29/12/2024

Kinh tế thế giới giữa muôn trùng vây

Kinh tế thế giới giữa muôn trùng vây

Năm nay, Diễn đàn Kinh tế thường niên ở Davos (Thụy Sĩ) tiếp tục bị hủy bỏ kế hoạch họp trực tiếp để thay bằng chương trình nghị sự trực tuyến từ ngày 17 – 21.1 với các chủ đề đều đang đối mặt nhiều khó khăn.

 

 

Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), chương trình nghị sự bao gồm các chủ điểm sau: Ảnh hưởng của đại dịch đến sự gắn kết của cộng đồng và sinh kế; Triển vọng kinh tế toàn cầu; Áp lực của các chính phủ, doanh nghiệp và xã hội để chuyển sang giai đoạn phát triển kinh tế net-zero (không thêm vào tổng lượng khí nhà kính thải ra khí quyển – NV); Sự phụ thuộc vào hạ tầng kỹ thuật số và rủi ro an ninh mạng ngày càng tăng…

Bi quan về triển vọng

Ngay trước thềm hội nghị năm nay, WEF công bố báo cáo rủi ro toàn cầu trong năm 2022. Đây là báo cáo được thực hiện thông qua khảo sát ý kiến của 1.000 chuyên gia và lãnh đạo các nước. Kết quả, 84% câu trả lời tỏ ra lo lắng triển vọng cho kinh tế toàn cầu năm 2022. Ngoài ra, chỉ 11% người tham gia khảo sát kỳ vọng rằng sự phục hồi kinh tế tăng tốc trong 3 năm tới. Lý do khiến cho triển vọng trở nên bi quan là vì đại dịch Covid-19.

Kinh tế thế giới giữa muôn trùng vây - ảnh 1
Kinh tế thế giới vẫn đối mặt nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19  AFP

Bên cạnh đó, dù chủ đề đối phó biến đổi khí hậu là một trong các nội dung thảo luận, nhưng theo báo cáo trên thì các chuyên gia đặc biệt lo lắng rằng việc không hành động hiệu quả với khủng hoảng khí hậu là rủi ro lớn nhất trong thập kỷ tới. Lo ngại này là hoàn toàn dễ hiểu, vì trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch thì nhiều doanh nghiệp trên thế giới gặp không ít khó khăn, nên việc phải tốn kém thêm các chi phí để chuyển sang giai đoạn phát triển kinh tế net-zero trở thành thách thức lớn. Thực tế này khiến cho nhân loại gặp nhiều khó khăn hơn về triển vọng đạt mục tiêu về net-zero vốn có vai trò then chốt để quyết định hiệu quả của quá trình ứng phó biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC) cùng với Nga và một số nước (hay còn gọi là nhóm OPEC+) vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược cắt giảm sản lượng khai thác nhằm giữ giá cao. Mỹ cùng một số nước đã ứng phó bằng cách xả kho dự trữ chiến lược, nhưng không đủ sức tác động mạnh để hạ nhiệt giá dầu. Ngày 16.1, Bloomberg dẫn báo cáo mới của Tập đoàn năng lượng Vitol dự báo giá dầu sẽ tăng 10% trong năm 2022. Giá dầu cao càng khiến cho quá trình phục hồi của nhiều ngành trở nên khó khăn hơn.

Đại dịch chưa qua

Đầu tháng 1, trước khi WEF đưa ra báo cáo trên, đơn vị tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị hàng đầu thế giới là Eurasia Group (Mỹ) cũng đã công bố báo cáo chỉ ra các rủi ro ẩn chứa nguy cơ gây tổn thất lớn trong năm 2022.

Theo đó, yếu tố rủi ro lớn nhất chính là đại dịch Covid-19. Cụ thể, về khả quan thì nhiều nước đã tổ chức tiêm chủng đạt hiệu quả bao phủ diện rộng bằng các loại vắc xin có hiệu quả cao, kết hợp cùng việc ngày càng có nhiều biện pháp chữa trị, sẽ làm cho Covid-19 trở thành bệnh đặc hiệu. Tuy nhiên, nhiều quốc gia khác có thể vẫn còn phải đối mặt với các nguy cơ của Covid-19, đặc biệt trong trường hợp xuất hiện thêm các biến thể mới, điển hình như biến thể Omicron. Ngoài ra, dù Covid-19 trở thành bệnh đặc hiệu, các nước phát triển vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức về kinh tế do sự đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất… Trong đó, tuy đã đạt nhiều thành tích ấn tượng vào năm 2021, nhưng chính sách zero-Covid (quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng) của Trung Quốc đang ngày càng có dấu hiệu kém hiệu quả và dẫn đến nhiều hệ lụy, gây ảnh hưởng tiêu cực cho chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt thách thức.

Liên quan vấn đề này, tờThe New York Times ngày 16.1 đưa tin các doanh nghiệp Mỹ lo ngại chính sách zero-Covid của nhà cầm quyền Bắc Kinh có thể gây nên sự đứt gãy trong chuỗi sản xuất toàn cầu khi tình hình dịch bệnh đang lan rộng trở lại ở Trung Quốc, nhất là khi biến chủng Omicron có khả năng truyền bệnh cao hơn các biến thể khác, bất chấp nhiều biện pháp thắt chặt. Đến nay, nhiều khu vực ở Trung Quốc đã bị phong tỏa dẫn đến hàng loạt doanh nghiệp sản xuất tại nước này phải ngưng hoạt động.

Chính vì thế, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được cho là tiếp tục tác động xấu đến kinh tế thế giới dù nhiều nước đã đạt được không ít thành tích trong việc phòng ngừa.

HOÀNG ĐÌNH

TNO