm tay các anh mừng rỡ”; “Sáng hôm sau đến lượt anh Tam, anh Tư ở Hải Dương về. Nhà vui hẳn lên, ngổn ngang áo quần sách vở. Các anh thi nhau kể chuyện học hành, thầy giáo này khó, ông giám thị kia dữ quá…”.

Không khí ngày giáp tết rộn ràng kéo đời sống phố Huyện ra khỏi đời sống trầm lặng buồn tẻ. Cái tết ấm cúng trong một gia đình nghèo miền Bắc đầu thế kỷ 20 được tái hiện thật chi tiết: “Tết đến thật là tấp nập, nhà nào cũng sửa soạn, quét vôi lại nhà, lau chùi bàn thờ, gói bánh chưng. Tôi ngồi yên xem mẹ tôi gói bánh. Bà bày một sàng lá dong đã rửa sạch, một thúng gạo nếp trắng như bông, một giá đậu xanh vàng óng, nồi thịt xào hành trộn cà cuống thơm phức. Sao tôi thích ngửi cái mùi thơm béo ngậy ấy thế. Bà xếp bốn cái lá dong đều nhau rồi lấy một bát gạo đổ xuống gạt ra cho đều, đổ một chén đậu lên trên, cũng san đều ra, và gắp bốn miếng thịt để vào bốn góc, tất cả lại được đổ lên một chén đậu và một bát gạo nếp nữa. Tôi xem hoài không chán mắt.

Gần xong mẹ tôi gói cho hai chị em mỗi người một cái bánh nhỏ gọi là bánh muội. Bánh xếp vào đầy cái nồi ba mươi. Bắc nồi lên bếp trời cũng vừa tối.

Trời tháng chạp mưa gió rét, cả nhà ngồi quây quần quanh nồi bánh vừa nói chuyện vừa sưởi ấm”.

(còn tiếp)

 

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

TNO