24/11/2024

Vấn đề trợ cấp tài chính của các Giáo hội ở Châu Âu

Vấn đề trợ cấp tài chính của các Giáo hội ở Châu Âu

Tại Châu Âu, các Giáo hội được tài trợ theo cách rất khác nhau, hoặc từ khoản thuế Giáo hội, hoặc từ các cuộc lạc quyên hay đóng góp trực tiếp từ ngân sách của Nhà Nước. Hiện nay, đối mặt với các cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính, chính trị xã hội và cả tôn giáo, việc cung cấp tài chính cho các Giáo hội là chủ đề của các cuộc thảo luận ở nhiều nước Châu Âu.

Trong khi ở hầu hết các nơi trên thế giới, hoạt động của các Giáo hội được tài trợ bằng sự dâng tặng và đóng góp khác của các tín hữu, thì ở Châu Âu, nơi các quốc gia có những mối liên hệ chặt chẽ với Kitô giáo, những phát triển về lịch sử, chính trị và xã hội đã dẫn đến vấn đề cung cấp tài chính khác biệt lớn giữa các quốc gia.

Một cái nhìn tổng quan về những hệ thống tài trợ khác nhau để, như Hãng thông tấn KNA của Đức giải thích, không chỉ là biết các Giáo hội tài trợ cho các hoạt động và cơ cấu của họ như thờ phượng, tuyên úy, bác ái,… như thế nào, nhưng cũng để biết Giáo hội và Nhà Nước tương tác thế nào trong việc bảo tồn các di sản văn hoá của Giáo hội và trong việc tài trợ cho các tổ chức xã hội, giáo dục và y tế của Giáo hội.

Thuỵ Sĩ

Trước hết là tại Thuỵ Sĩ, có hai đặc tính liên quan đến vấn đề cung cấp tài chính cho các Giáo hội. Đặc tính đầu tiên là mối quan hệ giữa Giáo hội và Nhà nước được điều hành ở cấp tiểu bang chứ không phải cấp Liên bang và mỗi tiểu bang có chế độ khác nhau. Thứ hai là hệ thống ‘kép’ có nghĩa là các giáo xứ có các hiệp hội của Giáo hội nhưng theo luật nhà nước, bao gồm các giáo dân và được quản lý theo các nguyên tắc dân chủ. Các hiệp hội này có quyền kiểm soát tài chính.

Hầu hết các bang đều quen thuộc với hệ thống thuế Giáo hội, áp dụng cho các cá nhân cũng như các công ty. Ở vùng Thụy Sĩ nói tiếng Pháp, các bang Genève và Neuchâtel có sự tách biệt giữa Giáo hội và Nhà nước theo “kiểu Pháp”. Các bang Vaud và Valais có hệ thống riêng của họ.

Các hiệp hội của Giáo hội nói trên của các bang được liên kết trong Hội đồng Trung ương Công giáo La Mã (RKZ), là cơ quan tài trợ cho các hoạt động ở cấp khu vực và quốc gia.

Các giám mục và Hội đồng Giám mục phải thoả thuận về các vấn đề tài chính với các cơ quan hành chính các hiệp hội giáo hội trên, nghĩa là các ngài không có quyền quyết định về tài chính. Đối với các tín hữu, khi tuyên bố rời khỏi Giáo hội thì họ có thể được miễn nộp thuế Giáo hội.

Đức

Ở Đức, thuế Giáo hội là bắt buộc đối với tất cả những người thuộc về một Giáo hội. Thuế này được Nhà nước thu và sau đó chuyển số tiền thu được cho các Giáo hội. Nó tương đương với khoảng 3% thuế lợi tức. Các Giáo hội Công giáo và Tin lành ở Đức nhận được 12,4 tỷ euro tiền thuế trong năm 2018.

Những khoản tiền này là thu nhập chính của các Giáo hội. Số tiền này chủ yếu được sử dụng để tài trợ cho các nhân viên hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc mục vụ, và nhiều cơ sở y tế, xã hội hoặc giáo dục của các Giáo hội nằm trong số những nhà tuyển dụng lớn nhất trong nước. Nếu tuyên bố rời khỏi Giáo hội, tín hữu có thể không còn đóng thuế giáo hội bắt buộc nữa. Đối với một số người nộp thuế, các cân nhắc về tài chính chắc chắn ảnh hưởng đến quyết định của họ.

