Có thể nghĩ, không thể làm

Có thể nghĩ, không thể làm

Trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và NATO với Nga rất căng thẳng, phức tạp, các nước Bắc Âu vốn theo đuổi chính sách trung lập truyền thống như Thuỵ Điển và Phần Lan đã đề cập đến khả năng gia nhập NATO.

 

 

Biểu hiện ra bên ngoài, Nga cảnh báo và răn đe rất mạnh mẽ. Trong thực chất, Nga không lo ngại nhiều về khả năng xảy ra kịch bản này vì hai lý do.

Thứ nhất, chính giới ở các nước kia có thể nghĩ và suy tính khả năng đó nhưng lại không thể tiến hành trên thực tế. Hiện các nước này chủ ý vừa quả quyết tiếp tục chính sách trung lập truyền thống lại vừa tăng cường quan hệ hợp tác về chính trị an ninh, quân sự và quốc phòng với NATO. Ở thế chân trong chân ngoài như thế, họ có thể tận lợi được nhiều nhất về chính trị ngoại giao thế giới và châu lục cũng như về hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại quốc tế.

Có thể nghĩ, không thể làm - ảnh 1
Việc mở rộng thành viên của NATO đang trở nên thời sự  REUTERS

Một phần rất đáng kể vị thế và ảnh hưởng quốc tế của các nước này nhờ vào thực tế họ được thế giới bên ngoài nhìn nhận và công nhận là trung lập. Mỹ, NATO, EU và tất cả các nước châu Âu, trong đó có các quốc gia trung lập, tin là Nga có thể hành động quân sự nhằm vào ai đó chứ không nhằm vào các nước thành viên NATO và các nước trung lập truyền thống ở Bắc Âu. Gia nhập NATO vào thời điểm hiện tại vừa không cần thiết, lại còn chỉ lợi bất cập hại đối với họ.

Thứ hai, Nga không ngại các nước ấy gia nhập NATO bằng việc NATO lôi kéo các nước thuộc Liên Xô cũ vào liên minh, không lo NATO “Bắc tiến” bằng “Đông tiến”. Nga răn đe các nước kia thế nhưng biết rõ họ sẽ không gia nhập NATO.

 

PHẠM LỮ

TNO