25/12/2024

Mỹ thử nghiệm tác chiến ‘thiên biến vạn hoá’ ở Biển Đông

Mỹ thử nghiệm tác chiến ‘thiên biến vạn hoá’ ở Biển Đông

Sau khi tiến hành nhiều cách thức triển khai không quân linh hoạt tại Biển Đông, quân đội Mỹ được cho là đang áp dụng cách thức tương tự đối với hải quân ở vùng biển này.

 

 

Mới đây, tờ South China Morning Post dẫn lời của ông Hồ Ba, Giám đốc Tổ chức theo dõi tình hình Biển Đông (SCSPI) thuộc Đại học Bắc Kinh, cho biết Mỹ đã tăng cường hoạt động của tàu sân bay ở Biển Đông trong những năm qua. Thông tin được ông Hồ đưa ra khi trả lời Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 14.1.

Mỹ thử nghiệm tác chiến 'thiên biến vạn hóa' ở Biển Đông - ảnh 1
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson và nhóm tác chiến sẵn sàng đổ bộ USS Essex phối hợp hoạt động ở Biển Đông ngày 13.1

Tăng tần suất và khó đoán định

Theo đó, Mỹ triển khai 5 lượt nhóm tác chiến tàu sân bay đến Biển Đông vào năm 2019, thì tần suất này tăng lên 6 lượt vào năm 2020, và đặc biệt tăng cường đến 10 lượt trong năm 2021.

Không những vậy, cũng theo ông Hồ, các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ trước đây thường đến Biển Đông thông qua eo biển Ba Sĩ, nằm giữa Đài Loan và Philippines. Nhưng từ năm ngoái, hải trình của tàu sân bay Mỹ vào Biển Đông trở nên đa dạng hơn, đặc biệt có khuynh hướng đi qua những vùng biển hẹp giữa các quần đảo của Philippines. Mới đây nhất, ngày 11.1, nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson thông qua eo biển Balabac để đến Biển Đông rồi tập trận chung với nhóm tác chiến sẵn sàng đổ bộ USS Essex (cũng thuộc hải quân Mỹ) tại vùng biển này.

Anh – Úc phản đối việc quân sự hóa Biển Đông

Ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng hai nước Anh và Úc ngày 21.1 ra tuyên bố chung về nhiều nội dung, trong đó có Biển Đông. Các quan chức hai nước lặp lại sự phản đối mạnh mẽ đối với các hành động gây căng thẳng, gồm việc quân sự hóa các thực thể tranh chấp, sử dụng lực lượng hải cảnh và dân quân biển một cách nguy hiểm… Các quan chức nhấn mạnh bất kỳ bộ quy tắc ứng xử nào cũng phải phù hợp với luật quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982. Ngoài ra, những yêu sách biển và việc thực hiện luật trong nước, gồm luật Hải cảnh và luật An toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc, phải phù hợp với UNCLOS 1982.

Vi Trân

Đánh giá động thái trên, South China Morning Post dẫn lời chuyên gia Lữ Lễ Thi (Đài Loan) cho rằng các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ dường như thử nghiệm các cách thức mới nhằm đối phó chiến lược phong tỏa/chống tiếp cận (A2/AD) mà Trung Quốc áp dụng ở khu vực. Theo chuyên gia này, Lầu Năm Góc đang tìm cách “lách” khỏi các hệ thống radar tối tân mà Bắc Kinh đã triển khai ở 3 bãi đá Vành Khăn, Xu Bi và Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN, nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Đối phó Trung Quốc

Ngày 21.1, nhận định về các chiến thuật của Mỹ khi trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy tại Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) cho rằng bất kỳ quân đội nào cũng phải tìm cách chống lại các chiến lược và hoạt động của đối thủ. Có nhiều cách tiếp cận hoặc các yếu tố chính để chống lại A2/AD, cụ thể như sau: Thứ nhất, tăng quy mô và sức mạnh của các đơn vị trong lực lượng để thách thức chiến lược của đối phương.

Thứ hai, phân tán lực lượng và tổ chức di chuyển theo nhiều kiểu khác nhau để khiến đối phương khó đoán định mục tiêu. Sau đó, tiến hành tập trung hỏa lực chống lại các lực lượng chủ chốt và các phần tử hỗ trợ của đối phương.