Áo

Tại Áo, từ năm 1939, đầu thế chiến thứ hai, đã có một hệ thống thuế giáo hội do các nhà cầm quyền Đức Quốc xã (đang chiếm đóng nước Áo thời bấy giờ) đưa ra, và các giám mục đã đồng loạt chống đối hệ thống này. Khoản đóng góp của các tín hữu cho Giáo hội được tính theo lợi tức thường niên của họ, (hiện nay là 1,1%). Hệ thống này tương tự như chế độ thuế Giáo hội tại Đức hiện nay

Không giống như Đức, khoản đóng góp tại Áo không được thu bởi Nhà Nước, nhưng bởi các giáo phận. Nó được sử dụng để tài trợ cho các nhiệm vụ chính của Giáo hội như chăm sóc mục vụ, bảo trì cơ sở, các vấn đề xã hội, giáo dục, văn hóa và hợp tác phát triển.

Các khoản đóng góp cho các Giáo hội và cộng đồng tôn giáo được công nhận được khấu trừ một phần từ thuế thu nhập như các khoản chi phí đặc biệt. Ngoài ra, Giáo hội nhận được “khoản thanh toán bồi thường” hàng năm từ Nhà Nước, tiền bồi thường cho những tài sản bị tịch thu trong thời kỳ Đức Quốc xã và sau đó không được trả lại. Trong ngân sách của các giáo phận, chúng chiếm khoảng 8%.

Ý

Ở Ý, Nhà Nước thu khoản thuế Giáo hội cách “gián tiếp”. Khoản này không được khấu trừ thêm vào thu nhập mà được trừ vào tổng số tiền thu được từ thuế thu nhập cá nhân. Kể từ năm 1984, mỗi người nộp thuế có thể tự do quyết định, trong tờ khai thuế của mình, phân bổ tám phần ngàn (8‰) được quy định: hoặc cho Nhà Nước, hoặc cho một trong mười hai cộng đồng tôn giáo hiện tại đã ký kết thỏa thuận với Nhà Nước.

Người đóng thuế không thể tránh loại thuế này bằng cách rời khỏi Giáo hội. Tất cả những người nộp thuế đều phải đóng khoản thuế này. Tuy nhiên, chỉ 40% trong số họ cho biết họ phân bổ phần thuế của họ cho ai. Tùy theo sự phân bổ này, phần còn lại được Nhà Nước chia cho các Giáo hội. Do đó, Giáo hội Công giáo với số tín hữu đông nhất vẫn nhận được hơn 70% tổng số tiền thuế Giáo hội.

Tây Ban Nha

Ở Tây Ban Nha, có một hệ thống tương tự trong việc phân bổ bắt buộc một phần thuế cho các Giáo hội hoặc cho văn hóa. Mỗi năm, những người nộp thuế tự nguyện quyết định, khi khai thuế, dành 0,7% tiền thuế của họ hoặc cho Giáo hội hoặc cho các mục tiêu xã hội hay văn hóa khác. Các đảng cánh tả đang hướng tới việc giảm đóng góp thuế cho Giáo hội, cũng như về lâu dài, các Giáo hội tự tài trợ cho mình.

Pháp

Tại Pháp, kể từ khi Giáo hội và Nhà Nước thực sự tách biệt vào năm 1905, Giáo hội không còn nhận được bất kỳ khoản trợ cấp nào của nhà nước. Giáo hội chỉ nhờ vào sự đóng góp từ các tín hữu. Các linh mục và giám mục nhận được khoảng 950 Euro mỗi tháng, một phần được dùng để trả tiền nhà và thậm chí cả thực phẩm. Các nhà thờ được xây dựng trước năm 1905 thường thuộc về các thành phố và thành phố chịu trách nhiệm bảo trì.

Theo luật năm 1905, thu nhập của các giáo phận được liên kết với việc tài trợ cho các hoạt động chính của Giáo hội: thờ phượng, chăm sóc mục vụ, bác ái và những công việc khác. Các giáo phận có tình hình tài chính rất khác nhau tùy theo tài sản riêng, số tín hữu và lòng quảng đại của họ. Tại các vùng của Alsace và Moselle, hòa ước của Napoléon năm 1801 vẫn còn hiệu lực. Do đó, các giáo phận không có trách nhiệm bảo quản các cơ sở thờ tự được xây dựng sau năm 1905, cũng như tiền lương của các linh mục quản xứ do Nhà Nước chi trả.

Bỉ

Ở Bỉ, kể từ thời Napoléon, Nhà Nước tài trợ trực tiếp hoặc gián tiếp cho các hoạt động của Giáo hội thông qua các thỏa thuận pháp lý khác nhau. Ví dụ, tiền lương của các linh mục quản xứ và phí xây dựng, việc tài trợ cho các tổ chức và dự án của Giáo hội đòi hỏi phải có các cuộc đàm phán liên tục với các cơ quan công quyền. Do đó, sự bất đồng ở các cấp độ khác nhau của Nhà nước có thể ngăn chặn các dự án của Giáo hội.

