25/12/2024

Khai báo y tế cần thực chất hơn

Khai báo y tế cần thực chất hơn

Khai báo y tế giúp cơ quan quản lý nắm thông tin để truy vết người tiếp xúc với người mắc Covid-19, giúp khoanh vùng ổ dịch, cắt đứt nguồn lây, hạn chế ca nhiễm… Tuy nhiên đến giai đoạn này, nhiều ý kiến cho rằng cần chấn chỉnh để việc này có ý nghĩa thực chất hơn.

 

 

 

Chiều 20.1, tại buổi họp báo định kỳ, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết việc phát hiện chùm 3 ca nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng cho thấy nhân viên y tế đã làm tròn trách nhiệm. Các ca nhiễm được phát hiện từ hoạt động khám bệnh thông thường, nhân viên y tế đã nhạy bén, phối hợp với Bệnh viện (BV) 30.4 và các đơn vị giải trình tự gien, phát hiện biến chủng mới.

Khai báo y tế cần thực chất hơn - ảnh 1
Hành khách khai báo y tế tại sân bay Nội Bài (Hà Nội)  ĐẬU TIẾN ĐẠT

Từ 3 ca này, ngành y tế đã truy vết 11 người liên quan và tiếp tục ghi nhận thêm 3 người mắc Covid-19, đưa về BV dã chiến số 12 điều trị và đang chờ kết quả giải trình tự gien. Bà Mai cho biết ngành y tế vẫn đang thực hiện việc truy vết, khoanh vùng, dập dịch với chùm ca biến chủng mới, đồng thời vẫn giám sát, sàng lọc đối với các nhóm nguy cơ ngoài cộng đồng, nếu nghi ngờ thì giải trình tự gien xem có mắc biến chủng mới hay không.

Khai báo y tế cần thực chất hơn - ảnh 2
Người dân khai báo y tế tại Bến xe Miền Đông, TP.HCM ngày 20.1.2022  NGỌC DƯƠNG

Đừng nghĩ “vùng xanh” mà lơ là

Liên quan đến việc khai báo y tế (KBYT) có mục theo dõi 14 ngày qua ở đâu, có tiếp xúc với F0 hay nghi ngờ mắc bệnh, bị người dân cho là không cần thiết, bà Mai cho hay các biểu mẫu khai báo theo mẫu của Bộ Y tế. Trong tình hình mới, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo thực hiện 5K, trong đó có KBYT nên các địa phương phải thực hiện; nếu có vấn đề gì phức tạp thì đề xuất sửa đổi. Tuy nhiên, đối với hoạt động giám sát, cách ly với các trường hợp người ở nước ngoài về và người có nguy cơ theo quy định hiện hành vẫn là 14 ngày đối với trường hợp chưa tiêm đủ liều vắc xin. “Như vậy, thông tin trong phiếu khai báo nội dung theo dõi trong 14 ngày vẫn còn giá trị”, bà Mai nói.

Khai báo y tế cần thực chất hơn - ảnh 3
Người dân khai báo y tế tại Bến xe Miền Đông (TP.HCM) ngày 20.1.2022  NGỌC DƯƠNG

Trước thực trạng hiện nay, nhiều nơi như quán ăn, nhà hàng, trung tâm thương mại, trụ sở doanh nghiệp, cơ quan nhà nước vẫn còn thực hiện qua loa, chiếu lệ KBYT, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, cũng đánh giá khi TP liên tục đạt cấp 1, qua khảo sát có thể thấy còn khá nhiều cơ quan, đơn vị lơ là thực hiện chưa nghiêm việc KBYT. “TP.HCM mong muốn người dân đừng vì mất một ít thời gian mà không thực hiện KBYT. Tương tự, các cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện nghiêm, đừng nghĩ mình là “vùng xanh”, tiêm đủ vắc xin thì lơ là việc khai báo”, ông Hải nói.

Nhấn mạnh việc KBYT khi ra vào BV là quan trọng, nhưng bác sĩ (BS) Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh (TP.HCM), cho rằng việc khai báo phải khác chứ không thể như hiện nay. “Việc khai báo ở BV là để lọc ra những người nào có nguy cơ cao để tách luồng khám bệnh. Nếu khai sai, mục nào cũng đánh “không” thì khi BS khai thác bệnh sử cũng sẽ bị phát hiện; còn nếu người đến BV khai sai mà không bị phát hiện thì BS sẽ không điều trị đúng bệnh”, BS Khanh nói.

Cần “cải tiến”

Đồng quan điểm, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng Covid-19 hiện chưa thành bệnh đặc hữu (ngay cả thế giới cũng chỉ mới có khuynh hướng thành bệnh đặc hữu). Do đó, KBYT là cần thiết và quan trọng để phát hiện người mắc bệnh, cách ly, nếu không sẽ làm lây lan cho nhiều người. Ngoài ra, KBYT cũng là cách kiểm tra xem người dân có tuân thủ quy định với nhà nước hay không như vấn đề tiêm vắc xin Covid-19.