Thứ ba, sử dụng các khí tài khó bị phát hiện như tàu ngầm, chiến đấu cơ tàng hình để xâm nhập vào khu vực hoạt động của đối phương.

Thứ tư, đánh lừa và làm suy giảm khả năng cảm biến, thông tin liên lạc, chỉ huy và kiểm soát, tình báo, giám sát và trinh sát của đối phương… Cách thức này rất cần thiết để hỗ trợ cho cách thứ hai.

“Nếu chỉ tập trung vào một cách thì dễ dẫn đến thất bại, nên cần có sự phối hợp giữa các cách. Vấn đề then chốt là làm thế nào để kết hợp tất cả 4 cách thức trên, đồng thời kết hợp như thế nào để đạt hiệu quả. Tất nhiên, việc kết hợp là khá tốn kém và nguy hiểm, ngược lại đối phương cũng tốn kém rất nhiều khi chọn lựa chiến lược A2/AD”, cựu đại tá Schuster phân tích.

Mỹ thử nghiệm tác chiến 'thiên biến vạn hóa' ở Biển Đông - ảnh 2
Oanh tạc cơ B-1 Lancer cất cánh ở South Dakota (Mỹ) ngày 28.4.2020 để bay đến Biển Đông

DVIDS

Răn đe hiệu quả

Cũng trả lời Thanh Niên, TS James Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải – Đại học Hải chiến Mỹ) cho rằng đó là cách mà Washington sử dụng sức mạnh quân sự để răn đe Bắc Kinh ở Biển Đông.

“Việc xuất hiện ở Biển Đông và các khu vực lân cận thường xuyên hơn và không thể đoán trước chứng tỏ quân đội Mỹ và các đối tác trong khu vực có thể xuất hiện trên chiến trường với đủ sức mạnh chiến đấu để đánh bại bất cứ chiến lược nào của Trung Quốc”, TS James Homes đánh giá.

“Nếu chúng tôi và các đối tác thể hiện năng lực ấn tượng, quyết tâm sử dụng năng lực đó để đáp trả mối đe dọa thì sẽ khiến Bắc Kinh tin tưởng vào khả năng và quyết tâm của chúng tôi, chúng tôi có thể khiến Bắc Kinh lo ngại khi muốn gây hấn. Cách phản ứng cứng rắn của Bộ Tư lệnh chiến khu Nam bộ của Trung Quốc đối với hành trình của hải quân Mỹ mới đây cho thấy cách tiếp cận mới của Washington có thể mang lại hiệu quả. Vấn đề là chúng ta cũng cần chờ xem Trung Quốc đưa ra biện pháp đáp trả nào”,TS James Holmes phân tích.

Việc đa dạng hóa cách thức tiếp cận Biển Đông đã được Lầu Năm Góc tiến hành từ năm 2020 với lực lượng không quân. Điển hình, ngày 28.4 đã điều động 2 oanh tạc cơ B-1 Lancer xuất kích từ căn cứ ở bang South Dakota trong lục địa Mỹ, và nhanh chóng đến khu vực Biển Đông.

Trả lời Thanh Niên khi đó, ông Schuster đánh giá việc đưa máy bay ném bom trở về lục địa Mỹ và có thể xuất kích từ đây để đến khu vực Indo-Pacific sẽ khiến đối phương bất ngờ, và khó đoán định mục tiêu cụ thể. Có nhiều đường để từ lục địa Mỹ tiếp cận khu vực Indo – Pacific. Vấn đề là khả năng ứng biến của lực lượng quân sự Mỹ đối với khu vực. Cũng trong năm 2020, Mỹ đã triển khai tập trận phối hợp ở Biển Đông bằng nhiều chiến đấu cơ được xuất kích từ nhiều địa điểm ở nhiều phía khác nhau trong khu vực.

Những cách thức tác chiến đa dạng vừa nêu được đánh giá sẽ gây bất ngờ và lúng túng cho quân đội Trung Quốc ở khu vực.

 

NGÔ MINH TRÍ

TNO