‘Các nhà máy đường không chia sẻ lợi ích với nông dân’
‘Các nhà máy đường không chia sẻ lợi ích với nông dân’
Đó là lời nói thẳng của đại diện cho nông dân trồng mía ở Tây Ninh. Đây cũng được cho là nguyên nhân lớn nhất khiến ngành mía đường VN đang có nguy cơ “thất thủ” ngay tại sân nhà.
Không cạnh tranh được với đường nhập khẩu Thái Lan
Hội thảo Hướng tới phát triển bền vững ngành mía đường VN do Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) và Tổ chức Forest Trends thực hiện diễn ra hôm qua. Theo báo cáo, ngành mía đường tại VN đang trong xu thế thu hẹp dần từ sản xuất đến chế biến vì không thể cạnh tranh với đường nhập khẩu từ Thái Lan.
Trong 5 năm qua, đã có 9/38 nhà máy phải đóng cửa, diện tích sản xuất mía giảm trên 45% làm cho sản lượng giảm 38% từ 1,24 triệu tấn xuống còn 770.000 tấn/năm. Trong giai đoạn 2017 – 2020, bình quân mỗi năm VN phải nhập khẩu 1,2 – 1,8 triệu tấn đường, chủ yếu từ Thái Lan, trong đó nhập khẩu chính ngạch chiếm từ gần 30 – 90% trong tổng lượng nhập khẩu, phần còn lại là nhập lậu.
Đặc biệt, một nguyên nhân được chỉ rõ tại hội thảo là nội bộ ngành cũng tồn tại nhiều mâu thuẫn, đặc biệt là mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp. Ông Hồ Thành Biên, đại diện cho nông dân trồng mía tại Tây Ninh, không ngần ngại nói thẳng “các nhà máy đường quá tham lam!” khi được hưởng rất nhiều đặc ân, ưu đãi của Chính phủ, nhưng không chịu chia sẻ lợi ích của cây mía với nông dân.
Nếu muốn phát triển, các bên cần ngồi lại để có kiến nghị với Chính phủ xây dựng chính sách chung cho cả ngành. Một điểm quan trọng nhất kiểm soát đường nhập lậu, giải quyết câu chuyện chữ đường giữa nông dân và doanh nghiệp bằng công nghệ.
Ông Biên phân tích theo phân chia lợi nhuận giữa nông dân trồng mía và nhà máy đường thì hiện nay, nông dân chỉ hưởng được 11%, còn 89% rơi vào các nhà máy đường. Đây là điều bất hợp lý. Bên cạnh đó, giá thu mua mía nguyên liệu, dù Quốc hội đã ban hành luật Giá quy định về hiệp thương giá bán sản phẩm, nhưng thực tế thì các nhà máy không chịu thừa nhận sự hiệp thương này và gần như không có doanh nghiệp nào chịu ngồi lại với nông dân để thương thảo về giá mua nguyên liệu. Các nhà máy luôn chủ động o ép về giá, đến thời điểm này vẫn có đơn vị thu mua mía với giá “bèo bọt” dưới 1 triệu đồng/tấn.
Cũng theo ông Biên, một trong những cơ sở để xác định giá trị mía nguyên liệu là do chữ đường (CCS) thiếu minh bạch, các nhà máy nào không chịu công khai khiến nông dân không thể biết được sản phẩm làm ra giá trị ra sao.
“Ở Tây Ninh vẫn có nhà máy đưa ra CCS ở mức 7 để áp giá mua nguyên liệu. Nhưng thực tế, chúng tôi đưa mía đi đo CCS ở đơn vị độc lập thì CCS lên tới 11 – 13. Chúng tôi đi đo CCS không có giá trị gì và chỉ thấy một nỗi niềm ngày càng bất mãn, bức xúc hơn và thực sự chỉ muốn xóa xổ diện tích mía, chứ không mặn mà với mía đường nữa”, ông Biên nói.
Nông dân trồng mía hưởng lợi quá ít từ chuỗi giá trị họ làm ra CTV |
Cần có tổ chức độc lập đo đường
Cũng theo ông Hồ Thành Biên, vấn đề cốt lõi đối với nông dân trồng mía hiện nay là cần tính toán lại tỷ lệ chia lợi nhuận rõ ràng. Hiện tại, nông dân được hưởng quá thấp và mức hưởng này chỉ tính từ chênh lệch thu mua mía nguyên liệu cho đến giá bán đường thành phẩm, trong khi các nhà máy có nhiều sản phẩm giá trị gia tăng sau sản phẩm đường. Bên cạnh đó, các nhà máy phải minh bạch thông tin về CCS.
“Chúng tôi đề nghị nên có tổ chức độc lập đo lường và chứng nhận CCS để làm cơ sở định giá mua mía nguyên liệu. Nông dân sẵn sàng trả phí cho dịch vụ này”, ông Biên nói.
Ông Võ Văn Lương, đại diện Công ty mía đường Nasu (Nghệ An), lại nêu một vấn đề khác. Đó là tình trạng nhiều doanh nghiệp không bao tiêu hỗ trợ nông dân trồng mía, mà chỉ tranh mua với các doanh nghiệp khác. Họ mua đường loại 2 – 3 rồi ép giá nông dân làm ảnh hưởng đến chuỗi liên kết.
“Nhà nước cần có chính sách bảo vệ các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu tránh tình trạng tranh mua giữa các nhà máy. Phải minh bạch trong khâu thu mua và chữ đường. Ngành đường VN nếu được tổ chức lại có thể cạnh tranh với Thái Lan”, ông Lương nói.
TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), nhận định: “Từ ngày mới hội nhập quốc tế, ngành đường đã được xác định là không đủ sức cạnh tranh. Câu chuyện mâu thuẫn trong thu mua mía đường và chữ đường đã kéo dài hơn 10 năm nay. Một nghiên cứu mới của chúng tôi cũng cho biết ngành mía đường đang gặp rất nhiều khó khăn. Đường cũng là một hàng hóa quan trọng nếu bị phụ thuộc cũng sẽ không có lợi cho người tiêu dùng”.
CHÍ NHÂN – PHAN HẬU
TNO