24/11/2024

Sinh viên có giải pháp khoa học công nghệ nhận giải cao, rồi sao nữa?

Sinh viên có giải pháp khoa học công nghệ nhận giải cao, rồi sao nữa?

Đó là trăn trở của không ít sinh viên đã và đang tham gia những cuộc thi tìm kiếm những ý tưởng đổi mới sáng tạo, giải pháp khoa học công nghệ thời gian qua.

 

Sinh viên có giải pháp khoa học công nghệ nhận giải cao, rồi sao nữa? - Ảnh 1.

Sinh viên trong nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đang tiến hành nâng cấp cho giải pháp máy đóng bao bì tự động – Ảnh: TRỌNG NHÂN

Đặc biệt khi những câu chuyện xoay quanh các cụm từ như “cách mạng công nghiệp”, “chuyển đổi số”, “trí tuệ nhân tạo” ngày càng trở thành chủ đề nóng, các cuộc thi này càng được tổ chức rầm rộ.

Nghiên cứu chỉ để đi thi?

Bạn Nguyễn Khắc Toàn, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, là thành viên trong nhóm nghiên cứu của trường đã giành giải nhất trong cuộc thi Euréka năm 2021. Công trình “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo đầu robot” của nhóm được đánh giá cao do khả năng cử động của các bộ phận trên gương mặt robot cùng thiết kế dựa vào giải phẫu học cho ra phần đầu giống người.

Hiện tại, Toàn vẫn đang tiếp tục cùng nhóm của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM phát triển các phiên bản nâng cấp của robot, trong đó dự kiến robot có thể trở thành tiếp tân cho nhiều sự kiện trong tương lai.

Dù vậy, Toàn cho rằng không phải nghiên cứu nào của sinh viên cũng có cơ hội phát triển thêm sau các cuộc thi như vậy. Toàn trăn trở nhiều nhóm có ý tưởng hay nhưng sau khi đoạt giải cao lại không nhận được những sự trợ giúp để ứng dụng trực tiếp vào đời sống.

“Ở một số cuộc thi, sinh viên đưa ra nhiều giải pháp trí tuệ nhân tạo để giải quyết các bài toán ùn tắc giao thông, chống thoát nước cho TP khá khả thi nhưng không được phát triển thêm. Có cảm giác những giải pháp của sinh viên chỉ dừng ở mức đi thi là xong”, Toàn chia sẻ.

Tương tự, Nguyễn Huỳnh Trang Nhã, sinh viên Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng nêu ý kiến hiện nay có rất nhiều sân chơi cho các bạn sinh viên được thỏa sức thể hiện khả năng, giao lưu, học hỏi. Nhưng sinh viên chưa đủ chuyên môn, kinh nghiệm để tự mình kêu gọi sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp hay các cơ quan, tổ chức.

Trang Nhã đặt ra vấn đề các tổ chức như Đoàn thanh niên, Hội sinh viên ở các trường ĐH có thể giúp sinh viên liên kết với các doanh nghiệp và các cơ quan để hỗ trợ sinh viên về kinh phí và chuyên môn.

“Bắt đầu bằng những dự án vừa và nhỏ, sau đó liên kết những dự án liên quan để thực hiện một đề bài lớn có thể vận dụng xử lý các vấn đề TP đang gặp phải”, Trang Nhã nói.

Giai đoạn đầu của chặng đường dài

Sinh viên có giải pháp khoa học công nghệ nhận giải cao, rồi sao nữa? - Ảnh 2.

Nghiên cứu đầu robot của Nguyễn Khắc Toàn và nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – Ảnh: TRỌNG NHÂN

ThS Lê Nhật Quang – phó giám đốc Khu công nghệ phần mềm (ĐH Quốc gia TP.HCM), đơn vị hằng năm tổ chức cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp CiC – cho rằng thông thường những ý tưởng, giải pháp của sinh viên dừng lại sau nhiều cuộc thi gặp phải một số lý do. Chẳng hạn, ý tưởng có thể rất hay trong bối cảnh cuộc thi nhưng ra thực tế thì nhiều giải pháp tương tự đã được thương mại hóa.

