WHO phê duyệt thêm thuốc điều trị COVID-19

WHO phê duyệt thêm thuốc điều trị COVID-19

Ngày 14-1, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt hai phương pháp điều trị ngăn bệnh nặng và tử vong do COVID-19, trong bối cảnh biến thể Omicron dễ lây lan đang làm tăng mạnh số ca nhập viện.

 

WHO phê duyệt thêm thuốc điều trị COVID-19 - Ảnh 1.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt thêm phương pháp điều trị COVID-19 – Ảnh (minh họa): PIXABAY

Trong khuyến cáo đăng trên Tạp chí Y khoa Anh (BMJ), hội đồng chuyên gia WHO cho biết thuốc viêm khớp Baricitinib của Hãng dược Eli Lilly (Mỹ) kết hợp cùng thuốc kháng viêm Corticosteroid để điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng nhằm tăng tỉ lệ sống sót và giảm việc phải máy thở.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị điều trị bằng kháng thể tổng hợp Sotrovimab cho bệnh nhân có nguy cơ nhập viện cao nhất, như người già, người suy giảm miễn dịch hoặc mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường. Sotrovimab do hãng dược GlaxoSmithKline (Anh) và công ty công nghệ sinh học Vir Biotechnology (Mỹ) hợp tác phát triển.

Theo WHO, lợi ích của Sotrovimab đối với bệnh nhân không có nguy cơ nhập viện được cho là không đáng kể, và hiệu quả của kháng thể tổng hợp này với biến thể mới như Omicron “vẫn chưa chắc chắn”.

Tính đến nay, WHO đã phê duyệt 5 phương pháp điều trị COVID-19. Đầu tiên là thuốc kháng viêm Corticosteroid cho bệnh nhân nặng vào tháng 9-2020. Theo Hãng tin AFP, Corticosteroid không đắt, phổ biến và chống lại chứng viêm thường đi kèm ca COVID-19 nặng.

Tháng 7-2021, WHO tiếp tục phê duyệt thuốc viêm khớp Tocilizumab và Sarilumab – chứa chất ức chế IL-6 ngăn phản ứng quá mức nguy hiểm của hệ miễn dịch với virus SARS-CoV-2.

Tháng 9-2021, WHO phê duyệt kháng thể tổng hợp Regeneron và khuyến nghị mới nhất của WHO cho biết Sotrovimab có thể được sử dụng cho nhóm bệnh nhân có tình trạng tương tự.

Baricitinib thuộc một nhóm thuốc khác có chứa chất ức chế Janus kinase, song có cùng hướng dẫn sử dụng với chất ức chế IL-6.

Các chuyên gia WHO cho biết khi các loại thuốc đã sẵn có, các bác sĩ hãy chọn loại thuốc phù hợp cho bệnh nhân dựa trên giá cả và kinh nghiệm lâm sàng.

Các khuyến nghị điều trị COVID-19 của WHO thường xuyên được cập nhật dựa trên dữ liệu mới từ các thử nghiệm lâm sàng.

Theo Hãng tin Reuters, tổ chức từ thiện y tế Pháp Medecins Sans Frontieres (MSF) hoan nghênh khuyến nghị mới của WHO.

MSF cho rằng Baricitinib có thể là sự thay thế tiềm năng cho các liệu pháp kháng thể đơn dòng được WHO khuyến nghị song thiếu nguồn cung tại các nước thu nhập trung bình và thấp.

Thuốc trị COVID-19 Sotrovimab tiêm bắp tay hiệu quả như truyền tĩnh mạch

Ngày 13-1, hai công ty GSK và công ty nghệ sinh học Vir thông báo đang xin mở rộng phê duyệt phương án tiêm bắp cho liệu pháp kháng thể trị COVID-19 Sotrovimab.

Thuốc kháng thể Sotrovimab đã được cho phép sử dụng khẩn cấp ở Mỹ hồi tháng 5-2021 để ngăn chặn các trường hợp nhiễm COVID-19 thể nhẹ hoặc trung bình trở nặng. Hiện thuốc đang được dùng theo cách tiêm qua tĩnh mạch.

Sotrovimab là thuốc thuộc nhóm kháng thể đơn dòng , là các hợp chất được tạo ra trong phòng thí nghiệm, bắt chước khả năng phòng thủ tự nhiên của cơ thể. Các thử nghiệm cho thấy loại thuốc này có khả năng chống lại biến thể Omicron.

Cách sử dụng mới theo phương thức tiêm bắp đã được thử nghiệm và cho thấy có hiệu quả tốt như truyền vào tĩnh mạch. Tuy nhiên, tiêm bắp tiện lợi hơn vì dễ thực hiện hơn.

Để tăng cường kho thuốc chữa COVID-19 mà cụ thể là chống lại biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, Mỹ mua thêm 600.000 liều thuốc kháng thể Sotrovimab do công ty GSK và công ty nghệ sinh học Vir sản xuất.

Theo thông báo do công ty đưa ra ngày 11-1, lượng thuốc Sotrovimab mua thêm sẽ được giao trong quý đầu năm 2022. Ngoài Mỹ, Canada và Liên minh châu Âu (EU) cũng đặt mua thuốc này.

Tháng 11-2021, Chính phủ Mỹ ký hợp đồng trị giá gần 1 tỉ USD để mua các liều Sotrovimab để kiểm soát dịch bệnh trong nước.

Tuần trước, chính quyền Mỹ tiếp tục tăng gấp đôi đơn đặt hàng thuốc uống chữa trị COVID của Pfizer, mua tổng cộng 20 triệu liệu trình.

Dù biến thể Omicron có thể gây bệnh nhẹ hơn các biến thể khác, nhưng số ca nhiễm tăng nhanh cũng đã gây áp lực lên các hệ thống bệnh viện do số bệnh nhân tăng cao và thiếu y bác sĩ do chính họ cũng bị nhiễm COVID-19.

GSK và Vir dự kiến sẽ sản xuất khoảng 2 triệu liều Sotrovimab trên toàn thế giới trong nửa năm đầu của 2022.

HỒNG VÂN

ANH THƯ – HỒNG VÂN
TTO