“Không thể kiểm tra tất cả thông tin được người dân KBYT, nhưng nếu người khai báo sai thì phải chịu trách nhiệm và có thể bị xử lý. Tuy vậy, cần làm quy trình KBYT hợp lý, không mất thời gian của người dân và thực sự nghiêm túc xử lý người khai sai”, PGS-TS Dũng nói. PGS-TS Dũng cũng đánh giá, KBYT hiện có nhiều điểm còn hạn chế như: không thống nhất, mỗi nơi khai báo một khác; KBYT mất thời gian, nhất là với người không sử dụng điện thoại thông minh có dùng 3G, 4G…

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.Đà Nẵng, cũng cho biết địa phương vẫn khuyến khích duy trì KBYT online, giúp kiểm soát việc di chuyển ở các vùng nguy cơ cao của người dân. Hệ thống KBYT của người dân tại TP.Đà Nẵng tăng trung bình mỗi ngày khoảng 200.000 lượt, số lượng kiểm soát qua QRCode từ KBYT tăng thêm khoảng 170.000 lượt. “Tại TP.Đà Nẵng, ngành chức năng vẫn kiểm soát KBYT mỗi ngày, không phải phục vụ truy vết, đếm F0, F1 như trước mà là xác định những vùng nguy cơ để luôn chủ động trong công tác phòng chống dịch. Ở mức độ nguy cơ, nguy cơ cao có thể cảnh báo đến người dân, tham mưu các phương án phòng chống dịch hiệu quả. Đặc biệt là hoạt động dịch vụ, nhà ga, sân bay, điểm du lịch”, ông Thạch cho hay.

Các BV tại TP.Đà Nẵng cũng duy trì chặt chẽ việc KBYT, phục vụ kiểm soát những trường hợp nguy cơ cao từ các vùng có dịch phức tạp, chủ động công tác xét nghiệm, khoanh vùng dịch để bảo vệ các khoa, các nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao. TS Lê Đức Nhân, Giám đốc BV Đà Nẵng, cho biết việc KBYT ở thời điểm hiện tại không phải phục vụ đếm F0, mà chủ động trước việc người dân ở các khu vực có nguy cơ cao đến các cơ sở y tế. “KBYT online sẽ giúp xác định các vùng nguy cơ để BV test nhanh định kỳ cho bệnh nhân, nhân viên y tế, hạn chế dịch bệnh bùng phát ở các BV. Kiểm soát số lượng nhân viên y tế ở các vùng đang có nguy cơ cao để phân lịch làm việc, vị trí công việc phù hợp, không để ảnh hưởng đến bệnh nhân, đặc biệt những nhóm bệnh yếu thế”, TS Nhân nói.

Khai báo y tế cần thực chất hơn - ảnh 4

Cũng liên quan đến vấn đề KBYT, chiều 20.1, ông Nguyễn Văn Văn, Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, cho rằng chuyện KBYT qua phần mềm cần phải tiếp tục. “Hiện nay cả nước thống nhất dùng một phần mềm (ứng dụng) KBYT là PC-Covid. Việc khai báo bằng phần mềm có hiệu quả rất rõ là giúp cho ngành y tế về việc truy vết, quản lý. Phần mềm này có cái hay là khi khai báo, mình tiếp xúc với ai sẽ tự động hiện lên để các ngành chức năng nắm để xử lý, truy vết nếu xảy ra trường hợp mắc Covid-19”, ông Văn nói.

Quét mã QR vẫn hình thức

Trên thực tế, từ sau khi Bộ TT-TT thông báo toàn quốc chỉ sử dụng một ứng dụng (app) khai báo phòng chống dịch duy nhất là PC-Covid, tình trạng rối rắm vì quá nhiều app phòng chống dịch được sử dụng cùng lúc đã giảm đáng kể. Dù vậy, việc khai báo hay quét mã QR lại đang được thực hiện khá hình thức.

Tại Hà Nội, các siêu thị lớn và một số nhà hàng, cửa hàng yêu cầu khách quét mã QR trước khi vào. Song đa số các địa điểm, việc quét mã QR được thực hiện rất hình thức, dù có bảng giấy in mã QR song không ai quét mã, cũng chẳng có nhân viên nhắc nhở. Thống kê của Sở TT-TT Hà Nội cho biết, trung bình 7 ngày (tính từ 6 – 13.1), trên toàn TP, số địa điểm QR Code có lượt quét mã là hơn 51.000; tổng số lượt quét mã là gần 300.000 lượt. Con số này quá thấp nếu so với TP hơn 10 triệu dân như Hà Nội, đặc biệt khi tỷ lệ điện thoại thông minh (smartphone) có cài đặt PC-Covid trên tổng số smartphone toàn TP là gần 4,1 triệu điện thoại (tỷ lệ cài đặt là 61,27%).

 

THANH NIÊN

TNO