Bên cạnh đó, từ một ý tưởng tiềm năng ra được thị trường phải qua ít nhất 5 giai đoạn mà ở các cuộc thi chỉ là giai đoạn thứ nhất hoặc thứ hai. Để đi hết chặng đường còn lại, nhóm sinh viên cần có đủ nội lực hoặc liên kết được nhiều nguồn lực để giải quyết những vấn đề không chỉ liên quan đến khoa học, công nghệ mà còn cả quản trị, sản xuất, thương mại hóa… Ông Quang cho rằng các cuộc thi có thể cho các sinh viên trải nghiệm thêm những vấn đề ấy để các bạn hiểu được thị trường cần gì.

Ngoài ra, các cuộc thi có thể tạo điều kiện kết nối cho các bạn với những nhà đầu tư thiên thần. Có nhiều kinh nghiệm, các nhà đầu tư thiên thần khi nhìn vào giải pháp có thể hình dung tính khả thi. Họ cũng có các mối quan hệ có thể giúp sinh viên kết nối và nguồn vốn để hỗ trợ những dự án ấy.

PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh – phụ trách Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, người từng hướng dẫn nhiều nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học, công nghệ – chia sẻ, các cuộc thi không chỉ nên tìm kiếm vấn đề từ thực tế doanh nghiệp mà còn cần hẳn một nhóm khảo sát từ doanh nghiệp, nắm được nhu cầu của họ để đặt ra được những đề bài chất lượng. Trên thực tế, nhiều cuộc thi hiện nay đang thiếu đi bước này.

Trong khi đó, bản thân các công ty cũng có nhu cầu đặt ra những vấn đề họ đang gặp phải cần huy động các ý tưởng để giải quyết. “Khi kết hợp được thì đôi bên sẽ cùng có lợi. Các cuộc thi có đầu bài thực tiễn cho sinh viên để giải quyết. Doanh nghiệp họ tiết kiệm được chi phí, vừa có được những cách xử lý vấn đề mới”, ông Thịnh nói.

Ông Huỳnh Kim Tước, giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (SIHUB), trực thuộc Sở KH-CN TP.HCM, cho rằng hiện nay rất nhiều nhà đầu tư chủ động “đi săn” những giải pháp, ý tưởng hay. Tuy nhiên để tiếp cận được, các sinh viên trước hết cần định hướng mình sẽ đi theo con đường nào: sẽ tập trung phát triển các giải pháp và bán ý tưởng hay tự mình khởi nghiệp. Ông Tước cho rằng sinh viên có thể tìm đến những vườn ươm nơi có các chuyên gia để có thể được định hướng những lộ trình tiếp theo.

TP sẽ đặt đề bài cho sinh viên

Trong chương trình “Lãnh đạo TP gặp gỡ sinh viên tiêu biểu trong nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo” vừa được tổ chức, ông Phan Văn Mãi, chủ tịch UBND TP.HCM, đề nghị rà soát lại những hoạt động, các hội thi về tin học, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, từ quy chế đến cách tiếp cận các vấn đề. Trong đó, có thể đặt ra những vấn đề từ thực tiễn cuộc sống của TP.HCM đưa vào hội thi, để sau khi được giải quyết có thể trở thành những dự án cho TP sau này.

Chủ tịch Phan V

ăn Mãi cũng cho biết trong chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TP.HCM giai đoạn 2020-2030”, có các nhiệm vụ rất lớn đã được TP đề ra. Trên cơ sở những nhiệm vụ này, ông Mãi đề nghị Sở Thông tin và truyền thông chọn ra những đầu bài nhỏ hơn, thông báo rộng rãi đến các trường, các hội sinh viên, Đoàn thanh niên để các bạn sinh viên có thể tham gia. Các đầu bài nên yêu cầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giải quyết các vấn đề cụ thể của người dân, các bài toán trong y tế, giáo dục, hành chính, giao thông,…

TRỌNG NHÂN