Nhiều điểm mới trong thi và xét điểm thi năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM
Nhiều điểm mới trong thi và xét điểm thi năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM
Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2022 có nhiều điểm mới trong cách thức tổ chức thi và xét tuyển.
Kỳ thi này dự kiến được tổ chức tại 17 địa phương và có hơn 80 trường ĐH và CĐ sử dụng kết quả để xét tuyển một phần chỉ tiêu trong năm nay.
2 đợt và tăng mạnh số lượng điểm thi
Đại học (ĐH) Quốc gia TP.HCM đã chính thức công bố thông tin về kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022. Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, năm nay kỳ thi này được tổ chức 2 đợt vào ngày 27.3 và 22.5. Trong đó, đợt 2 được tổ chức sớm hơn các năm trước đó, trước một tháng diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong trường hợp thí sinh (TS) thi cả 2 đợt, điểm thi của đợt cao hơn sẽ được ĐH Quốc gia TP.HCM sử dụng để xét tuyển.
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM ĐÀO NGỌC THẠCH |
Không chỉ điều chỉnh lịch thi, địa điểm thi cũng được mở rộng ra nhiều địa phương khác nhau. Đặc biệt ở đợt 1, kỳ thi dự định được tổ chức tại 17 địa phương gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Lắk, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ.
Ở đợt 2, ĐH này dự kiến tổ chức thi tại 4 địa phương: Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM, An Giang. So với năm ngoái, số lượng địa điểm tổ chức kỳ thi này tăng hơn gấp đôi. Theo ông Chính, việc mở rộng địa điểm tổ chức thi tại nhiều địa phương trải dài từ miền Trung đến các tỉnh, thành của Tây Nam bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho TS trong quá trình dự thi, đặc biệt trước bối cảnh dịch bệnh kéo dài.
Kỳ thi này còn điều chỉnh nhiều về cách thức đăng ký dự thi và xét tuyển. Năm nay TS sẽ đăng ký xét tuyển cùng lúc với đăng ký dự thi, thay vì thực hiện 2 lần như các năm trước. Cụ thể, TS sẽ đăng ký dự thi đợt 1 và xét tuyển từ ngày 28.1 – 28.2, đợt 2 từ ngày 6.4 – 25.4. Theo ông Chính, việc điều chỉnh này là khắc phục sự bất tiện khi TS phải thực hiện đăng ký 2 lần khác nhau của năm trước. Thực tế đã có một số TS nhầm lẫn nên chỉ đăng ký thi nhưng không đăng ký xét tuyển năm rồi.
Thí sinh làm bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2021 ĐÀO NGỌC THẠCH |
Sẽ có đợt xét tuyển chung?
Tính đến thời điểm này, kỳ thi đánh giá năng lực đã có hơn 80 trường ĐH và CĐ đăng ký sử dụng để xét tuyển năm nay. Riêng các trường trong hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM, chỉ tiêu dự kiến xét tuyển bằng bài thi đánh giá năng lực năm nay tăng lên ở các trường thành viên. Trong đó, Trường ĐH Khoa học tự nhiên dành đến 70%, Trường ĐH Kinh tế – Luật là 60%, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn là 50% chỉ tiêu…
Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, một điểm rất mới trong khâu xét tuyển năm nay là ĐH Quốc gia TP.HCM dự kiến phối hợp với nhiều trường ngoài hệ thống để tiếp nhận đăng ký.
“Thay vì thực hiện đăng ký xét tuyển nguyện vọng nhiều lần vào nhiều trường khác nhau, năm nay TS có thể được đăng ký trên cùng một hệ thống vào nhiều trường. Tuy nhiên, bước đầu hệ thống này chỉ tiếp nhận đăng ký, sau đó trả dữ liệu đăng ký cho các trường thực hiện việc xét tuyển riêng. Hiện chúng tôi đang làm việc với các đơn vị để chốt danh sách các trường cùng phối hợp xét tuyển này”, ông Chính thông tin.
Cũng liên quan đến xét tuyển kết quả kỳ thi này, một điểm rất mới trong năm nay là TS được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng. Các nguyện vọng được xếp theo thứ tự ưu tiên, từ cao xuống thấp. Sau khi kết quả thi đợt 1 được công bố, TS có thể đăng ký bổ sung và sắp xếp lại thứ tự nguyện vọng xét tuyển. “Những đổi mới của kỳ thi năm nay nhằm tạo thêm điều kiện thuận lợi cho TS cũng như các đơn vị tuyển sinh bằng kết quả của cuộc thi này”, ông Chính nói.
Ngược lại với những đổi mới trong tổ chức thi và xét tuyển thì cấu trúc bài thi đánh giá năng lực năm 2022 cơ bản giữ ổn định. TS chỉ làm một bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với thời gian làm bài 150 phút. Đề thi cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản nhằm đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng. Trên cơ sở đó, bài thi chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH của TS như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề.
HÀ ÁNH
TNO