Mặt khác, về phương diện cơ cấu, các tín hữu cảm thấy ít quan tâm đến những lời kêu gọi của các giám mục xin họ quảng đại đóng góp. Hệ thống thuế hiện tại đang chịu áp lực về mặt xã hội, nhưng các cuộc cải cách bị hoãn lại vô thời hạn.

Vương quốc Anh

Tại Vương quốc Anh, Giáo hội Anh giáo là Giáo hội của Nhà nước Anh. 26 trong số các giám mục của Giáo hội này là thành viên của Hạ viện. Tuy nhiên, không có Giáo hội nào ở Anh nhận được sự hỗ trợ tài chính từ Nhà Nước. Tại Anh không có vấn đề thuế Giáo hội.

Nhà nước Anh chỉ có trợ cấp cho việc bảo trì các tòa nhà được xếp hạng là di tích lịch sử kể từ năm 1979. Các khoản quyên góp cho các tổ chức từ thiện đã đăng ký cũng được hưởng lợi từ các ưu đãi về thuế. Về cơ bản, các Giáo hội ở Anh chủ yếu được tài trợ bởi sự đóng góp từ các thành viên của họ.

Hungary

Tại Hungary, vào các năm 1997 và 2004 nước này đã đưa ra luật bắt buộc đóng góp từ 1-2% tiền thuế, nhưng người đóng thuế được tự do lựa chọn số tiền thuế của họ được tài trợ cho các mục đích nào: giáo hội, xã hội, văn hoá hoặc nhân đạo. Sự tài trợ tương đối hào phóng của Nhà Nước dành cho Giáo hội cũng được coi là sự đền bù cho những cuộc đàn áp mà Giáo hội phải gánh chịu trong thời kỳ cộng sản.

Ba Lan

Ở Ba Lan, hơn 40 triệu euro mỗi năm được trích từ ngân sách nhà nước để cung cấp cho “quỹ giáo hội”. Quỹ này được thành lập vào năm 1950 để bù đắp cho việc trưng thu tài sản của các cộng đồng tôn giáo vào thời điểm đó. Nó được sử dụng để trả các khoản đóng góp lương hưu và các khoản bảo hiểm xã hội khác của phần lớn các giáo sĩ thuộc tất cả các hệ phái cũng như chi phí bảo trì các nhà thờ. Nhưng không có thuế giáo hội. Phần còn lại, các Giáo hội tự tài trợ chủ yếu bằng các cuộc lạc quyên và quyên góp.

Các đảng phái đối lập từ lâu đã kêu gọi bãi bỏ “quỹ giáo hội”. Vào năm 2013, chính phủ Tự do cánh hữu đã đồng ý với Giáo hội Công giáo để thay thế quỹ này bằng một khoản đóng góp giáo hội tự nguyện từ những người đóng thuế là 0,5% tiền thuế, theo mô hình của Ý. Nhưng dự án này đã không được thực hiện sau nhiều chỉ trích.

Slovakia

Tại Slovakia, vào năm 2020, liên minh chính phủ Slovakia hiện tại đã hoàn thành lời hứa bầu cử bằng cách tổ chức lại việc tài trợ cho các Giáo hội – và do đó bãi bỏ một đạo luật vẫn còn hiệu lực từ thời cộng sản. Theo đó, việc trợ cấp cho 18 Giáo hội và cộng đồng tôn giáo được Nhà nước công nhận nay được trả theo số lượng thành viên. Nhà nước tiếp tục phân bổ tiền lương của các linh mục cũng như chi phí hoạt động của các trụ sở của các Giáo hội.

Các Giáo hội và các cộng đồng tôn giáo hiện có quyền tự do trong việc phân phối thu nhập. Bây giờ họ có thể tự quyết định xem họ sẽ tài trợ cho ai hoặc điều gì bằng số tiền này. Tuy nhiên, họ phải công khai các tài khoản mỗi năm và chứng minh tính phù hợp của các quyết định của họ. Nếu trong cuộc điều tra dân số 10 năm, số thành viên giảm hoặc tăng hơn 10%, thì việc tài trợ của bang chỉ giảm hoặc tăng một lần. (Cath.ch 17/01/2022)

Hồng Thuỷ

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2022-01/thue-giao-hoi-tai-chinh-giao-hoi-chau-au.html