28/12/2024

5 huyện ngoại thành TP.HCM còn thiếu bao nhiêu tiêu chí để lên quận?

5 huyện ngoại thành TP.HCM còn thiếu bao nhiêu tiêu chí để lên quận?

Trong 5 huyện ngoại thành của TP.HCM, Bình Chánh là địa phương đạt nhiều tiêu chí lên quận nhất với 26/30 tiêu chí; thấp nhất là Cần Giờ khi chỉ có 19/30 tiêu chí.

 

 

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan vừa ký ban hành kế hoạch xây dựng đề án đầu tư – xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021 – 2030.

Đề án này nằm trong chương trình đột phá đổi mới quản lý TP.HCM đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra. Kế hoạch xác định nhiệm vụ trọng tâm, nội dung công việc, đồng thời phân công trách nhiệm cụ thể để các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai, tập trung các nguồn lực đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí theo yêu cầu.

5 huyện ngoại thành TP.HCM còn thiếu bao nhiêu tiêu chí để lên quận? - ảnh 1
Nhiều khu dân cư ở Nhà Bè có tốc độ đô thị hóa cao, trong ảnh là nhà cao tầng dọc đường Nguyễn Hữu Thọ  NGỌC DƯƠNG

Trước đó, TP.HCM đã tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng các huyện theo tiêu chí của quận (hoặc thành phố) theo các thông số như: dân số, diện tích, số đơn vị hành chính, cơ cấu và phát triển kinh tế – xã hội, hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị.

Qua đối chiếu các tiêu chuẩn của đơn vị hành chính quận về phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết số 1210/2016 và Nghị quyết số 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 5 huyện (Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ) đã đạt phần lớn tiêu chí, và còn nhiều tiêu chí chưa đạt.

Trong 5 huyện, Bình Chánh là địa phương đạt nhiều tiêu chí nhất với 26/30 tiêu chí, Cần Giờ là địa phương đạt thấp nhất khi chỉ có 19/30 tiêu chí.

5 huyện ngoại thành TP.HCM còn thiếu bao nhiêu tiêu chí để lên quận? - ảnh 2
Kết quả rà soát các tiêu chí lên quận của 5 huyện ngoại thành TP.HCM

UBND TP.HCM

Trong đề án chung, TP.HCM phân ra các đề án nhánh và phân công từng sở, ngành thực hiện. Cụ thể, đề án Kinh tế đô thị do Sở KH-ĐT chủ trì; Văn hóa đô thị do Sở VH-TT chủ trì; Hạ tầng đô thị do Sở QH-KT chủ trì; Con người đô thị do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM chủ trì và Quản lý nhà nước do Sở Nội vụ chủ trì.

UBND TP.HCM cho biết sẽ ưu tiên ngân sách để tổ chức lập, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, nhất là các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển kết cấu hạ tầng các khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch, khu thương mại; nghiên cứu cơ chế, chính sách khuyến khích để huy động mạnh mẽ nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp ngoài nhà nước, vốn đầu tư nước ngoài.

Đáng chú ý, TP.HCM sẽ cân đối nguồn thu phát sinh trên địa bàn các huyện để phát triển hệ thống hạ tầng, tiện ích đô thị và tạo quỹ đất sạch. Áp dụng cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất tại các đô thị mới, các điểm dịch vụ, các loại đất có thể sinh lời cần thiết để tạo vốn phát triển hạ tầng. Ngoài ra, thành phố còn có kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, nâng cao trình độ dân trí, khoa học công nghệ, văn minh đô thị; năng lực tổ chức vận hành bộ máy, quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực.

 

SỸ ĐÔNG

TNO